30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Từ tiến trình hội nhập đến vai trò nòng cốt kiến tạo
Ngày 28/7/1995, tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei Darussalam, Quốc kỳ Việt Nam đã tung bay cùng cờ của 6 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đánh dấu một mốc son quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam khi chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN.

Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ 7 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). Ảnh tư liệu: Trần Sơn/TTXVN
Nền tảng của hội nhập và sự tin cậy
Vào những năm đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển sâu sắc, công cuộc Đổi mới ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn then chốt. Nhu cầu cấp thiết đặt ra là phải phá thế bao vây, cấm vận, tạo dựng một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định để tập trung phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước. Trong bối cảnh đó, gia nhập ASEAN được xác định là một quyết sách chiến lược. Như lời nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nhận định, việc gia nhập ASEAN là “bậc thang đầu tiên để Việt Nam hội nhập với thế giới".
Những ngày đầu gia nhập, Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức: từ sự khác biệt về thể chế chính trị, chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, rào cản ngôn ngữ cho đến sự thiếu hụt kinh nghiệm trong hoạt động ngoại giao đa phương. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao và sự chủ động, khẩn trương, Việt Nam đã nhanh chóng học hỏi, nghiên cứu, từng bước điều chỉnh hệ thống luật pháp, chính sách trong nước để tương thích với các quy định và chuẩn mực chung của Hiệp hội.
Tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của Việt Nam đã sớm được thể hiện khi cùng các nước thành viên vượt qua thử thách của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Đây là "phép thử" đầu tiên và Việt Nam đã chứng tỏ mình là một thành viên đáng tin cậy.
Trong giai đoạn này, dấu ấn đóng góp của Việt Nam ngày càng rõ nét. Việt Nam đã đóng vai trò là cầu nối tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy việc kết nạp các thành viên còn lại là Lào, Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm 1999), hiện thực hóa giấc mơ về một “ASEAN-10” với đầy đủ 10 nước Đông Nam Á đoàn kết, thống nhất. Đặc biệt, chỉ sau 3 năm gia nhập, Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội vào tháng 12/1998. Việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) tại hội nghị đã giúp định hướng phát triển và duy trì đà hợp tác của Hiệp hội trong giai đoạn then chốt cuối thế kỷ 20, khẳng định năng lực tổ chức và đóng góp của thành viên mới Việt Nam.
Là người có 7 năm đảm nhiệm vị trí trưởng SOM ASEAN (từ 2007-2014), Đại sứ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, khi Việt Nam quyết định tham gia ASEAN, đó là quyết sách chiến lược của Việt Nam, và khi ASEAN mời Việt Nam tham gia cũng là quyết sách chiến lược của tổ chức này. Cho nên, có thể nói rằng quyết sách chiến lược này đã khép lại một giai đoạn rất dài ở Đông Nam Á vốn phân tách, chia rẽ và đối đầu, chuyển sang một câu chuyện, quá trình gắn kết, hướng tới một gia đình ASEAN gồm cả 10 nước Đông Nam Á.
Chủ động, trách nhiệm và khẳng định vai trò nòng cốt

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Phu nhân cắt bánh chào mừng 30 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (Indonesia, 10/3/2025). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Bước sang thế kỷ XXI, Việt Nam không chỉ hòa nhịp mà còn vươn lên trở thành một trong những thành viên đi đầu, dẫn dắt và đóng góp tích cực vào các lĩnh vực hợp tác chung, đặc biệt trong việc xây dựng và củng cố Cộng đồng ASEAN. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất khu vực và quy mô thương mại hai chiều với ASEAN đạt gần 70 tỷ USD vào năm 2024, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và là một động lực tăng trưởng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Vai trò của Việt Nam được thể hiện rõ nét nhất qua việc chủ động, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề chung của khu vực như Đại sứ Phạm Quang Vinh “gọi tên” giai đoạn này là giai đoạn Việt Nam cùng các nước thành viên kiến tạo và thúc đẩy phát triển của ASEAN.
“Kiến tạo ở đây rất quan trọng. Tôi nhớ lại vào những năm 2007-2008, cho đến 2010, Việt Nam lần đầu tiên làm Chủ tịch ASEAN trong cả 1 năm theo Hiến chương của ASEAN. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột mà thời điểm đó gọi là Kế hoạch tổng thể về kinh tế, chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội. Những kế hoạch tổng thể này được xây dựng theo những năm 2008 - 2009 và tạo nền tảng cho việc ASEAN chính thức hình thành Cộng đồng vào năm 2015 dựa trên 3 trụ cột đó”, Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Cũng theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, trong cả năm 2010, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và điều phối toàn bộ hoạt động của ASEAN. Trong năm đó, Việt Nam cùng các nước thành viên đã đưa bộ máy hoạt động mới của ASEAN đi vào hoạt động và thực sự phát huy được cách thức làm việc của bộ máy mới. Cũng trong năm 2010, Việt Nam cùng các nước thành viên đã nhấn rất mạnh chủ đề của năm ASEAN 2010 đó là "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ Tầm nhìn đến Hành động", trong đó khẳng định những nỗ lực xây dựng Cộng đồng; đoàn kết ASEAN; phát huy vai trò trung tâm và tăng cường hợp tác của ASEAN đối với các đối tác; thúc đẩy xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, trong đó xử lý những vấn đề liên quan đến hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực.
“Nếu chúng ta nhìn lại từ năm 2007-2010, và sau đó ASEAN đi vào hoạt động thành một Cộng đồng năm 2015, rõ ràng đây là một giai đoạn rất dài, Việt Nam cùng các nước thành viên kiến tạo ASEAN”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dấu ấn dẫn dắt, tích cực nêu sáng kiến của Việt Nam trong giải quyết những vấn đề, thách thức chung của khu vực còn được thể hiện trên nhiều phương diện khác.
Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn kiên định lập trường nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực và có trách nhiệm nhất trong việc thúc đẩy thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực cùng các nước đàm phán xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hiệu lực. Những đóng góp của Việt Nam, trên tinh thần xây dựng và thượng tôn pháp luật, đã góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, dấu ấn dẫn dắt của Việt Nam càng trở nên nổi bật. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, Việt Nam đã thể hiện vai trò xuất sắc với chủ đề "Gắn kết và Chủ động thích ứng". Tổng Thư ký ASEAN khi đó là ông Lim Jock Hoi, đã đánh giá cao: "Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực đối với đại dịch".
Hàng loạt sáng kiến "Made by Vietnam" (do Việt Nam sáng tạo, đề xuất) trong năm 2020 đã trở thành tài sản chung của Hiệp hội, bao gồm: Sáng kiến thành lập Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của khu vực và Khung phục hồi tổng thể ASEAN. Những cơ chế này đã và đang phát huy hiệu quả, giúp nâng cao năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của khu vực trước các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.
Không chỉ giải quyết các vấn đề tình thế, Việt Nam còn để lại những dấu ấn chiến lược dài hạn. Năm Chủ tịch ASEAN 2010, với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động", Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy thành công việc thành lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Đến nay, ADMM+ vẫn được coi là cơ chế hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất, hiệu quả và thành công bậc nhất của ASEAN với các đối tác chủ chốt, đóng vai trò nền tảng cho đối thoại và xây dựng lòng tin trong cấu trúc an ninh khu vực.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nhìn lại giai đoạn từ năm 2007-2020, đây là giai đoạn Việt Nam đã chủ động tích cực tham gia đóng góp vào công việc của ASEAN, đặc biệt là kiến tạo xây dựng một ASEAN mới trước sự phát triển của bản thân tổ chức giữa những thay đổi của quốc tế.
Nhìn lại và hướng tới tương lai

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, có thể khẳng định sự chuyển đổi vai trò của Việt Nam từ "theo kịp" đến "tiến cùng" là kết quả của một quá trình nỗ lực bền bỉ, nhất quán, với tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Mối quan hệ Việt Nam và ASEAN là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. ASEAN mang lại cho Việt Nam một môi trường hòa bình, ổn định và một không gian phát triển rộng lớn. Ngược lại, sự trưởng thành và những đóng góp chủ động, trách nhiệm của Việt Nam làm gia tăng sức mạnh, sự đoàn kết và nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.
Năm 2023, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài.
Đoàn kết là sức mạnh vô địch và phải được thể hiện qua ý chí và hành động cụ thể cũng là những nội dung được Thủ tướng nhấn mạnh trong bài phát biểu. Theo đó, củng cố đoàn kết và thống nhất là nhiệm vụ căn cốt cho một ASEAN độc lập và tự cường... Những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao của lãnh đạo các nước tham dự hội nghị.
Ra đời cách đây gần 60 năm với 5 thành viên sáng lập, ASEAN ngày nay trở thành Cộng đồng 10 quốc gia thống nhất trong đa dạng. Là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng đầu; là trung tâm của các tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu; là cầu nối của đối thoại, hợp tác vì hòa bình và phát triển ở khu vực, góp phần tích cực vào định hình một trật tự thế giới mới.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt 10 nghìn tỷ USD. Có thị trường tiêu dùng hơn 800 triệu dân, đồng thời sẽ là trung tâm công nghệ, kinh tế số và đổi mới sáng tạo, với nền kinh tế số của ASEAN đang phát triển mạnh mẽ và dự kiến sẽ đạt mốc 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Lực lượng tiêu binh thực hiện nghi thức thượng cờ ASEAN. Ảnh tư liệu: Lâm Khánh/TTXVN
Trong bối cảnh đó, phát biểu khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 ở Hà Nội (tháng 2/2025), người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định: "Tục ngữ Việt Nam có câu 'Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao' - điều này càng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay khi ASEAN và Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng.
Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ vào sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần hợp tác, vào sức sống và giá trị chiến lược của ASEAN. Chúng tôi cam kết là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, bao trùm, tự cường, cùng nhau hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 vì lợi ích của mọi người dân trong khu vực, cùng các nước thành viên, đối tác và bạn bè quốc tế viết tiếp những trang sử mới đầy tự hào trong hành trình phát triển của ASEAN".
ASEAN đang bước sang giai đoạn phát triển mới: thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, vì một ASEAN tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm. Trên nền tảng của hành trình 30 năm từ tham gia và đến kiến tạo, hướng đến tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần tích cực, chủ động và trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung của ASEAN.