5 sai lầm khi điều trị bệnh thận mạn tính thường gặp

Bệnh thận mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây những biến chứng nguy hiểm về tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, tăng nguy cơ nhiễm trùng… Nhiều bệnh nhân mắc phải những sai lầm trong điều trị, dẫn đến bệnh tiến triển nhanh hơn và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

1. Bỏ qua các dấu hiệu sớm của bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính thường diễn ra âm thầm, không có các triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, khiến nhiều người chủ quan và bỏ qua. Tuy nhiên, việc bỏ qua các dấu hiệu sớm của bệnh thận mạn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: Suy thận, thiếu máu, bệnh tim mạch, rối loạn tiêu hóa, tổn thương thần kinh…

Khuyến cáo: Nếu có các dấu hiệu như mệt mỏi, phù mặt, tiểu đêm nhiều lần, tăng huyết áp… cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh thận mạn tính có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh thận mạn tính có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

2. Hiểu sai rằng mọi bệnh thận mạn tính đều phải lọc máu

Nhiều bệnh nhân cho rằng mắc bệnh thận mạn tính là "án tử", buộc phải lọc máu sớm. Tuy nhiên, điều này không chính xác mà tùy từng bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Việc hiểu sai có thể khiến bệnh nhân lo lắng không cần thiết và việc điều trị bảo tồn không được tối ưu hóa. Nhiều người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn 3 - 4 sống ổn định nhiều năm, nếu kiểm soát tốt.

3. Tự ý dùng thực phẩm chức năng hoặc thuốc nam không rõ nguồn gốc

Nhiều người tin vào quảng cáo hoặc lời mách bảo đã tự ý mua thuốc thảo dược hoặc chế phẩm detox thận, lợi tiểu không rõ nguồn gốc… Hậu quả là bệnh không chữa khỏi mà làm tăng độc tính lên ống thận, gây tổn thương thận cấp, thậm chí làm nặng bệnh thận mạn.

Khuyến cáo: Không tự ý dùng thuốc ngoài chỉ định của bác sĩ. Tư vấn chuyên khoa trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào và nên nhớ thuốc bổ không bổ cho tất cả, dùng thuốc đúng bệnh, đúng liều mới là thuốc bổ.

Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

4. Tự ý dùng thuốc chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen… được dùng để giảm đau, chống viêm. Tuy nhiên, với người bệnh thận mạn tính cần hết sức thận trọng khi dùng loại thuốc này. Người mắc bệnh thận mạn tính thường giảm tốc độ lọc cầu thận (GFR) do chức năng thận suy giảm. Cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể sẽ tăng cường sản xuất prostaglandin, giúp mạch máu giãn nở để duy trì lưu lượng máu đến thận và duy trì GFR.

Tuy nhiên, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) sẽ ức chế sản xuất prostaglandin, gây co thắt các động mạch nhỏ trong thận. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến cầu thận, dẫn đến giảm GFR, làm tăng nồng độ ure và creatinine trong máu, thậm chí có thể gây tổn thương thận không thể phục hồi.

Khuyến cáo: Trước khi uống bất kỳ một loại thuốc nào cần trao đổi với bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

5. Không tuân thủ phác đồ điều trị

Việc tự ý tăng, giảm, ngừng dùng thuốc là sai lầm một số người mắc phải khi điều trị bệnh thận mạn. Việc không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm: Suy tim, tăng huyết áp, tổn thương thần kinh… gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, giảm khả năng vận động, thậm chí gia tăng nguy cơ tử vong.

Khuyến cáo: Nên đảm bảo uống thuốc đúng liều, đúng giờ, tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh thận mạn tính.

Nguyên nhân suy thận và bí quyết tránh nguy cơ chạy thận.

PGS.TS.BS. Đỗ Gia Tuyển

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-sai-lam-khi-dieu-tri-benh-than-man-tinh-thuong-gap-169250718110423553.htm