36 khúc đò đưa- 36 khúc tri âm

(Nhân đọc tập Tiểu luận, phê bình Tình thơ bạn thơ của Nguyễn Văn Hòa)

Cầm trên tay tập sách "Tình thơ bạn thơ" (NXB Hội Nhà văn 2020) của tác giả Nguyễn Văn Hòa, với tập hợp 36 bài viết về 36 tác giả- 36 "Khúc đò đưa", tôi bất giác nhớ đến câu thơ "Ai tri âm đó, mặn mà với ai" (Nguyễn Du). Vào thời điểm văn hóa đọc đang cần đến sự nỗ lực động viên, thúc đẩy của cả cộng đồng, thì anh- nhà phê bình, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa lại âm thầm đọc, kỳ công viết và viết thật thấu đáo cảm nhận của mình về tác phẩm của từng tác giả, đi tìm tiếng nói tri âm với văn chương quả là một sự đam mê và trân quý.

Bìa sách "Tình thơ bạn thơ".

Bìa sách "Tình thơ bạn thơ".

Đọc mỗi bài viết tôi nhận ra lối viết khoa học bởi người viết vận dụng khá nhuần nhuyễn lý thuyết Thi pháp, khi anh đưa các tác phẩm về tính hệ thống, về không thời gian nghệ thuật, về giọng điệu, về cái nhìn nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật để soi chiếu: "Khảo sát trong 58 bài thơ thì có đến 121 lần nhà thơ nhắc tới em, 101 lần nói về anh và 65 lần về đêm, mưa, bóng tối, giấc mơ" (Hoàng Thụy Anh - "Người đàn bà sinh ra từ mưa").

"Mãnh liệt và tha thiết với cuộc đời và con người nên giọng thơ Bùi Kim Anh càng về sau càng buồn, càng suy tư hơn về lẽ tồn vong, về ý nghĩa tồn tại của con người trong tất cả các mối quan hệ xã hội" (Bùi Kim Anh - Người đàn bà giấu nỗi buồn vào thơ 18).

"Dòng sông thơ mộng, trữ tình mang đậm hồn quê xuất hiện nhiều lần trong thơ Nguyễn Nguyên Bảy. Dòng sông đã in đậm tình yêu quê hương và sự sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ chính là con sông Hồng (sông Cái)- một con sông gắn liền với bao ký ức mến thương và chở đầy huyện thoại" (Nguyễn Nguyên Bảy- Thơ là thơ)

"Đọc thơ Đoàn Thị Lam Luyến, người đọc dễ nhận ra giọng điệu chủ đạo xuyên suốt trong các tập thơ của bà. Đó là giọng giãi bày, tâm sự và giọng ngậm ngùi, suy ngẫm" (Đoàn Thị Lam Luyến - một giọng điệu thơ).

Ở mỗi bài viết, khi đưa tất cả về tính hệ thống, người viết đã chỉ ra được nét ưu trội của mỗi tác giả cùng với tác phẩm của họ, đây là lối nghiên cứu văn chương mang tính học thuật, do vậy trong mỗi bài viết anh đã tránh được lối bình tán theo cảm hứng, mà luôn lấy điểm tựa thi pháp để soi chiếu; bởi từ thi pháp mới hiểu rõ cách thức sáng tạo, thi hứng của mỗi thi nhân.

Nhân vật trong thơ chính là cái tôi trữ tình của tác giả, nên Nguyễn Văn Hòa thật tinh tế khi phác họa chân dung mỗi nhà thơ bằng lối viết ngắn gọn mà sâu sắc, vì vậy khi đến với tập sách này người đọc sẽ hiểu thêm về cảm nhận: "nhà văn có đau ở đâu đó thì viết mới hay". Với các nữ thi sĩ, cái đau của cái tôi trữ tình về nhân sinh thế sự thì cảm giác như nghiêng về nhân sinh- đặc biệt là nghiêng về cái tôi khát khao tình yêu, hạnh phúc: Bùi Kim Anh, Khánh Chi, Phan Ngọc Thường Đoan, Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Ngọc Liên... Phải chăng điều này đã lý giải phần nào về "khúc đò đưa" có chân dung nữ thi sĩ nhiều hơn nam thi sĩ.

Viết về mỗi tác phẩm, mỗi tác giả nhà thơ đã chắt lọc, tìm ra điểm sáng về tài năng và nhân cách của họ. Tôi rất thích cách lý giải của anh về sự vụ "đạo thơ" trong bài viết về Phan Ngọc Thường Đoan; cách nhận chân giá trị thơ ca phải bắt đầu từ sự chân thực: "Viết ra được những bài thơ hay, câu thơ hay đánh động lòng trắc ẩn của độc giả, người viết ra những dòng thơ ấy, cũng nếm trải, chứng kiến tận cùng nỗi đau cũng như niềm hạnh phúc. Đó là lúc tác giả vắt kiệt sức mình, giây phút thăng hoa nhất để "sinh" ra những bài thơ, câu thơ như vậy".

Bài viết "Lý Phương Liên- Từ bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều, nghĩ về một hiện tượng thơ", thật sự cần thiết cho bạn đọc khi nghiên cứu về "Tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại", dẫu muộn màng, nhưng rất cần thiết bởi chúng ta từng chứng kiện "Vụ án Nhân văn Giai phẩm", thì cũng không ngạc nhiên khi một nữ thi sĩ dám từ Thúy Kiều nghĩ về phận mình trong những năm 70 của thế kỷ XX. Năm 1986, dù đã "đổi mới văn chương" thì cũng đã có một Phùng Gia Lộc với "Cái đêm hôm ấy đêm gì?" đã phải "sống chui, sống nhủi" vì dám nói lên sự thật; thì trước đó, sự vụ này nó "khủng khiếp" đến nhường nào; may mà nhà thơ Lý Phương Liên vẫn nuôi dưỡng tình yêu văn chương trong tâm hồn mình để đến hôm nay đồng hành cùng bạn đời, bạn văn chương cho ra mắt những tập sách tri âm với văn chương và cuộc đời.

Đến với mỗi tập thơ của mỗi tác giả, người viết đưa ra những nhận xét khá sắc sảo về hành trình thơ ca của họ. "Đọc thơ Phạm Thúy Nga, người đọc sẽ nhận thấy đó là thơ của một người đàn bà chịu nhiều mất mát với những nỗi niềm riêng, ở đó nỗi đau chồng chất những nỗi đau...". Khi viết "Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát là tiếng thơ của một hồn thơ đa cảm, đa tình, đa đoan", Nguyễn Văn Hòa đã phân tích về "cái tôi đời tư, cái tôi thế sự trong thơ chị". Cũng như khi viết về nhà thơ Thu Nguyệt anh cũng lý giải "sự hóa giải nỗi buồn bằng sự thấu hiểu lẽ đời và quy luật". "Thơ Phan Thị Thanh Nhàn bàng bạc nỗi buồn, nỗi cô đơn, khắc khoải khi phải đối diện với thực tế của cuộc sống hiện tại"...

Với "Tình thơ bạn thơ", dấu ấn của người viết in rõ trong những lập luận, suy tư về "quan niệm nghệ thuật" của mỗi thi nhân. Hành trình tìm kiếm, nghiên cứu về thi hứng của họ, anh đã nghiêng về giải mã cái lý do "nhà văn có đau ở đâu đó thì viết mới hay", có lẽ vì thế mà nhiều khi khai thác vẻ đẹp thi tứ trong hành trình sáng tạo của họ có mỏng hơn một chút, ấn tượng về những bài thơ hay, thật hay, hơi nhòe đi một chút. Và như thế đã không tránh khỏi có một vài bài viết của tác giả có lúc như là điểm sách.

Đọc xong tập sách tôi vẫn băn khoăn tự hỏi: mỗi bài viết là một gợi mở cho một đề tài nghiên cứu khoa học hay một chuyên luận, rồi lại nghĩ: cũng có thể... Cái nhìn và lối viết của Nguyễn Văn Hòa về mỗi tác giả như một nhát cắt khá sắc lẹm, và khi nhìn vào mỗi đường vân, mỗi vết lõm người đọc sẽ nhận ra dấu ấn riêng, cá tính sáng tạo của mỗi chân dung.

"Tình thơ bạn thơ" là tiếng nói tri âm của một nhà phê bình, một thầy giáo đam mê và trân quý văn chương. Mỗi trang viết của anh là những gợi mở, giải mã cho bạn đọc về thi nhân và tác phẩm. Nguyễn Văn Hòa "quảng bá" đến bạn đọc về hành trình sáng tạo văn chương của 36 nhà thơ, âu đó là duyên, là "khúc đò đưa" lắng đọng trong hành trình tìm kiếm vẻ đẹp và quyền năng của thơ ca.

TS. Hoàng Thị Thu Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_227161_36-khuc-do-dua-36-khuc-tri-am.aspx