6 bước cần làm khi bị chó cắn

Hướng dẫn cách sơ cứu chó cắn từng bước một để hạn chế bị bệnh dại.

ADQuảng cáo

Bước 1: Cầm máu nếu vết thương vẫn còn chảy máu

-Dùng khăn sạch che và dùng lòng bàn tay ấn mạnh, giữ nguyên áp lực lên vết thương trong 15 phút.

-Dùng một miếng đệm bằng vật liệu sạch (như khăn tay, khăn tắm…), cuộn lại, băng ép trực tiếp lên khu vực bị tổn thương.

-Dùng băng thun quấn quanh miếng đệm để cố định lại; không quấn băng quá chặt vì có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu.

-Nếu máu tiếp tục chảy nhiều, có thể thấm cả qua băng; bạn nên sử dụng băng thứ hai để che cho băng thứ nhất. Khi thấm ướt cả băng và miếng đệm, bạn chỉ việc thay đổi băng thứ hai. Lưu ý đừng "canh chừng" vết thương xem nó đã ngừng chảy máu chưa vì việc bạn ngưng băng ép sẽ khiến chảy máu trở lại.

Bước 2: Nếu vết thương không chảy máu, bạn hãy:

Rửa kỹ các vết cắn/cào dưới vòi nước trong 15 phút với xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Việc rửa nước vết thương đặc biệt quan trọng nếu con chó bị nghi ngờ mắc bệnh dại. Sau khi rửa nước, nên thấm khô bằng vải sạch, băng lại bằng băng vô trùng hoặc một miếng vải khô sạch.

Lưu ý thật nhẹ nhàng với vết thương, không làm dập nát thêm hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phòng huyết thanh kháng dại vào các vết thương.

Bước 3: Đến cơ sở y tế gần nhất

Bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được vệ sinh vết thương kỹ lưỡng, cắt bỏ những mô hư, trì hoãn đóng vết thương nếu có thể. Ngoài ra, các nhân viên y tế sẽ nâng và cố định chi nếu có chấn thương sưng tấy nhiều.

ADQuảng cáo

ADQuảng cáo

Bước 4: Xét nghiệm nuôi cấy vi trùng

Với vết thương nghi nhiễm trùng, các bác sĩ có thể lấy mủ hoặc phết vết thương để xét nghiệm nuôi cấy vi trùng. Đồng thời bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh tùy thuộc vào nguy cơ nhiễm trùng của vết thương.

Bước 5: Tiêm ngừa vaccine

(dưới sự hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ)

Bước 6: Theo dõi cả người và chó

Hằng ngày bạn nên kiểm tra vết thương để biết các dấu hiệu nhiễm trùng như đau ngày càng tăng, đỏ, sưng hoặc tiết dịch vàng.

Theo dõi chó trong ít nhất 10 ngày. Khi không thể theo dõi con vật (chó hoang hoặc lạc mất…), hoặc khi chúng xuất hiện triệu chứng bệnh dại, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn tiếp.

Nếu là người đam mê xê dịch, bạn cần nhớ rằng các vết thương do động vật hoang dã cắn cũng nên xử lý và điều trị như đối với động vật bị bệnh dại. Nếu các con vật này được bắt ngay và làm xét nghiệm có kết quả âm tính với bệnh dại thì có thể dừng điều trị dự phòng.

Những chú chó thường đáng yêu nhưng lắm lúc cũng đáng sợ. Những khi ấy, bí kíp giắt túi cách xử lý vết thương sẽ giúp bạn đỡ lo lắng và hoang mang. Tiếp theo, bạn hãy lấy lại bình tĩnh và tìm cơ sở y tế gần nhất để được tiêm ngừa vắc xin và hướng dẫn điều trị và theo dõi đúng cách.

Cách phòng ngừa chó cắn

Để phòng ngừa chó tấn công, mọi người nên thực hiện các cách sau đây:

Không hoảng sợ hoặc bỏ chạy nếu chó đuổi theo: Cố gắng giữ khoảng cách và đối mặt với nó, điều này làm cảm chó cảm thấy đối tượng trước mặt có sức mạnh hơn nó. Nếu con chó xô ngã, hãy cuộn tròn người thành quả bóng, đầu cúi xuống và hai tay che tai và cổ.
Không tiếp cận chó lạ nơi công cộng mà không có chủ: Không nên vuốt ve chó lạ vì không biết chó hiền hay dữ. Nếu con vật đến gần, hãy đứng yên và không thực bất kỳ chuyển động đột ngột nào.
Theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm: Khi con chó có biểu hiện nhe răng, gầm, sủa và tai hoặc lông dựng thẳng đứng, cụp đuôi vào giữa hai chân và ngáp lớn, lúc này không nên tiếp cận vì sẽ tạo ra mối nguy hiểm cho bạn.
Báo cáo chó đi lạc: Nếu thấy chó lang thang nơi công cộng, bạn nên báo với cơ quan kiểm soát động vật ở địa phương hoặc tổ chức nhân đạo.

TTYT Quận 7 (TP.HCM)

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/6-buoc-can-lam-khi-bi-cho-can-164837.html