400.000 xe máy xăng sang xe điện ở TPHCM: Hạ tầng sạc được giải quyết ra sao?
TPHCM đang triển khai kế hoạch chuyển đổi khoảng 400.000 xe máy xăng sang xe điện với đội ngũ tài xế công nghệ và giao hàng. Để đáp ứng lộ trình này, hệ thống hạ tầng sạc cần được mở rộng mạnh mẽ, với mục tiêu tăng gấp 5 lần số trạm sạc hiện có trước năm 2028.
Lộ trình 4 giai đoạn
Trong vòng 3 năm tới, TPHCM hướng tới mục tiêu chuyển đổi toàn bộ khoảng 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện đối với lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng. Lộ trình này được nêu trong Đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện do Viện Nghiên cứu Phát triển TP (HIDS) xây dựng.
Theo đề án, quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra theo 4 giai đoạn, kết thúc vào cuối năm 2029, thời điểm mà TPHCM dự kiến không còn xe xăng hoạt động trong lĩnh vực gọi xe công nghệ.
Giai đoạn 1 (từ tháng 1/2026): Thành phố bắt đầu áp dụng các chính sách ưu đãi để khuyến khích chuyển đổi, đồng thời không ký hợp đồng mới cho xe máy xăng. Các tài xế đang hoạt động trước thời điểm này vẫn được tiếp tục chạy, nhưng phải lên kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang xe điện.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2027): Hạn chế xe xăng hoạt động trong giờ cao điểm tại các khu vực được quy định là vùng phát thải thấp.
Giai đoạn 3 (từ tháng 1/2028): Thắt chặt các quy định kiểm soát khí thải đối với xe xăng.
Giai đoạn 4 (từ tháng 12/2029): Cấm hoàn toàn xe máy xăng cung cấp dịch vụ trên các nền tảng công nghệ.

Trong vòng 3 năm tới, TPHCM hướng tới mục tiêu chuyển đổi toàn bộ khoảng 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện đối với lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng. Ảnh: Hữu Huy
Phân tích rõ hơn về các giai đoạn này, ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM), thành phố dự kiến khởi động quá trình chuyển đổi phương tiện vào năm 2026 với mục tiêu thay thế 30% xe công nghệ xăng, tương đương khoảng 120.000 xe máy. Giai đoạn đầu này sẽ được "tiếp lực" bằng các chính sách khuyến khích tài xế chuyển đổi phương tiện như miễn thuế giá trị gia tăng (VAT), miễn phí trước bạ và hỗ trợ lãi suất vay mua xe điện ở mức 2%.
Sang năm thứ hai (2027), TPHCM sẽ tăng tốc với mục tiêu chuyển đổi 80% tổng lượng xe công nghệ, tức khoảng 320.000 xe. Đây được xem là giai đoạn “vàng” để người dân hưởng trọn ưu đãi. Cùng lúc, thành phố dự kiến áp dụng hàng loạt biện pháp kiểm soát: phân bổ hạn ngạch phát thải cho các doanh nghiệp, thiết lập Khu vực giao hàng xanh và giới hạn hoạt động xe xăng trong giờ cao điểm.
Đến năm 2028, lộ trình bước vào giai đoạn hướng đến mục tiêu chuyển đổi 100% phương tiện. Khi đó, các chính sách miễn VAT và phí trước bạ sẽ kết thúc, chỉ còn duy trì hỗ trợ lãi suất. Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện khung pháp lý và triển khai hệ thống kiểm soát khí thải. Từ năm 2029, xe máy xăng chính thức bị loại khỏi hoạt động giao hàng, gọi xe công nghệ tại TPHCM.
Cần phủ mạng lưới trạm sạc
Theo ông Hải, khi chuyển đổi xe xăng sang xe điện, hạ tầng sạc là mối quan tâm hàng đầu. Nếu không có trạm sạc đủ, quá trình chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, TPHCM đang quy hoạch vị trí trạm sạc tại chung cư, khu dân cư, điểm giao thông trọng yếu.
Hiện TPHCM có khoảng 600 trạm sạc công cộng của VinFast và 50 trạm đổi pin của Selex, chủ yếu bố trí tại chung cư, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, con số này chỉ mới đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu nếu thành phố chuyển đổi toàn bộ khoảng 350.000 - 400.000 xe máy xăng sang xe điện trong tương lai gần.
Dù lưới điện TPHCM hiện có mức dự phòng khoảng 40%, song hệ thống vẫn chưa được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sạc quy mô lớn cho xe hai bánh. Do đó, đề án chuyển đổi của thành phố đặt mục tiêu đến trước tháng 12/2028 sẽ xây dựng 3.000 điểm sạc và đổi pin công cộng, gấp 5 lần hiện nay.

Một cửa hàng xe máy điện tại TPHCM. Ảnh: Uyên Phương
Hệ thống trạm sạc sẽ được phân lớp và bố trí hợp lý để phục vụ hiệu quả cho tài xế công nghệ. Cụ thể, các trạm sạc nhanh trên 60kW sẽ được đặt tại bãi đỗ quy mô lớn, trạm đổi pin siêu tốc dưới 90 giây tại các điểm giao hàng trọng điểm, còn sạc chậm 3,3kW sẽ được lắp tại nhà xe chung cư, phục vụ tài xế nghỉ ban đêm. Bán kính phục vụ cũng được tính toán: dưới 800m trong nội thành và dưới 2km tại các trục logistics liên tỉnh.
Ngoài ra, đề án khuyến khích phát triển mô hình trạm sạc tích hợp đa phương tiện, dùng chung mặt bằng và hạ tầng điện. Các trạm này sẽ ưu tiên đặt tại đất công quanh các nút giao thông, với cấu hình khuyến nghị gồm sạc nhanh, sạc chậm và tủ đổi pin.
Tổng công ty Điện lực TPHCM sẽ nâng cấp lưới điện ở các khu vực có nguy cơ quá tải, hoàn tất trong giai đoạn 2025–2027. Song song, thành phố sẽ triển khai hệ thống pin lưu trữ tại depot xe buýt điện và trung tâm logistics – tận dụng điện mặt trời ban ngày để xả vào ban đêm, giảm áp lực lên lưới.
Ngành điện cũng đề xuất biểu giá điện linh hoạt cho trạm sạc hai bánh, cụ thể: giảm 30% giá điện ban đêm (23h–5h), phụ thu 20% vào giờ cao điểm (17h–21h).
Để hỗ trợ tài xế - đặc biệt là nhóm yếu thế, TPHCM đề xuất gói vay trả góp: chỉ cần trả trước khoảng 8 triệu đồng (tương đương khoản tiền bán xe xăng cũ), phần còn lại sẽ được khấu trừ dần qua số tiền tiết kiệm mỗi tháng khi chạy xe điện (khoảng 1 triệu đồng). Sau 24–30 tháng, tài xế sẽ sở hữu trọn vẹn xe điện mà không gánh thêm chi phí lớn. Đồng thời, TPHCM kiến nghị Trung ương miễn thuế VAT và lệ phí đăng ký xe điện trong hai năm đầu (2026–2027) để tạo cú hích chuyển đổi.
Thành phố cũng sẽ hỗ trợ 10.000 xe điện cho tài xế thuộc diện cận nghèo, hộ chính sách.
Dẫn chứng về số liệu khảo sát, ông Hải cho biết, tài xế công nghệ hiện tiêu tốn từ 50.000 – 100.000 đồng/ngày cho xăng, trong khi chi phí sạc xe điện chỉ khoảng 20.000 đồng. Nếu cộng thêm chi phí thay nhớt, bảo trì động cơ, mỗi tài xế tiết kiệm ít nhất 40.000 đồng/ngày – tương đương 1 triệu đồng/tháng.