75 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội: Bài học về niềm tin ở nhân dân

Đúng 4 tháng sau ngày tuyên bố Độc lập, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được bầu ra từ cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946. Tròn ba phần tư thế kỷ nhìn lại, chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những quyết sách có thể nói là vô cùng sáng suốt của Người khi vận nước 'ngàn cân treo sợi tóc' vẫn tin tưởng trao trọn quyền làm chủ đất nước cho nhân dân.

19 năm trước khi diễn ra sự kiện Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn chưa có tên trên bản đồ thế giới, trong tác phẩm “Đường cách mệnh” được viết năm 1927 dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những dự cảm về ngày hội lớn của đất nước trong tương lai.

Người viết: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì giao quyền cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.

Một địa điểm bầu cử trong ngày 6/1/1946

Một địa điểm bầu cử trong ngày 6/1/1946

Những dòng chữ ấy giờ đây nhìn lại có thể nói là khắc ghi vào lịch sử.

Ngay sau ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945, giữa bộn bề công việc buổi trứng nước của chính quyền, một trong những công việc được Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh nêu lên là tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội) như Người nói “càng sớm càng tốt”

Ngay sau đó, Người đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về tổ chức Tổng tuyển cử.

Xét bối cảnh thù trong giặc ngoài lúc bấy giờ, việc tổ chức cuộc Tổng tuyển cử hoàn toàn không phải là dễ dàng.

Ngay từ khi chuẩn bị tổ chức cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể Quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử…”.

Người lại nói: “… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân…”.

Người dân Việt Nam lần đầu tiên thực hiện quyền làm chủ của mình- ngày 6/1/1946

Người dân Việt Nam lần đầu tiên thực hiện quyền làm chủ của mình- ngày 6/1/1946

Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu ấn định vào ngày 23/12/1945. Nhưng để bảo đảm thành công, tại Sắc lệnh số 76 ngày 18/12/1945, Chính phủ lâm thời quyết định dời sang ngày chủ nhật 6/1/1946.

Chiều ngày 5/1/1946, bản tin thời sự lúc 18h của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Hồ Chủ tịch. Lời kêu gọi lịch sử ấy viết:

“Ngày mai mùng sáu tháng giêng năm 1946.

“Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

“Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mọi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

Quốc hội khóa I đã ra đời từ ngày Tổng tuyển cử đó.

Rồi không đầy một năm, cả nước lên đường chống thực dân Pháp theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Quốc hội cũng từ nghị trường ra thẳng chiến trường. Nhiều đại biểu Quốc hội khóa I đã anh dũng hy sinh ngay từ buổi đầu chống Pháp như bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, đại biểu Trần Kim Xuyến và đặc biệt là cụ Nguyễn Văn Tố- người được tôn vinh là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên.

Ngày Tổng tuyển cử lịch sử ấy với việc bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới đã trao trọn quyền làm chủ đất nước cho mấy mươi triệu người dân đất Việt mà chỉ không lâu trước đó còn ở thân phận nô lệ.

Bảy mươi lăm năm qua, với sự phát triển chung trong dòng chảy của lịch sử đất nước, Quốc hội nước ta ngày càng trưởng thành, hoàn thiện, đổi mới về tổ chức và hoạt động, thực hiện ngày càng có hiệu quả, chất lượng hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Và lịch sử cũng có những điểm hẹn thật diệu kỳ

Tròn bảy mươi lăm năm kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên cũng là dịp cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV để bầu được những người đại biểu, người đại diện xứng đáng của nhân dân, thay mặt nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện có hiệu quả các chức năng quan trọng là lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Để từ đó định ra những quyết sách đưa đất nước bước vào lộ trình phát triển với những tầm cao mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây khi nói về cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã có những đánh giá rất sâu sắc khi nhìn lại thành công của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã và đang để lại bài học kinh nghiệm quý báu, có thể vận dụng trong hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay.

Theo Thủ tướng, bài học thứ nhất là tổng tuyển cử để xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Bài học thứ hai là tin tưởng phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong công tác kiến quốc, lôi cuốn nhân dân tham gia công việc của Nhà nước, kể cả người ứng cử lẫn người đi bầu. Bài học thứ ba là bảo đảm quyền tự do bầu cử với những quy định linh động, sáng tạo. Bài học thứ tư là bảo đảm vận động bầu cử dân chủ và thực chất để tìm người có đức, có tài, gánh vác việc nước.

Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh, quyền làm chủ của nhân dân vẫn đang cổ vũ chúng ta, vẫn truyền cho chúng ta những khát vọng phát triển để sánh vai cùng các quốc gia trên toàn cầu.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/75-nam-ngay-tong-tuyen-cu-bau-quoc-hoi-bai-hoc-ve-niem-tin-o-nhan-dan-150515.html