6 nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật số 30) được Quốc hội thông qua vào ngày 28.11.2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024 tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Lực lượng Bảo vệ dân phố phân luồng giao thông tại khu vực cổng Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Tây Ninh (Ảnh: Nhật Quang - Hoàng Yến)

Lực lượng Bảo vệ dân phố phân luồng giao thông tại khu vực cổng Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Tây Ninh (Ảnh: Nhật Quang - Hoàng Yến)

1. Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự

Tại Điều 7 của Luật quy định, nhiệm vụ hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự được quy định như sau:

Hỗ trợ Công an cấp xã nắm tình hình vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách thông qua nguồn tin của nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng theo hướng dẫn của Công an cấp xã.

Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách phải báo ngay cho Công an cấp xã; có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, hướng dẫn của Công an cấp xã; kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của cơ quan, tổ chức trong điều kiện, khả năng cho phép và theo quy định của pháp luật.

2. Hỗ trợ xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Tại Điều 8 quy định nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như sau:

Hỗ trợ Công an cấp xã tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự và xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.

3. Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Tại Điều 9 quy định hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ như sau:

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo yêu cầu, hướng dẫn, phân công của Công an cấp xã hỗ trợ lực lượng Dân phòng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn phụ trách hoặc địa bàn khác khi được điều động.

Hành vi bị nghiêm cấm
1. Sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trái quy định của Luật này hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
2. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
3. Giả danh lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
4. Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong khi thực hiện nhiệm vụ.
5. Sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái phép, làm giả, cầm cố trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

4. Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội

Tại Điều 10 quy định hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội như sau:

Hỗ trợ Công an cấp xã nắm thông tin về hoạt động của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách, trường hợp trực tiếp phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật phải báo ngay cho Công an cấp xã trực tiếp quản lý.

Nắm thông tin nhân khẩu, hỗ trợ Công an cấp xã kiểm tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn phụ trách.

Tuyên truyền, vận động cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn phụ trách khai báo, giao nộp pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà phát hiện hành vi vi phạm pháp luật phải báo ngay cho Công an cấp xã trực tiếp quản lý và hỗ trợ Công an cấp xã kịp thời ngăn chặn.

5. Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở

Tại Điều 11 quy định nhiệm vụ hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở như sau:

Hỗ trợ Công an cấp xã vận động, giáo dục những người sau đây đang sinh sống trên địa bàn phụ trách chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước:

1. Người đã chấp hành xong án phạt tù; người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; người đã chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

2. Người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; người được bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, quản chế; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách; người đã chấp hành xong bản án của Tòa án chưa được xóa án tích.

3. Người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quản lý tại gia đình; người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; người có hành vi bạo lực gia đình.

6. Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động

Tại Điều 12, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có nhiệm vụ hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động

1. Hỗ trợ Công an cấp xã tuần tra, phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách.

2. Hỗ trợ Công an cấp xã hướng dẫn, phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông khi được huy động.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà phát hiện vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ hoặc theo hướng dẫn của Công an cấp xã, lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường, bảo vệ an ninh, trật tự.

4. Trường hợp xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ngoài địa bàn phụ trách, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có thể được cấp có thẩm quyền điều động để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Việc sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong trường hợp điều động được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:
1. Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã.
2. Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
3. Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
4. Đang thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
5. Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thanh Hà

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/6-nhiem-vu-cua-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-a174167.html