30 năm với triết lý giáo dục của thầy Văn Như Cương

Đúng với phong cách của Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập trường tổ chức sáng 6-10 không có một bài phát biểu hay diễn văn nào, thay vào đó là một câu chuyện nghệ thuật mà xuyên suốt là triết lý giáo dục của thầy Văn Như Cương: 'Cho dù sau này các em có là bất cứ ai thì trước hết, các em phải là những người tử tế!'.

Thay đổi nhiều cuộc đời học trò

“Mỗi cựu học sinh trường Lương Thế Vinh luôn nhớ đến lời dạy đó của thầy, chúng tôi đặt trên bàn làm việc. Cộng đồng học sinh Lương Thế Vinh không đông như cộng đồng học sinh các trường khác, nhưng sẽ luôn mang trong mình hình ảnh người thầy kính yêu và ngôi trường mến yêu”, đó là cảm xúc chung của rất nhiều thế hệ học trò nhà trường tại lễ kỷ niệm. Đối với họ, Trường Lương Thế Vinh luôn ngôi nhà thứ hai và hình ảnh người thầy râu tóc bạc trắng, với nụ cười hiền hậu hiện lên như một ông tiên.

 Hình ảnh thầy Cương nhân từ, ngày ngày đạp xe đến trường mãi khắc ghi trong bao thế hệ học trò.

Hình ảnh thầy Cương nhân từ, ngày ngày đạp xe đến trường mãi khắc ghi trong bao thế hệ học trò.

Sinh thời, thầy Văn Như Cương vẫn ví sự ra đời của Trường Lương Thế Vinh là một ca “đẻ khó.” Năm 1989, thầy là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục. Nơi đây học sinh được chú trọng dạy những kỹ năng để hoàn thiện nhân cách hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời.

Từ mô hình trường dân lập đầu tiên của thầy Văn Như Cương đã mở ra cả hệ thống giáo dục ngoài công lập ở Việt Nam hiện nay, phủ rộng từ mầm non đến đại học, góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, đồng thời tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy hệ thống trường công lập đổi mới.

Với cựu học sinh Đoàn Hiếu Minh, những buổi trốn học đi chơi bị cô giáo bắt được nhưng không hề quát mắng, thậm chí không “mách” phụ huynh mà bằng những lời nói, cử chỉ nhẹ nhàng, cô đã khiến cậu học trò mải chơi dần hiểu ra học không phải là sự ép buộc mà học là nhu cầu tự thân. Từ đó thay đổi thái độ học tập của Minh. Giờ đây khi đã là một người trưởng thành thành đạt, bài học đó luôn mãi theo Minh.

 Tri ân thầy cô và ngôi trường qua các tiết mục văn nghệ.

Tri ân thầy cô và ngôi trường qua các tiết mục văn nghệ.

Hay như em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 10D4 chia sẻ: Từ một người rất sợ học, nhưng với sự dìu dắt của các thầy cô, đến nay em thấy việc học rất vui và tự tin với khả năng học của mình.

Không giấu được những giọt nước mắt xúc động khi kể về người thầy nhân từ, như một tiên ông với chiếc chìa khóa vàng đã mở ra cánh cửa học tập cho cựu sinh viên Đào Thu Hương. Hương kể: Đó là vào năm 2003, khi cô và bố mẹ đi gõ cửa khắp nơi để xin học nhưng dường như cơ hội cho một thí sinh khiếm thị như Hương là rất ít vào thời điểm đó. Sau khi xem học bạ của Hương, thầy Cương chỉ hỏi “con sẽ trả bài thế nào?”. “Con sẽ trả bài viết bằng máy vi tính với những môn tự nhiên và trả bài miệng với những môn xã hội”, cô học trò trả lời và ngay lập tức thầy đồng ý nhận Hương vào học... Kỷ niệm về người thầy của bao thế hệ, về mái trường cứ thế ùa về trong Hương.

Truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò

Sau khi được trường được thành lập, khó khăn chồng chất vì thiếu cơ sở vật chất, tài chính. Nhưng với sự yêu kính về tài năng và nhân cách của thầy Cương, nhiều giáo viên giỏi đã tự nguyện về dạy tại trường.

 Từng câu chuyện về triết lý giáo dục của thầy Cương và nhà trường được chia sẻ.

Từng câu chuyện về triết lý giáo dục của thầy Cương và nhà trường được chia sẻ.

Theo PGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tài năng, nhiệt huyết và tấm gương đạo đức của thầy Văn Như Cương đã thu hút những giáo viên giỏi, kết nối họ lại với nhau. “Như bản thân tôi, sau khi tốt nghiệp có rất nhiều cơ hội để dạy ở các trường chuyên, nhưng tôi vẫn quyết định về dạy Trường Lương Thế Vinh trong suốt 10 năm, với mục đích duy nhất là để học hỏi thầy,” PGS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.

Còn với thầy Minh Đức, 16 năm gắn bó với trường là từng đấy năm đầy ắp kỷ niệm. Được làm việc và chia sẻ với thầy Văn Như Cương, thầy Đức hơn ai hết rất hiểu triết lý giáo dục của thầy Cương. Chính vì lẽ đó thầy và trò luôn là một khối thống nhất. “Có những hôm, cả thầy và trò say sưa với những cách giải toán mới, đến khi nhìn ra trời đã nhá nhem tối, quá giờ cả một tiết học, vậy mà chưa ai muốn về”, thầy Đức kể.

 Mỗi khi xuất hiện hình ảnh các thế hệ thầy cô trên màn hình là cả hội trường lại âm vang tiếng hò reo.

Mỗi khi xuất hiện hình ảnh các thế hệ thầy cô trên màn hình là cả hội trường lại âm vang tiếng hò reo.

Cô Mỹ Hạnh, cựu học sinh khóa 20, nay là giáo viên Toán của Trường Lương Thế Vinh chia sẻ, với kết quả học tập của mình, cô có nhiều sự lựa chọn trường đại học nhưng cô lại theo học sư phạm, bởi chính câu nói “ít em muốn vào sư phạm thì ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi!”, của thầy Cương. Cô Hạnh mong muốn cùng với các thế hệ thầy và trò nhà trường sẽ viết tiếp hành trình của ngôi trường vừa tròn 30 tuổi.

Với triết lý “có chí thì nên,” từ một trường dân lập non trẻ, Trường Lương Thế Vinh đã trở thành một trong những trường có chất lượng ở Thủ đô với ngưỡng điểm đầu vào cao và số học sinh đỗ đại học luôn nằm ở tốp đầu với tỉ lệ 90%.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/30-nam-voi-triet-ly-giao-duc-cua-thay-van-nhu-cuong-592866