23 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thời gian này ước tính đạt 145.79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285.12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 145.79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139.33 tỷ USD, giảm 2,9%.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD

Đóng góp chung cho thành tích của hoạt động ngoại thương 7 tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50.76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95.03 tỷ USD (chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,7%.

Có đến 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm. Tiêu biểu là các mặt hàng như điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản; sắt thép…

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa có một số tín hiệu vui như mới đây, theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo tiếp tục cấp mã giao dịch cho phép 1 nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc là Nhà máy Sữa Sài Gòn (Saigon Dairy Factory, trực thuộc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk) được phép xuất khẩu sản phẩm sữa lên men bổ sung hương vị (Flavored fermented milk).Như vậy, có 5 công ty Việt được phép xuất khẩu sữa sang thị trường này, tạo đà xuất khẩu sữa vào một trong những thị trường tiềm năng nhất thế giới.

Hoặc, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh nhưng bù lại, xuất khẩu sang nhiều thị trường khác lại tăng trưởng rất cao. Cụ thể, xuất khẩu hàng hàng rau, quả tới thị trường Hàn Quốc đạt 81,7 triệu USD, tăng 25,2%; Thái Lan đạt 79,4 triệu USD, tăng 234,2%; Nhật Bản đạt 68,2 triệu USD, tăng 13,1%; Đài Loan đạt 43 triệu USD, tăng 86,8%... Dù tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khác chỉ chiếm 40,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau, quả; chưa bù đắp được mức giảm từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu khả quan cho mặt hàng rau, quả của Việt Nam.

Xuất khẩu hàng hóa nói chung đang kỳ vọng nhiều vào những tháng cuối năm khi dịch bệnh của các thị trường là bạn hàng lớn của ta được kiểm soát tốt hơn. Bộ Công Thương cũng đang tích cực cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải- Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số hay điện tử hóa trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi từ 1/8 tới, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O điện tử.

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/23-mat-hang-xuat-khau-ty-usd-141261.html