51.500 đồng một m3 nước ở vùng hạn mặn

Bình thường người dân huyện Giồng Trôm (Bến Tre) mua nước máy với giá 9.600 đồng mỗi m3 nhưng hiện nay tăng lên đến 51.500 đồng.

Một tuần qua, người dân huyện Giồng Trôm của tỉnh Bến Tre sử dụng nước máy rất tiết kiệm vì giá nước tăng đột biến.

Toàn tỉnh Bến Tre có 5 nhà máy nước là An Hiệp (huyện Châu Thành), Chợ Lách, Lương Qưới (Giồng Trôm), Hữu Định và Sơn Đông (TP Bến Tre). Công suất mỗi nhà máy từ 6.000 - 32.000 m3 một ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 90.000 hộ dân.

 Mỗi sà lan chứa khoảng 9.000 m3 nước ngọt được chở từ huyện Cái Bè (Tiền Giang) về Giồng Trôm để xử lý với giá 32.000 đồng/m3. Ảnh: Nhật Tân.

Mỗi sà lan chứa khoảng 9.000 m3 nước ngọt được chở từ huyện Cái Bè (Tiền Giang) về Giồng Trôm để xử lý với giá 32.000 đồng/m3. Ảnh: Nhật Tân.

Trong đó, nhà máy nước Lương Qưới mỗi ngày cung cấp khoảng 7.000 m3 nước, phục vụ trên 16.000 hộ dân. Do nước mặt xung quanh nhà máy nhiễm mặn vượt chỉ tiêu cho phép nên Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre (Bewaco) đã thuê sà lan chở nước ngọt từ sông Tiền tại khu vực huyện Cái Bè (Tiền Giang) về Giồng Trôm xử lý.

Ông Trần Hùng, Tổng giám đốc Bewaco cho biết giá mua nước từ sà lan là 32.000 đồng/m3. Sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, đơn vị bán lại cho dân 51.500 đồng/m3. Giá này cao gấp 5 lần so với bình thường tại huyện Giồng Trôm (9.600 đồng/m3).

“Giá nước này áp dụng theo quyết định số 03 do UBND tỉnh Bến Tre ban hành ngày 9/2/2021. Trước khi có giá này, các đơn vị đã lập giá thành với những chi phí tăng thêm như vận chuyển, hóa chất để khử mặn, điện bơm… Giá này được trình qua Sở Tài chính thẩm định và các thành viên UBND tỉnh đã họp để xem xét”, ông Hùng nói với Zing.

 Sau khi xử lý nước mua từ sà lan, Bewaco bán lại cho người dân huyện Giồng Trôm với giá 51.500 đồng/m3. Ảnh: Nhật Tân.

Sau khi xử lý nước mua từ sà lan, Bewaco bán lại cho người dân huyện Giồng Trôm với giá 51.500 đồng/m3. Ảnh: Nhật Tân.

Theo lãnh đạo Bewaco, giá nước áp dụng theo quyết định 03 phải thỏa mãn 2 điều kiện là khu vực cấp nước của nhà máy bị nhiễm mặn và đơn vị cấp nước phải có giải pháp như chở sà lan hay khử mặn qua RO.

“Trước khi có quyết định 03, công ty làm tuyên truyền để người dân tiết kiệm nước. Khi quyết định này ban hành, chúng tôi thông báo cho người dân về việc cộng thêm các phí tăng khiến giá nước tăng cao”, ông Hùng chia sẻ.

Theo Bewaco, năm 2020 một số nhà máy nước của tỉnh Bến Tre ảnh hưởng nước mặn kéo dài 11 tháng. Cuối tháng 2/2021, nước mặn được cho là đỉnh điểm của năm tại Bến Tre, trùng với đợt triều cường rằm tháng Giêng. Những tháng còn lại của năm 2021, các nhà máy nước của tỉnh Bến Tre vẫn ảnh hưởng xâm nhập mặn nhưng độ mặn nước mặt thấp hơn tháng 2.

Việt Tường

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/51500-dong-mot-m3-nuoc-o-vung-han-man-post1190028.html