7-Eleven, GS25 Bắc tiến, quyết đấu Circle K

7-Eleven, GS25 chấp nhận thuê các mặt bằng đắc địa ở Hà Nội với giá 100-200 USD/m2/tháng, đắt ngang thuê khu vực trung tâm Tokyo, để cạnh tranh với Circle K.

 7-Eleven bắt đầu Bắc tiến sau nhiều năm phát triển tại thị trường TP.HCM. Ảnh: 7-Eleven.

7-Eleven bắt đầu Bắc tiến sau nhiều năm phát triển tại thị trường TP.HCM. Ảnh: 7-Eleven.

Theo Nikkei Asia, Hà Nội đang trở thành "chiến trường" mới của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, khi "ông lớn" Nhật Bản 7-Eleven vừa gia nhập thị trường này, đối đầu trực tiếp với tân binh GS25 và Circle K - chuỗi đang dẫn đầu thị trường.

7-Eleven, GS25 còn non trẻ, Circle K chiếm lĩnh thị trường

Tháng trước, 7-Eleven khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, đặt tại phố Lò Sũ - một trong những tuyến phố sầm uất bậc nhất khu phố cổ.

Cửa hàng hoạt động theo mô hình nhượng quyền, do một công ty trong nước liên kết với công ty con của tập đoàn mẹ Seven & i Holdings (Nhật Bản).

Đây là bước mở rộng mới sau khi 7-Eleven lần đầu đặt chân vào Việt Nam năm 2017 tại TP.HCM. Hiện thương hiệu này đã sở hữu khoảng 120 điểm bán tại trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Tại Hà Nội, thị phần cửa hàng tiện lợi lâu nay được thống trị bởi Circle K - chuỗi có xuất phát điểm từ Mỹ - Canada nhưng được vận hành bởi một tập đoàn đến từ Hong Kong.

Trong khi đó, phần lớn các thương hiệu ngoại khác như GS25 (Hàn Quốc) trước đây thường chọn TP.HCM làm nơi thí điểm trước khi mở rộng ra Hà Nội.

 GS25 khai trương 6 cửa hàng tại Hà Nội. Ảnh: GS25.

GS25 khai trương 6 cửa hàng tại Hà Nội. Ảnh: GS25.

Phố cổ Hà Nội được xem là "vùng đất vàng" khi quy tụ đông đúc người dân và khách du lịch. Giá thuê mặt bằng ở đây đắt không kém các khu vực sầm uất khác trên thế giới, lên tới 100-200 USD/m2/tháng.

Dù nhiều người dân Hà Nội vẫn ưa chuộng chợ truyền thống, giới trẻ - với nhu cầu cao về vệ sinh và sự tiện lợi - ngày càng ưa thích và chọn chuyển sang các nhà bán lẻ hiện đại.

"Tôi không biết đến 7-Eleven trước đó, nhưng bị thu hút bởi không gian sạch sẽ và bắt mắt", một nhân viên văn phòng ngoài 30 tuổi chia sẻ.

Cách 7-Eleven chỉ khoảng 80 m là cửa hàng GS25 - đối thủ Hàn Quốc vừa đặt chân đến Hà Nội hồi tháng 3, sau nhiều năm phát triển tại TP.HCM.

"Con gái tôi 9 tuổi rất thích món Hàn, nên bé hứng thú với GS25 hơn là 7-Eleven", một phụ huynh cho biết. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng này, GS25 trưng bày nhiều món đặc trưng như cơm cuộn gimbap và bật nhạc từ các bộ phim Hàn trong không gian cửa hàng.

Cả 2 chuỗi đều có không gian thiết kế tương tự, với tầng trệt trưng bày sản phẩm, tầng trên là khu vực ngồi ăn. Diện tích mặt tiền khiêm tốn nhưng chiều sâu kéo dài - đặc trưng của các cửa hàng khu phố cổ.

Khu thực phẩm lạnh được đầu tư để làm nổi bật nét riêng từng chuỗi, từ món ăn chế biến sẵn đến các loại đồ uống trà sữa.

Món bán chạy nhất tại 7-Eleven là sandwich nướng kẹp thịt nguội và phô mai, giá 27.000 đồng (gần 1 USD). Trong khi đó, GS25 nổi bật với thực đơn cơm chiên, mì Ý và nhiều bữa ăn nhanh phong phú.

Tại Nhật Bản, 7-Eleven nổi tiếng với món cơm nắm onigiri tươi, nhưng ở Việt Nam, sản phẩm này được trữ đông để kéo dài thời hạn sử dụng, bán với giá 17.000-19.000 đồng và phải hâm nóng trước khi dùng.

Tuy nhiên, giá cả tại các cửa hàng tiện lợi ngoại nhỉnh hơn so với siêu thị trong nước. Một số loại trà có giá hơn 30.000 đồng khi thêm topping như trân châu. Trong khi đó, tại Mixue, chuỗi trà sữa và kem Trung Quốc đang được giới trẻ Việt Nam yêu thích, giá các món phổ biến chỉ dưới 25.000 đồng.

"Mức giá này khiến tôi cân nhắc trước khi chọn mua hàng ở đây mỗi ngày", một khách hàng tại 7-Eleven nhận xét.

Liên tục mở rộng dù lỗ

Được biết, 7-Eleven đang chuẩn bị mở thêm một cửa hàng tại Capital Place, tòa nhà văn phòng có nhiều doanh nghiệp Nhật hoạt động, để tiếp cận cộng đồng khách hàng đặc thù.

 Lợi nhuận sau thuế của các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Biểu đồ: Vietdata.

Lợi nhuận sau thuế của các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Biểu đồ: Vietdata.

Trước khi vào Việt Nam, 7-Eleven đặt mục tiêu mở 1.000 cửa hàng trong 10 năm. Tuy nhiên, đến nay con số thực tế chỉ hơn 1/10. Dù mở rộng chậm, doanh thu chuỗi vẫn tăng đều, đạt gần 850 tỷ đồng năm 2024. Song, chuỗi vẫn thuộc nhóm lỗ nặng nhất ngành, theo thống kê của hãng tư vấn B&Company (Nhật Bản).

Gia nhập thị trường muộn hơn, nhưng GS25 đã nhanh chóng tăng tốc với 209 cửa hàng tính đến năm 2023, chủ yếu tại TP.HCM, trở thành chuỗi tiện lợi lớn thứ hai về độ phủ.

Tại Hà Nội, GS25 chọn mở rộng tại các khu vực đông dân như phố cổ, Ba Đình, Đống Đa với diện tích mỗi cửa hàng 100-300 m2, nhằm nhanh chóng xây dựng nhận diện thương hiệu tại Thủ đô.

Dù thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo đạt 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp gần 60% GDP, cuộc đua giành thị phần đang khiến nhiều chuỗi phải chấp nhận lỗ. Trong bức tranh chung ảm đạm, chỉ Circle K và K-Market báo lãi.

Trong đó, GS25 là ví dụ điển hình cho chiến lược "lỗ trước, thắng sau". Dù ghi nhận doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, chuỗi này vẫn ghi nhận lỗ ròng gần 120 tỷ đồng trong năm 2024.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/7-eleven-gs25-bac-tien-quyet-dau-circle-k-post1570342.html