Gắn bó trách nhiệm, cùng ASEAN phát triển tự cường và gắn kết

Cách đây tròn 3 thập kỷ, ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức được kết nạp làm thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực. Trải qua 30 năm gắn bó với ASEAN, Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín và vai trò chủ động, chung tay cùng các nước thành viên xây dựng một ASEAN tự cường và gắn kết.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Phu nhân cắt bánh chào mừng 30 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (Indonesia, 10/3/2025). Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Phu nhân cắt bánh chào mừng 30 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (Indonesia, 10/3/2025). Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

* Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm trong xây dựng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và phát triển bền vững

Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) ở Brunei. Tuy nhiên, quá trình Việt Nam tham gia ASEAN đã được khởi động từ trước đó.

Cụ thể, tháng 7/1992, Việt Nam đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN; từ năm 1993, Việt Nam họp tham vấn thường xuyên với ASEAN nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hàng năm, tham gia các chương trình và dự án hợp tác ASEAN trên 5 lĩnh vực: khoa học-công nghệ, môi trường, y tế, văn hóa-thông tin, phát triển xã hội; Năm 1994, Việt Nam trở thành một trong những thành viên ban đầu của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), một diễn đàn khu vực đầu tiên bàn về các vấn đề chính trị-an ninh do ASEAN giữ vai trò chủ đạo.

Có thể khẳng định, tham gia ASEAN là một quyết sách có tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tạo nên cục diện phát triển mới cho đất nước, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển và nâng cao vị thế đất nước.

Trong suốt hành trình 30 năm tham gia ASEAN với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có nhiều đóng góp nổi bật vì một ASEAN thống nhất, đoàn kết, hòa bình, ổn định và phát triển, có tiếng nói ở khu vực và trên thế giới.

Ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Lào, Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm 1999), góp phần hiện thực hóa giấc mơ về một đại gia đình ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á ở thời điểm đó, đánh dấu bước ngoặt mới trong hợp tác khu vực.

Hiện Việt Nam đang tích cực thúc đẩy để ASEAN kết nạp Timor Leste trở thành thành viên chính thức. Việc nâng tổng số thành viên ASEAN lên 11 quốc gia sẽ góp phần củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào các quyết sách của ASEAN như thúc đẩy hoàn tất ý tưởng ASEAN-10, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội 1998, Tầm nhìn ASEAN 2020 (vào năm 1997), Tuyên bố Hòa hợp ASEAN về xây dựng Cộng đồng ASEAN (vào năm 2003), Hiến chương ASEAN (năm 2007), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (năm 2015), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến 2045 (năm 2025). Đây là những văn kiện quan trọng giúp định hướng cho con đường phát triển của ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), diễn ra tại thành phố Riyadh (Saudi Arabia, 20/10/2023). Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), diễn ra tại thành phố Riyadh (Saudi Arabia, 20/10/2023). Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, Việt Nam còn tham gia quá trình xây dựng nguyên tắc, định hình “luật chơi” của khu vực, cùng ASEAN bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Cùng với ASEAN, Việt Nam thúc đẩy đưa Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) trở thành bộ quy tắc về quan hệ giữa các nước ASEAN, cũng như các nước ngoài khu vực.

Việt Nam cũng tham gia và đóng góp tích cực vào việc xây dựng và thông qua tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP, tháng 11/2019) giúp hình thành lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở phù hợp với các giá trị, nguyên tắc cơ bản và vai trò trung tâm của ASEAN...

Không chỉ tham gia xây dựng quyết sách, trong từng giai đoạn phát triển của ASEAN, Việt Nam luôn tích cực và nghiêm túc cùng ASEAN đưa các quyết sách vào triển khai, như hiện thực hóa các tài liệu Tầm nhìn, đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống.

Việt Nam đã cùng các thành viên ASEAN tích cực triển khai xây dựng Cộng đồng, thực hiện nghiêm túc các cam kết và đề xuất sáng kiến trong nhiều lĩnh vực.

Việt Nam cũng tích cực trong việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột của Cộng đồng (gồm Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-xã hội); đóng góp thực chất vào quá trình xây dựng và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với 4 trụ cột vững chắc: Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội và Kết nối, hướng tới một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Những đóng góp nổi bật của Việt Nam còn phải kể đến là 3 lần đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN (năm 1998, 2010 và 2020).

Trong đó, tháng 12/1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp hội nhằm thực hiện Tầm nhìn ASEAN năm 2020.

Tiếp đó, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, với mục tiêu đẩy mạnh hiện thực hóa Tầm nhìn của ASEAN thành hành động, nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam đã ghi dấu những quyết định quan trọng như thông qua Kế hoạch Tổng thể đầu tiên về Kết nối ASEAN (MPAC 2015); mở rộng cơ chế Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia cũng như hình thành khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các Đối tác thông qua cơ chế ADMM+.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, Việt Nam đã thúc đẩy Cộng đồng ASEAN gắn bó và ứng phó hữu hiệu, kịp thời trước các thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, giữ vững đoàn kết, duy trì đà liên kết của ASEAN, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người dân cũng như đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Các sáng kiến được Việt Nam đề xuất trong bối cảnh này, trong đó có hình thức họp trực tuyến, tiếp tục được các nước thành viên thúc đẩy, góp phần tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của ASEAN, cũng như đẩy nhanh quá trình phục hồi hậu đại dịch của khu vực.

Cũng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam còn tiên phong tổ chức Hội nghị Lãnh đạo nữ ASEAN và Diễn đàn Cấp cao ASEAN lần đầu tiên về hợp tác tiểu vùng vào năm 2020, đồng thời thúc đẩy cách tiếp cận “lấy người dân làm trung tâm” thành định hướng bao trùm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, góp phần xây dựng một ASEAN hội nhập, bao trùm và phát triển bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến và đăng cai tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN nhằm bổ trợ cho các diễn đàn, cơ chế chính thức của Hiệp hội, tạo cơ hội trao đổi rộng rãi về các ý tưởng, sáng kiến về hợp tác khu vực, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường và bền vững trong tương lai.

Sau hai lần tổ chức thành công tại Hà Nội (vào tháng 4/2024 và tháng 2/2025), Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) đã dần trở thành hình mẫu về một diễn đàn thật sự của ASEAN, dành cho ASEAN, qua đó khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong định hình tầm nhìn chiến lược ở khu vực.

Thông qua diễn đàn AFF, Việt Nam đã đóng góp các giải pháp thiết thực nhằm tăng cường khả năng thích ứng của ASEAN trước những thách thức toàn cầu, với những đề xuất để nâng cao năng lực hợp tác khu vực, tạo dựng các cơ chế ứng phó linh hoạt trước các biến động địa chính trị toàn cầu, cũng như khuyến khích tinh thần chủ động của từng quốc gia thành viên trong quá trình phát triển chung.

Các kiến nghị, đề xuất tại AFF đã được truyền tải đến Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai Liên hợp quốc, góp phần gắn kết tầm nhìn chung của ASEAN với toàn cầu, tái khẳng định giá trị của hợp tác đa phương trong ứng phó các vấn đề chung của thế giới, hướng tới mục tiêu hòa bình và phát triển bền vững.

Ngoài ra, cùng với việc nỗ lực thúc đẩy liên kết nội khối và trong khu vực, Việt Nam còn phát huy hiệu quả vai trò cầu nối trong mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN với các quốc gia và khu vực khác, qua đó đưa ASEAN tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu, thúc đẩy hợp tác đa phương và nâng cao tiếng nói ASEAN tại các diễn đàn quốc tế.

Trong vai trò điều phối viên quan hệ giữa ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, New Zealand…, Việt Nam đã phát huy hiệu quả vai trò cầu nối, đưa hợp tác ASEAN và các nước đối tác đi vào chiều sâu, nâng tầm đối ngoại của ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

*Nâng tầm vị thế quốc gia

30 năm đóng góp tích cực, trách nhiệm trong ASEAN, vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng tầm trên trường quốc tế.

ASEAN là một trong những nền tảng quan trọng để Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 30 năm qua, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN xây dựng khu vực Đông Nam Á hữu nghị, hợp tác, hòa bình.

Đi đôi với thúc đẩy hợp tác ASEAN, Việt Nam đã thiết lập các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và nhiều đối tác quan trọng khác.

Việc tham gia ASEAN giúp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tiếp sau quá trình tham gia ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các FTAs thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư FDI, qua đó giúp cho kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm.

Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt (thứ 3, trái sang), với tư cách Chủ tịch luân phiên Ủy ban Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Buenos Aires chủ trì phiên họp thường kỳ lần thứ 42 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam. Ảnh: Diệu Hương - TTXVN

Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt (thứ 3, trái sang), với tư cách Chủ tịch luân phiên Ủy ban Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Buenos Aires chủ trì phiên họp thường kỳ lần thứ 42 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam. Ảnh: Diệu Hương - TTXVN

Từ kinh nghiệm hội nhập ASEAN, Việt Nam ngày càng tự tin, chủ động khẳng định vai trò tại các diễn đàn lớn hơn như: ASEM, APEC, WTO, Liên hợp quốc. Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến mang dấu ấn riêng, góp phần kết nối ưu tiên của ASEAN với cộng đồng quốc tế.

Thành công trong tham gia ASEAN đã và đang giúp Việt Nam thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ đối ngoại đa phương quan trọng, như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009, 2020-2021), thành viên Hội đồng Nhân quyền (2014-2016, 2023-2025), Ủy ban Luật pháp Quốc tế (2017-2021, 2023-2027), Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) (1978-1983, 2001-2005, 2009-2013, 2015-2019, 2021-2025), Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (2025-2027)... tích cực tham gia xây dựng các “luật chơi” quốc tế, hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu…

Quá trình tham gia ASEAN 30 năm qua đã góp phần nâng cao năng lực thể chế và đội ngũ cán bộ. Việc tham gia ASEAN còn tạo động lực thúc đẩy cải cách trong nước. Quá trình hội nhập khu vực đã giúp Việt Nam nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc trong môi trường đa phương, đồng thời góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật. ASEAN trở thành môi trường thuận lợi để Việt Nam điều chỉnh bộ máy hành chính hiệu quả hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế trong tiến trình hội nhập…

Sau 30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam hội nhập với tâm thế ngày càng tự tin, ngày càng tích cực, chủ động, không ngừng phát huy vai trò là một đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng các nước Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

Phước Sang/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gan-bo-trach-nhiem-cung-asean-phat-trien-tu-cuong-va-gan-ket/381672.html