5 tín hiệu cảnh báo dạ dày bắt đầu bị tổn thương

Bệnh về dạ dày rất giỏi 'ẩn nấp'. Ở giai đoạn đầu, có thể không hề có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất mơ hồ, dễ bị nhầm lẫn với vấn đề tiêu hóa thông thường.

 Chán ăn, ăn rất nhanh no có thể là dấu hiệu sớm của các bệnh lý về dạ dày. Ảnh minh họa

Chán ăn, ăn rất nhanh no có thể là dấu hiệu sớm của các bệnh lý về dạ dày. Ảnh minh họa

Dạ dày là cơ quan cực kỳ quan trọng nhưng cũng rất dễ bị tổn thương trong cơ thể. Nó bị ảnh hưởng tiêu cực không chỉ bởi thói quen ăn uống mà còn từ những hành vi nhỏ nhặt khác trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí bị tác động từ môi trường bên ngoài cho tới những cảm xúc tinh thần như căng thẳng, hay lo lắng, chán nản. Chính vì vậy mà các bệnh về dạ dày trở thành nhóm bệnh lý phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhất là với người trẻ trong xã hội hiện đại.

Các bệnh lý về dạ dày thường gặp nhất là: đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày, viêm hang vị dạ dày, nhiễm khuẩn HP dạ dày, xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày... Mặc dù mỗi bệnh có thể có những triệu chứng khác nhau, nhưng điểm chung là dạ dày sẽ tổn thương rồi xuất hiện bệnh lý. Do đó, việc phát hiện sớm những tín hiệu cho thấy dạ dày bắt đầu tổn thương sau đây là vô cùng cần thiết, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả phòng và điều trị bệnh:

1. Đau bụng thường xuyên

Cơn đau là một trong những tín hiệu quan trọng nhất cảnh báo bệnh tật. Dạ dày nằm ở giữa bụng, trên rốn, dưới gan và vùng thượng vị, gần với lá lách. Tuy nhiên, khi các tổn thương dạ dày mới hình thành, cơn đau không phải lúc nào cũng đúng ở vị trí của dạ dày.

Đau bụng là dấu hiệu phổ biến nhất khi dạ dày bị tổn thương, mắc bệnh (Ảnh minh họa)

Đau bụng là dấu hiệu phổ biến nhất khi dạ dày bị tổn thương, mắc bệnh (Ảnh minh họa)

Nhiều bệnh nhân mắc viêm loét, ung thư dạ dày cho biết giai đoạn đầu họ chỉ cảm nhận được cảm giác đau mơ hồ ở vùng bụng trên. Đau thường thành cơn, thường xuất hiện ở trạng thái bị đói hoặc quá no. Cơn đau cũng sẽ thường rõ ràng về vị trí, kéo dài âm ỉ hơn sau khi ăn. Đau có cảm giác thuyên giảm nhẹ sau khi đi vệ sinh hoặc khi nằm xuống. Tuy nhiên, cơn đau này rất dễ bị nhầm lẫn là do thực phẩm gây rối loạn tiêu hóa hoặc tức bụng do ăn no.

2. Suy giảm vị giác, chán ăn

Nếu đột nhiên bạn cảm thấy vị giác của mình kém đi, cảm nhận thức ăn không tốt như trước hoặc ăn gì cũng không thấy ngon miệng thì tốt nhất nên đi khám dạ dày. Lưỡi là cơ quan đảm nhiệm chức năng vị giác, nhưng khi dạ dày bị tổn thương có thể ảnh hưởng tới tiết axit dịch vị và rối loạn toàn bộ hệ tiêu hóa. Một biểu hiện lâm sàng thường gặp là người bệnh thường có cảm giác chua miệng, ăn gì cũng thấy hơi nhạt hoặc đắng.

Bên cạnh đó, tổn thương về dạ dày còn gây chán ăn, ăn uống kém. Nguyên nhân là lúc này thức ăn không được tiêu hóa tốt làm bệnh nhân dễ bị đầy hơi, trướng bụng hoặc bị bỏng rát, đau vùng thượng vị sau khi ăn. Cảm giác khó chịu do các triệu chứng này khiến họ không muốn ăn và không còn cảm giác thèm ăn nữa. Một trong những triệu chứng ban đầu thường gặp của ung thư dạ dày là chán ăn, đặc biệt là chán ăn thịt.

3. Ợ hơi và cảm giác buồn nôn, nôn mửa

Tổn thương dạ dày khiến cho các hoạt động tiêu hóa thức ăn không được suôn sẻ. Khi thức ăn lên men do ứ trệ ở trong dạ dày lâu ngày sẽ sinh ra các triệu chứng khó chịu như ợ chua, ợ hơi, hoặc ợ nóng. Đương nhiên, ăn quá nhanh, quá no hay một số thực phẩm như đồ ăn cay nóng, quá nhiều dầu mỡ… có thể gây ra tình trạng này, nhưng chỉ là nhất thời. Nếu bạn bị như vậy ngay cả khi đang đói, đã thay đổi thực đơn hoặc kéo dài quá 1 tuần thì nên khám dạ dày ngay.

Khi dạ dày bị tổn thương, mắc bệnh lý thì cũng khó tránh khỏi thường xuyên bị buồn nôn và nôn mửa. Tương tự như ợ hơi, tình trạng này cũng là do thức ăn trong dạ dày không được tiêu hóa và lên men. Cộng thêm tổn thương dạ dày khiến hệ miễn dịch suy yếu, khả năng tiêu hóa kém, axit dịch vị bị rối loạn. Lúc này, cơ thể sinh ra cảm giác buồn nôn và hành động nôn như một cách làm rỗng, tống khứ chất có hại ra ngoài để bảo vệ dạ dày.

4. Đầy bụng, rất nhanh no

Dạ dày là cơ quan chứa và tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, khi nó bắt đầu tổn thương thì những chức năng này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Bởi khi chức năng co bóp của dạ dày bị suy giảm sẽ dẫn tới hiện tượng thức ăn bị ùn ứ trong dạ dày, lâu tiêu khiến người bệnh luôn cảm thấy ậm ạch, đau bụng. Khó tiêu hóa cũng làm thức ăn bị ứ trệ, chiếm nhiều diện tích. Hoặc các tổn thương dạ dày nghiêm trọng gây viêm, sưng, khối u dạ dày lấy đi khoảng trống, gây chèn ép nên ăn nhanh no và luôn có cảm giác đầy bụng.

Bản thân việc tiêu hóa kém, ợ hơi, ợ nóng, suy giảm vị giác cũng khiến cho người bệnh ăn mất ngon, từ đó không thiết tha với chuyện ăn uống và cảm thấy nhanh no hơn.

5. Bất thường khi đại tiện

Bởi vì là cơ quan lớn nhất trong hệ thống ống tiêu hóa, nên tổn thương ở dạ dày cũng sẽ gây ra các rối loạn dai dẳng về đại tiện hàng ngày. Theo các thống kê lâm sàng, tổn thương dạ dày giai đoạn sớm thường dẫn tới khó tiêu và hình thành táo bón. Điều quan trọng là hiện tượng này thường xuyên lặp lại dai dẳng, ngay cả khi bạn đã thay đổi chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc. Táo bón do bệnh lý dạ dày thường đi kèm chướng bụng, đau thành cơn ở vùng bụng trên rốn, đau hơn khi rặn mạnh.

Còn khi những tổn thương tiến triển, hình thành bệnh lý, nhất là với khối u hoặc khuẩn HP, sẽ thường gây tiêu chảy kéo dài. Bệnh nhân thường cảm thấy buồn đại tiện ngay sau khi ăn xong, phân lỏng và thay đổi màu sắc đậm hơn như nâu, đen và có thể có lẫn máu. Một số bệnh lý về dạ dày còn có thể gây ra tình trạng tiêu chảy và táo bón đan xen mà không hề liên quan tới thực phẩm. Lúc này, tốt nhất là nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám.

Nguồn: Sohu, Kknews, Health People

Ngọc Ái

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/5-tin-hieu-canh-bao-da-day-bat-dau-bi-ton-thuong-20240519211237026.htm