3 khâu đột phá nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở Thành phố

Những năm qua, thành phố Sơn La đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Trường TH Ngọc Linh (Thành phố) ứng dụng CNTT vào giảng dạy.

Trường TH Ngọc Linh (Thành phố) ứng dụng CNTT vào giảng dạy.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy về phát triển và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2020-2025, trong đó, tập trung vào 3 khâu đột phá: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đổi mới phương pháp, hình thức, hoạt động giáo dục đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn trong các đơn vị trường học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học... Qua đó, các trường học đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đổi mới công tác quản lý; đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá... Từ đó, chất lượng giáo dục trên địa bàn ngày một chuyển biến, thể hiện qua kết quả từng năm học.

Đến nay, Thành phố có 36/43 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 18 trường đạt chuẩn mức độ 2. Năm học 2019-2020, chất lượng giáo dục trẻ trong 5 lĩnh vực phát triển theo từng tiêu chí đạt và vượt trên 95% so với năm trước; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học lần 1 đạt 99,1% (tăng 0,6% so với năm học 2018-2019); tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi tăng 1,6% so với năm trước; 100% học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp THCS. Tại các kỳ thi học sinh giỏi, Thành phố đã đạt 9 giải Nhất; 24 giải Nhì; 41 giải Ba và 101 giải khuyến khích; tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kĩ thuật cho học sinh lớp 9 THCS cấp thành phố và cấp tỉnh có 11 sản phẩm của học sinh tham gia dự thi, đã đoạt 1 giải Nhất; 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích cấp thành phố và 1 giải Nhất; 1 giải Nhì; 1 giải Ba, 1 Khuyến khích, 1 giải triển vọng cấp tỉnh.

Hiện nay, Thành phố đạt 100% giáo viên các cấp học có chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; có 21 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Công tác ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học được các trường học quan tâm, 100% đơn vị trường học đã kết nối Internet; 100% đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản trong chỉ đạo điều hành... Đặc biệt, đầu học kỳ 2, năm học 2020-2021, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD và ĐT về nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, với phương châm “học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học”, các đơn vị trường học đã ứng dụng tốt các phần mềm, như: Zoom, office 365, Google Meet... để dạy học trực tuyến, đảm bảo kế hoạch, nhiệm vụ năm học đề ra.

Trường THCS Lê Quý Đôn là một trong số những trường thực hiện tốt 3 khâu đột phá trong giáo dục mà Thành phố đã đề ra. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng thông tin: Trường có 45 giáo viên, trong đó 43 giáo viên giỏi cấp Thành phố; 20 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm học 2019-2020, có 33 học sinh giỏi cấp thành phố; 17 học sinh giỏi cấp tỉnh. Học kì I năm nay, trường có 169 học sinh giỏi, đến học kỳ II tăng lên 295 học sinh giỏi, vượt chỉ tiêu 18%; học sinh tham gia Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp thành phố đoạt giải Nhất; giải khuyến khích cấp tỉnh... Nhà trường đã đổi mới phương pháp giảng dạy, các hoạt động học tập được tổ chức, định hướng bởi giáo viên kết hợp với công cụ học tập; lấy học sinh là trung tâm, thường xuyên tổ chức cho học sinh tự nghiên cứu và thuyết trình các bài học ở tất cả các môn học. Bằng phương pháp học tập này, đã giúp học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, tự tìm kiếm, khám phá, chiếm lĩnh kiến thức, vận dụng vào thực tiễn, qua đó học sinh năng động, sáng tạo hơn, phát triển phẩm chất, phát huy năng lực, kết quả học tập năm sau, cao hơn năm trước.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo, Thành phố đang tập trung nguồn lực xây dựng, củng cố cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp học; nghiên cứu, đề xuất mô hình trường chất lượng cao, trường học thông minh từ cấp tiểu học lên THCS; có cơ chế đặc thù, ưu tiên đội ngũ giáo viên giỏi, giáo viên có nhiều học sinh giỏi qua các hội thi, kỳ thi; tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh đầu cấp; triệt để ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ thông tin, số hóa, mô hình giáo dục liên môn; tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục. Với những giải pháp cụ thể, sẽ tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục; đảm bảo chất lượng giáo dục thực chất, bền vững.

Lam Giang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/3-khau-dot-pha-nang-cao-chat-luong-giao-duc-va-dao-tao-o-thanh-pho-39192