51.000 mẫu ADN 'gieo mầm' hi vọng tìm người thân cho hàng nghìn gia đình
Sau 1 năm triển khai, đến nay Ngân hàng Gen đã tiếp nhận được hơn 51.000 mẫu ADN từ thân nhân liệt sĩ tại 34 tỉnh thành trên cả nước, đạt 5% mục tiêu quốc gia là 1 triệu mẫu đến năm 2030.

GeneStory đảm nhiệm toàn bộ quy trình thu nhận, giải mã, phân tích và đối sánh ADN. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngày 25/7 tại Hà Nội, Bộ Công an đã công bố kết quả triển khai Ngân hàng Gen Liệt sĩ. Sau 1 năm dự án đã thu nhận hơn 51.000 mẫu ADN từ thân nhân, giúp xác minh 16 liệt sĩ vô danh, mở ra hy vọng tìm lại người thân cho hàng trăm ngàn gia đình trên toàn quốc.
Ngân hàng Gen Liệt sĩ thành lập ngày 23/7/2024, là dự án đặc biệt nhân văn do Chính phủ chỉ đạo, Bộ Công an chủ trì và GeneStory - doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại Việt Nam triển khai cùng sự đồng hành của các bộ, ngành và địa phương trên cả nước.
Dự án đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm xoa dịu nỗi đau của hàng trăm ngàn gia đình, hàn gắn vết thương chiến tranh và quy tập các anh hùng liệt sĩ về với đất mẹ, đồng thời thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia theo Đề án 06 của Chính phủ.

Ảnh minh họa.
Thông qua công nghệ giám định ADN hiện đại được tích hợp trực tiếp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Ngân hàng sẽ sàng lọc và kết nối ADN thân nhân với các hài cốt liệt sĩ vô danh, từ đó xác định chính xác danh tính của các liệt sĩ. Toàn bộ quá trình đều được triển khai bài bản, khoa học và bảo mật tuyệt đối theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, toàn bộ chi phí liên quan đến việc thu mẫu, phân tích, đối sánh và trả kết quả đều miễn phí đối với các thân nhân liệt sĩ. Chi phí này đến từ sự hỗ trợ nhiệt tình và rất đáng trân trọng từ các doanh nghiệp trên cả nước thông qua chương trình xã hội hóa.
Sau 1 năm triển khai, đến nay Ngân hàng Gen đã tiếp nhận được hơn 51.000 mẫu ADN từ thân nhân liệt sĩ tại 34 tỉnh thành trên cả nước, đạt 5% mục tiêu quốc gia là 1 triệu mẫu đến năm 2030.
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an (C06) đã phối hợp với GeneStory và công an địa phương tổ chức hơn 600 buổi thu nhận lưu động cho các thân nhân liệt sĩ già yếu, không di chuyển được và tổ chức thu mẫu tập trung tại các địa bàn.
Danh tính của 16 liệt sĩ đã được xác định chính xác. Mỗi một cái tên là một hành trình nhân văn, mà giá trị của nó không thể đo đếm bằng con số, mà bằng ký ức và niềm hy vọng kéo dài qua nhiều thế hệ.
Trong vai trò đơn vị công nghệ chủ lực, GeneStory đảm nhiệm toàn bộ quy trình thu nhận, giải mã, phân tích và đối sánh ADN. Với năng lực xử lý 500.000 mẫu mỗi năm, GeneStory không chỉ đóng vai trò trung tâm trong việc xác minh danh tính liệt sĩ, mà còn hỗ trợ cho hệ thống Ngân hàng Gen Quốc gia đặt nền móng nghiên cứu y học chính xác, nghiên cứu bệnh học, dược lý di truyền và chính sách an sinh.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hà Văn, nhà đồng sáng lập GeneStory. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Giáo sư Vũ Hà Văn, nhà đồng sáng lập GeneStory chia sẻ: "ADN không chỉ là mã di truyền sinh học, mà còn là sợi dây vô hình nối liền quá khứ với hiện tại. Với những người tham gia dự án này, mỗi mẫu gen không đơn thuần là dữ liệu sinh học, đó là một phần linh hồn của dân tộc, là tiếng gọi trở về của những người đã ngã xuống vì đất nước. Công nghệ tiên tiến có thể giúp chúng ta đặt lại tên cho những nấm mộ vô danh, hồi sinh ký ức bị lãng quên, và khép lại những hành trình khắc khoải mong chờ qua nửa phần thế kỷ. Đó là một cách mà các nhà khoa học của hôm nay có thể báo đáp công lao của những chiến sĩ đã hy sinh vì đất nước, với tất cả trách nhiệm và lòng biết ơn."
Đến năm 2030, Ngân hàng Gen đặt mục tiêu hoàn thành việc thu nhận 1 triệu mẫu ADN từ thân nhân, góp phần xác định danh tính hàng chục nghìn liệt sĩ vô danh, đồng thời phục vụ cho việc quy tập hài cốt và nghiên cứu y học di truyền trong dài hạn.
Dự án không chỉ là một công trình khoa học mang tầm quốc gia mà còn là biểu tượng cho lòng tri ân sâu sắc của dân tộc Việt Nam với những anh hùng đã ngã xuống vì hòa bình và độc lập của Tổ quốc./.