78 tuổi, có 15 tỷ trong ngân hàng và 4 chiêu thức đầu tư tài chính của cụ bà

TRUNG QUỐC - Trong khi nhiều người cao tuổi còn loay hoay với bài toán hưu trí thì ở một khu dân cư ngoại ô Thượng Hải, cụ Trương 78 tuổi lại khiến hàng xóm trầm trồ với lối quản lý tài chính 'đỉnh cao'.

78 tuổi, cụ bà từng là công nhân dệt may bình thường sở hữu 4,12 triệu NDT (khoảng 15 tỷ đồng) trong tài khoản ngân hàng, có 36.000 NDT (131 triệu đồng)/năm từ cho thuê nhà cũ ở quê, gửi tiết kiệm đều đặn 20.000 NDT (72 triệu đồng)/tháng, chưa kể khoản lương hưu 4.200 NDT (15,2 triệu đồng)/tháng gần như không đụng đến.

Đằng sau sự dư dả ấy là 4 chiêu thức quý giá trong quản lý tài chính cá nhân, giúp bà vừa giữ tiền an toàn, vừa kiểm soát chi tiêu hiệu quả.

‘Tiền không cần nhiều, đủ dùng là được’

Câu nói tưởng như giản dị này lại phản ánh một triết lý tài chính sâu sắc, được bà Trương đúc kết qua nhiều thập kỷ sống tiết kiệm và tích lũy đều đặn.

Theo khảo sát năm 2025 về tình hình tài chính người cao tuổi Trung Quốc, chỉ 7,3% người già có thể đạt trạng thái "tự do tài chính" như bà Trương. Trong khi đó, 61,5% cho biết lương hưu chỉ đủ chi tiêu tối thiểu và 31,2% thừa nhận gặp khó khăn tài chính ở nhiều mức độ khác nhau.

Chính sự kiên trì và nguyên tắc tài chính suốt hơn 40 năm đã giúp cụ Trương có cuộc sống an nhàn và dư dả tuổi xế chiều. Ảnh: Baidu

Chính sự kiên trì và nguyên tắc tài chính suốt hơn 40 năm đã giúp cụ Trương có cuộc sống an nhàn và dư dả tuổi xế chiều. Ảnh: Baidu

Thời trẻ, bà Trương làm công nhân trong một xưởng dệt, lương cao nhất cũng chỉ khoảng 3.000 NDT (khoảng 11 triệu đồng)/tháng. Nhưng từ năm 40 tuổi, bà đã tự đặt ra quy tắc: mỗi tháng phải gửi ít nhất 30% lương vào ngân hàng, dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào.

Ở tuổi 78, bà vẫn kiên trì gửi định kỳ 20.000 NDT mỗi tháng vào tài khoản tiết kiệm. Theo thống kê năm 2025, chỉ 23,7% người cao tuổi Trung Quốc có thói quen tiết kiệm đều đặn và số người duy trì trên 40 năm như bà gần như không còn bao nhiêu.

Đầu tư không liều lĩnh nhưng khôn ngoan

Khi nghỉ hưu năm 60 tuổi, bà Trương đã có trong tay 1,47 triệu NDT (khoảng 5,3 tỷ đồng). Bà dùng 800.000 NDT (khoảng 2,9 tỷ đồng) mua một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Thượng Hải. Đây được xem là quyết định đầu tư thành công nhất của bà.

Hiện căn hộ này trị giá hơn 3,8 triệu NDT (khoảng 13,8 tỷ đồng) và mang về 3.000 NDT (khoảng 11 triệu đồng) cho bà tiền thuê mỗi tháng. Ngoài ra, ngôi nhà cũ ở quê cũng được cho một công ty nông nghiệp thuê với giá 36.000 NDT (khoảng 131 triệu đồng)/năm kể từ 2010.

Ngoài khoản lương hưu hàng tháng, bà Trương còn đầu tư vào trái phiếu chính phủ và cổ phiếu blue-chip (mã cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, ổn định). Nhờ vậy, bà vẫn duy trì được nguồn thu nhập đều đặn ở tuổi xế chiều.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Người cao tuổi Trung Quốc, 82,3% người già có từ 3 nguồn thu nhập trở lên cảm thấy "cuộc sống an nhàn", trong khi con số này ở nhóm chỉ sống bằng lương hưu là 31,8%.

Dù tài sản khá lớn nhưng bà Trương vẫn giữ lối sống tiết kiệm quen thuộc: đi bộ 20 phút mỗi sáng đến chợ để mua rau giảm giá vào cuối phiên, đồ điện trong nhà nếu hỏng thì ưu tiên sửa thay vì mua mới. Khoản chi "xa xỉ" duy nhất của bà là mỗi năm dành 50.000 NDT (khoảng 182 triệu đồng) để đi du lịch và tặng quà cho con cháu.

Người già Trung Quốc không chỉ sống bằng lương hưu mà còn đa dạng các nguồn thu nhập khác. Ảnh: Baidu

Người già Trung Quốc không chỉ sống bằng lương hưu mà còn đa dạng các nguồn thu nhập khác. Ảnh: Baidu

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bà "quá tiết kiệm". Một số chuyên gia tài chính cảnh báo việc sống quá dè sẻn đôi khi dẫn đến lo âu tài chính vô hình, làm giảm chất lượng cuộc sống tuổi già. Nhưng với bà Trương, "sống đơn giản, không lãng phí" là lựa chọn giúp bà cảm thấy yên tâm và hạnh phúc.

Một phần lớn thành công của bà Trương cũng đến từ việc bà sống trong “thế hệ vàng” - giai đoạn Trung Quốc bùng nổ kinh tế và thị trường bất động sản tăng trưởng vượt bậc. Giá nhà tăng chóng mặt giúp khoản đầu tư bất động sản của bà giá trị tăng theo cấp số nhân. Đây là điều mà thế hệ trẻ ngày nay khó có thể lặp lại.

Tỷ lệ nợ của người dưới 30 tuổi hiện nay tại Trung Quốc lên tới 67,3%, gấp gần 3 lần so với thế hệ của bà Trương ở cùng độ tuổi.

Dù chỉ là một cụ bà về hưu bình thường nhưng bà Trương để lại 4 chiêu thức quý giá trong quản lý tài chính cá nhân.

Trước hết là khả năng lập kế hoạch từ sớm khi bà bắt đầu tích lũy từ năm 40 tuổi, sớm hơn đáng kể so với độ tuổi trung bình 52 mà người Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến chuyện nghỉ hưu.

Thứ hai là chiến lược đa dạng hóa tài sản, thay vì đặt toàn bộ niềm tin vào một kênh duy nhất, bà phân bổ hợp lý giữa bất động sản, tiền mặt, trái phiếu chính phủ và cổ phiếu blue-chip.

Bà cũng có lối sống chi tiêu chừng mực, luôn ưu tiên những nhu cầu thiết thực thay vì chạy theo tiêu dùng cảm tính. Cuối cùng, tư duy đầu tư dài hạn là điều xuyên suốt trong hành trình tài chính của bà, không chạy theo lợi nhuận nhất thời, mà kiên trì theo đuổi những kênh sinh lời bền vững.

Ngoài việc tích lũy cho bản thân, bà Trương còn đều đặn trích một phần thu nhập để hỗ trợ học sinh nghèo. Đến nay, bà đã quyên góp hơn 150.000 NDT (tương đương hơn 540 triệu đồng), với quan niệm: “Tiền chỉ có giá trị khi được dùng để giúp đỡ người khác”.

(Theo Baidu)

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/78-tuoi-co-15-ty-trong-ngan-hang-va-4-chieu-thuc-dau-tu-tai-chinh-cua-cu-ba-2425781.html