75 năm trước, đồng chí Lê Duẩn từ Côn Đảo chiến thắng trở về

Trong hành trình 'về nguồn' ở các vùng biển, đảo Việt Nam, chúng tôi đã có dịp đến Côn Đảo, nơi có nhà tù lớn nhất và thuộc loại lâu đời nhất ở Việt Nam. Trong 113 năm tồn tại (1862-1975), từ thời thực dân Pháp đến thời Mỹ-ngụy, những nhà tù Côn Đảo đã giam cầm thường xuyên từ 6.000 đến 10.000 tù nhân với những cảnh tra tấn tàn bạo khiến cho dư luận trong nước và thế giới vô cùng phẫn nộ. Côn Đảo cũng là trường học lớn của những người cộng sản. Đến với Côn Đảo, ta không chỉ được ngưỡng vọng những tấm gương kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, mà còn chia sẻ, lắng đọng những câu chuyện về tình người bao dung, tình yêu thương đồng chí, đồng đội vô bờ bến nơi một thời là 'địa ngục trần gian'.

 Một góc Bảo tàng Côn Đảo, nơi trang trọng khắc bốn câu thơ của Bác Hồ trong “Nhật ký trong tù” - Ảnh: PV

Một góc Bảo tàng Côn Đảo, nơi trang trọng khắc bốn câu thơ của Bác Hồ trong “Nhật ký trong tù” - Ảnh: PV

Biểu tượng gây xúc động nhất đối với chúng tôi là tượng đài “Chết còn cởi áo cho nhau” ở Nghĩa trang Hàng Dương, được thể hiện từ câu chuyện có thật. Người trao áo là đồng chí Vũ Văn Hiếu, nguyên Bí thư Đảng đầu tiên của khu mỏ Hòn Gai (1930). Người nhận áo là Tổng Bí thư Lê Duẩn. Những trận đòn của mật thám và sự tra tấn, đày đọa của kẻ thù ở Côn Đảo làm ông kiệt sức. Trước khi chết, ông cởi tấm áo tù của mình khoác lên người đồng chí Lê Duẩn với lời trăn trối: “Ráng sống mà phục vụ cách mạng”. Đồng chí Vũ Văn Hiếu đã trở thành biểu tượng cho tinh thần: “Sống vì Đảng, chết không rời Đảng”. Ông trút hơi thở cuối cùng vào năm 1942.

Ngược dòng lịch sử, vào ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Phong trào đấu tranh của quần chúng cách mạng đã làm rung chuyển cả hệ thống chính quyền của địch tại Nam Kỳ. Nhưng do chưa đủ những điều kiện chín muồi để giành thắng lợi, cuộc khởi nghĩa sớm bị dập tắt và dìm trong biển máu. Hàng trăm làng mạc bị triệt hạ, hàng nghìn chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước khác bị xử bắn hoặc bị xâu tay thả xuống biển, trong đó có các đồng chí Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... Đồng chí Lê Duẩn (bị bắt ngày 18/1/1940), sau thời gian giam cầm tại Khám lớn Sài Gòn chờ ngày ra tòa lại bị địch đưa xuống tàu đày ra Côn Đảo.

Trong những năm 1940-1945, nhà tù Côn Đảo mang tên “địa ngục trần gian” với nghĩa tàn bạo nhất của nó. Theo số liệu thống kê, chỉ trong vòng 2 năm (1941-1942), thực dân Pháp đã đày ra Côn Đảo gần 4.000 tù nhân thuộc đủ các hạng người, phần lớn là những chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước. Cũng trong thời gian đó, kẻ thù tiến hành khủng bố những người tù dã man chưa từng thấy. Giữa năm 1941, Thống đốc Nam Kỳ cử Bơruonnê ra làm chúa đảo thay Buviê. Bơruonnê thực hành chế độ nhà tù rất tàn bạo. Một số quyền lợi tối thiểu trước đây người tù giành được nay bị xóa bỏ. Chúng cấm tù nhân nhận thư từ, quà cáp, không được hội họp, đọc sách báo. Ra vào khám phải tự lột trần truồng cho chúng khám xét. Điều kiện ăn ở lại càng khắc nghiệt hơn. Người tù thì nhiều, trại giam thì có hạn, mọi người phải ở chật như nêm trong sự ngột ngạt, nóng bức đến cùng cực. Các loại bệnh nguy hiểm mặc sức hoành hành, tàn phá cơ thể và cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Sau này, trong một bài viết đề cập đến công tác thanh niên vào năm 1978, Tổng Bí thư Lê Duẩn kể lại: “ Hồi đó, mỗi phòng khoảng sáu mươi mét vuông, địch nhốt đến một trăm bốn mươi, một trăm năm mươi người. Chật chội và ngột ngạt đến khủng khiếp, muốn thở phải thay phiên nhau nằm gần cửa ra vào. Chất tươi thì thiếu vô cùng, bởi ngày nào cũng cơm hẩm, cá mục, cho nên được ăn một quả ớt hay một cọng rau xanh là sung sướng lắm rồi. Khi được tắm thì mỗi người chỉ vỏn vẹn một lon nước. Đó là không kể chuyện bị đánh đập hằng ngày. Bọn địch đối xử với người tù hà khắc không sao kể hết được. Từ năm 1940 đến năm 1945, trong số một trăm mấy chục anh chị em bị giam cùng phòng với tôi, phần lớn đã chết dần, chết mòn, cuối cùng chỉ còn lại mười lăm đồng chí ”.

Mặc dù hằng ngày phải đối mặt với sự tàn bạo của kẻ thù, chứng kiến sự ra đi của nhiều đồng đội, đồng chí Lê Duẩn vẫn giữ vững niềm tin và động viên các bạn tù là những chiến sĩ cộng sản kiên định con đường đã chọn, rèn luyện ý chí gang thép để vượt qua thử thách khắc nghiệt, giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Trong tận cùng của sự khổ cực nơi lao xá, đồng chí Lê Duẩn càng thấm thía sâu sắc hơn tình đồng chí cao cả và thiêng liêng giữa những người cộng sản. Đồng chí Rum Bảo Việt làm y tá trong nhà tù đã tận tình chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Lê Duẩn qua khỏi những căn bệnh thông thường nhưng rất nguy hiểm. Và cũng tại nơi lao tù, đồng chí Lê Duẩn đã cảm nhận được một tình thương bao la đối với người cùng chí hướng, đối với cách mạng của đồng chí Vũ Văn Hiếu (người bị bắt một lần với đồng chí Lê Duẩn tại trụ sở cơ quan Trung ương Đảng, đường Nguyễn Tấn Nghiệp, Sài Gòn ngày 18/1/1940).

Đồng chí Lê Duẩn kể lại: “Trong số những đồng chí đã hy sinh, hình ảnh đồng chí Vũ Văn Hiếu làm cho tôi xúc động hơn cả. Đồng chí Hiếu là một đồng chí sống vì Đảng và chết cũng không rời Đảng. Đồng chí ấy bị bắt cùng một lúc với anh Nguyễn Văn Cừ và tôi. Vào tù, đồng chí bảo với anh Cừ và tôi rằng: “Tôi đã nhận tài liệu địch lấy được là của tôi, địch có đánh thì tôi chịu, tôi không khai các anh đâu. Các anh cứ chối hết đi. Tôi chịu đòn, chịu chết thay cho các anh để các anh sống và hoạt động cho Đảng”. Ở Côn Đảo, đồng chí Hiếu bị địch đánh đập, hành hạ nhiều quá. Biết mình kiệt sức không thể sống được, một hôm nhân lúc bên ngoài gửi vào cho một cái áo, đồng chí Hiếu không mặc mà đưa áo cho tôi và nói: “ Tôi sắp chết rồi, tôi nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ cho Đảng đến phút cuối cùng, tôi chết có trần truồng cũng không sao, áo đây anh mặc lấy để sống mà làm việc cho Đảng”. Tôi từ chối nhưng đồng chí Hiếu vẫn khăng khăng không chịu. Đồng chí bảo: “Tôi đã nghĩ kỹ rồi, chỉ có việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng, sao anh không nhận?””.

Sự điên cuồng, tàn bạo của kẻ thù cũng chính là những dấu hiệu báo trước sự sụp đổ thảm hại của chúng. Năm 1945 khởi đầu thời điểm trên phạm vi toàn thế giới, chủ nghĩa phát xít đã bị đánh gục. Ở trong nước, từ mùa Thu tháng Tám năm 1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền do Đảng ta lãnh đạo lan rộng khắp nơi. Cả ba miền Bắc, Trung, Nam đã đồng loạt nổi dậy, lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phong kiến, lần lượt giành chính quyền về tay Nhân dân, lập ra chính quyền cách mạng.

Hơn hai tuần sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào ngày 17/9/1945, đồng chí Lê Duẩn cùng với các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Thanh Nghị, Phan Trọng Tuệ… ứa nước mắt dự cuộc mít tinh chào đón phái đoàn của Ủy ban nhân dân Nam Bộ ra đón các chiến sĩ cộng sản vừa thoát khỏi “địa ngục trần gian” Côn Đảo, trở về đất liền chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, kéo dài từ năm 1946-1957…

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=151250