30 năm Việt - Mỹ: Ngoại giao nhân dân trong kỷ nguyên mới

Nhân dân hai nước tiếp tục vun đắp mối quan hệ Việt - Mỹ thông qua giao lưu, hợp tác, góp phần củng cố nền tảng bền vững cho quan hệ song phương.

30 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam (VN) và Mỹ đã vượt qua những thử thách, rào cản lớn để trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Trong hành trình ấy, ngoại giao nhân dân - với sức mạnh của sự thấu cảm, chia sẻ và kết nối từ trái tim - đã chứng minh vai trò đặc biệt trong việc kiến tạo lòng tin và thúc đẩy hòa giải.

Nền móng cho hòa giải và lòng tin

. Phóng viên: Theo chuyên gia, đâu là những dấu mốc hoặc yếu tố nổi bật thể hiện sức mạnh đặc biệt của giao lưu nhân dân trong việc thúc đẩy hòa giải và xây dựng lòng tin giữa VN và Mỹ?

 Bà Piper Campbell, cựu Đại sứ Mỹ tại Mông Cổ, nguyên Trưởng Phái đoàn lâm thời của Mỹ tại ASEAN, hiện là Giáo sư tại Đại học American (Mỹ). Ảnh: ĐH AMERICAN

Bà Piper Campbell, cựu Đại sứ Mỹ tại Mông Cổ, nguyên Trưởng Phái đoàn lâm thời của Mỹ tại ASEAN, hiện là Giáo sư tại Đại học American (Mỹ). Ảnh: ĐH AMERICAN

+ Bà Piper Campbell, GS tại ĐH American (Mỹ): Thượng nghị sĩ John McCain đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo nền tảng cho quá trình khôi phục quan hệ chính thức.

Lịch sử của ông mang lại cho ông một uy tín đặc biệt. Việc ông McCain và Thượng nghị sĩ John Kerry cùng hợp tác trong nỗ lực lưỡng đảng cũng có ý nghĩa lớn.

Tôi từng nghe các quan chức Mỹ và VN nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc Chính phủ VN cho phép các nhóm đàm phán ban đầu tiếp cận một số địa điểm quan trọng, góp phần làm sáng tỏ những nghi vấn về các địa điểm bí mật giam giữ tù binh, giúp dẹp bỏ những nghi ngờ còn tồn tại.

 TS Trần Nguyên Khang - giảng viên tại khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM. Ảnh: NVCC

TS Trần Nguyên Khang - giảng viên tại khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM. Ảnh: NVCC

+ TS Trần Nguyên Khang, giảng viên tại khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM: Ngoại giao nhân dân đã tiên phong trong tiến trình hàn gắn và bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, khi các kênh chính thức còn bị ràng buộc vì di sản chiến tranh. Nổi bật là phong trào phản chiến của trí thức, tôn giáo Mỹ những năm 1960-1970, các chuyến thăm VN của các cựu binh Mỹ như John Kerry, John McCain từ đầu những năm 1990, cùng các nỗ lực vận động của họ tại Quốc hội Mỹ từ cuối thập niên 1980, đã góp phần quan trọng mở đường bình thường hóa quan hệ.

“Mô hình “giao lưu nhân dân - hòa giải quốc gia” là một trong những di sản mềm đáng tự hào nhất của quan hệ Việt - Mỹ, đồng thời là bài học quý cho các quốc gia khác: Giao lưu nhân dân có thể hạ nhiệt căng thẳng, tạo nhận thức chung, mở ra không gian đối thoại, miễn là có thời gian, kiên nhẫn và đầu tư xã hội” - TS Trần Nguyên Khang.

Bên cạnh đó là hoạt động của các tổ chức nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ, các chương trình hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, tháo gỡ bom mìn, đặc biệt là thiết lập Chương trình Fulbright - những “cầu nối tri thức” đầu tiên. Những nhân tố này giúp xóa bỏ định kiến, xây dựng lòng tin chính trị - xã hội, tạo động lực cho ngoại giao chính thức.

. Các nhóm như trí thức, sinh viên, doanh nhân và cộng đồng người Việt tại Mỹ đã góp phần thúc đẩy sự thấu hiểu lẫn nhau. Chuyên gia đánh giá thế nào về tiềm năng của họ trong giai đoạn mới?

+ Bà Piper Campbell: Khu vực DMV (thủ đô Washington, D.C., bang Maryland và bang Virginia), nơi tôi đang sinh sống, có một cộng đồng người Mỹ gốc Việt rất sôi động.

Giống như nhiều người Mỹ trẻ tuổi, lần đầu tiên tôi biết đến VN là qua món “phở”, sự hiểu biết của tôi dần sâu sắc hơn khi có cơ hội tìm hiểu thêm về ẩm thực, văn hóa và âm nhạc VN. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài là những đại sứ tuyệt vời, đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa hai xã hội.

 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E.Knapper (bìa phải) cùng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tham quan các gian hàng tại chương trình Giao lưu hữu nghị Việt-Mỹ 2025. Ảnh: BÁO NHÂN DÂN

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E.Knapper (bìa phải) cùng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tham quan các gian hàng tại chương trình Giao lưu hữu nghị Việt-Mỹ 2025. Ảnh: BÁO NHÂN DÂN

Tôi cũng có cảm nhận rằng với nhiều cựu binh Mỹ, những trải nghiệm tại VN đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của họ sau này. Một số người trong số đó đã tích cực tham gia vào quá trình thúc đẩy hòa giải và cảm thấy đây là một hành trình có ý nghĩa sâu sắc.

+ TS Trần Nguyên Khang: Trong di sản hòa giải giữa hai đất nước Việt Nam và Mỹ những thập niên trước, trí thức, sinh viên, doanh nhân và cộng đồng người Mỹ gốc Việt là những trụ cột quan trọng.

Sinh viên và trí thức - thế hệ “không ký ức chiến tranh” - mang lại góc nhìn cởi mở, sáng tạo, đóng vai trò chủ chốt trong hợp tác giáo dục, khoa học, đổi mới. Doanh nhân góp phần xây dựng niềm tin kinh tế, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, với thế mạnh văn hóa - ngôn ngữ, là cầu nối tâm lý, tham gia nhiều sáng kiến xã hội, môi trường, quảng bá hình ảnh VN tích cực hơn tại Mỹ.

Cầu nối thế hệ

. Làm thế nào để giới trẻ Việt - Mỹ có thể trở thành “cầu nối liên thế hệ”, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong 30 năm tới?

+ Bà Piper Campbell: Tôi rất vui khi thấy ngày càng nhiều sinh viên VN du học tại Mỹ. Hiện nay, VN đứng thứ tư trên toàn cầu về số lượng sinh viên theo học tại các trường đại học ở Mỹ. Sinh viên Mỹ cũng ngày càng quan tâm đến các chương trình du học, tôi mong có thêm nhiều thỏa thuận trao đổi hai chiều giữa các trường đại học của hai nước.

+ TS Trần Nguyên Khang: Thế hệ trẻ đóng vai trò chiến lược, định hình hình ảnh quan hệ Việt - Mỹ trong vòng 30-50 năm tới. Họ quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững, công bằng, môi trường, đổi mới. Vì vậy, cần xây dựng mạng lưới lãnh đạo trẻ song phương, tạo sân chơi giao lưu kỹ năng, khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, tăng cường học bổng, trao đổi, khuyến khích họ tham gia hoạch định chính sách ngoại giao nhân dân qua diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, mô phỏng quốc tế.

. Trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện, giao lưu nhân dân cần chuyển mình như thế nào để tương xứng với tầm vóc mới của quan hệ song phương?

+ TS Trần Nguyên Khang: Khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, giao lưu nhân dân cũng cần chuyển mình từ “hòa giải” sang “đồng kiến tạo tương lai”.

Thế giới ngày nay rất cần những ví dụ như quan hệ Việt - Mỹ để khẳng định rằng: Hòa giải thực sự là điều có thể đạt được, hận thù không phải là con đường duy nhất.

Cần tập trung vào hợp tác giáo dục - công nghệ, đặc biệt trong đổi mới sáng tạo, AI, khởi nghiệp; thúc đẩy hợp tác cộng đồng về môi trường, biến đổi khí hậu; xây dựng các mạng lưới chuyên gia, doanh nhân song phương; đẩy mạnh các chương trình song bằng, thực tập xuyên biên giới.

Điều quan trọng là hoạch định chiến lược dài hạn, định chế hóa các kênh giao lưu nhân dân trong cấu trúc quan hệ song phương.

. Đâu là bài học mà các quốc gia khác có thể rút ra từ mô hình “giao lưu nhân dân và hòa giải dân tộc” giữa VN và Mỹ?

+ Bà Piper Campbell: Mối quan hệ giữa VN và Mỹ trong ba thập niên qua là điều thật sự đáng ghi nhận, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh chiến tranh từng diễn ra giữa hai nước. Thế giới ngày nay rất cần những ví dụ như quan hệ Việt - Mỹ để khẳng định rằng: Hòa giải thực sự là điều có thể đạt được, hận thù không phải là con đường duy nhất.

Các chương trình trao đổi sinh viên có sức lan tỏa vượt xa phạm vi của từng cá nhân tham gia. “Mạng lưới con người chiến lược” này không chỉ giúp hai bên hiểu nhau, mà còn hướng tới việc cùng nhau kiến tạo ước mơ, chia sẻ tương lai - và đó chính là những mối liên kết bền chặt nhất giữa VN và Mỹ.

+ TS Trần Nguyên Khang: Với tư cách là một học giả Fulbright từng nghiên cứu về quyền lực mềm qua ngoại giao bảo tàng và ngoại giao nhân dân tại Mỹ, tôi cảm nhận sâu sắc sức mạnh đặc biệt của giao lưu nhân dân trong kiến tạo hòa giải và lòng tin.

Làm việc tại các viện nghiên cứu, bảo tàng, gặp gỡ đồng nghiệp Mỹ, tôi nhận ra rằng những câu chuyện lịch sử khi được kể lại bằng tinh thần nhân văn sẽ giúp chúng ta nhìn nhau như những con người, với ký ức, ước mơ và trách nhiệm chung. Ngoại giao nhân dân không áp đặt, không khoe khoang, mà lan tỏa bằng đồng cảm và tin cậy. •

Minh chứng sống động cho giao lưu nhân dân

Cuối tháng 6 vừa qua, chương trình Giao lưu hữu nghị Việt - Mỹ đã diễn ra tại Đà Nẵng.

Tham dự chương trình có Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị VN Phan Anh Sơn, Đại sứ Mỹ tại VN Marc E. Knapper, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, cùng gần 3.000 người dân và khách quốc tế.

Phát biểu khai mạc, ông Sơn nhấn mạnh hai nước đã cùng nhau vượt qua quá khứ, phát huy điểm tương đồng và hướng tới tương lai. Ông Sơn tin tưởng rằng giao lưu nhân dân sẽ tiếp tục là cầu nối vững chắc trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đại sứ Knapper đánh giá cao ý nghĩa chương trình và cho rằng đây là minh chứng sống động cho vai trò nền tảng của giao lưu nhân dân trong quan hệ Việt - Mỹ.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/30-nam-viet-my-ngoai-giao-nhan-dan-trong-ky-nguyen-moi-post859757.html