8 người bị đánh chết vì tin đồn 'hiến tế trẻ em' xây cầu ở Bangladesh

Ít nhất 8 người tại Bangladesh bị những đám đông cuồng nộ đánh chết liên quan đến làn sóng tin đồn thất thiệt trẻ em bị bắt cóc và hiến tế để xây siêu dự án cầu vượt sông Padma.

Lãnh đạo cảnh sát Bangladesh, Javed Patwary, cho biết tin đồn được phát tán chủ yếu trên Facebook, theo Guardian.

"Chúng tôi đã điều tra cả 8 vụ án mạng. Trong số các nạn nhân, bị hành hình bởi các đám đông phẫn nộ, không ai là tội phạm bắt cóc trẻ em", Patwary cho biết có 2 nạn nhân là nữ giới.

Ít nhất 30 người đã bị tấn công liên quan đến tin đồn thất thiệt này. Những vụ hành hình tự phát bắt đầu sau khi xuất hiện tin đồn một người đàn ông trẻ bị bắt ở quận Netrokona, phía bắc Bangladesh, mang theo một vali chỉ có đầu trẻ em.

Dự án cầu vượt sông Padma trị giá gần 3 tỷ USD và sẽ trở thành cây cầu lớn nhất Bangladesh. Ảnh: Getty.

Dự án cầu vượt sông Padma trị giá gần 3 tỷ USD và sẽ trở thành cây cầu lớn nhất Bangladesh. Ảnh: Getty.

Làn sóng "hành hình tự phát" vì tin đồn thất thiệt khiến xã hội Bangladesh vô cùng hoang mang. Người ăn xin thậm chí phải đeo căn cước trên người khi đi ngoài đường để chứng tỏ họ không phải người đáng ngờ.

Một trong những nạn nhân mới nhất của tin đồn thất thiệt là Taslima Begum, một người mẹ đã có 2 con. Cô bị đám đông đánh chết ngay trước một ngôi trường tại thủ đô Dahka. Tường trình của cảnh sát cho biết người địa phương nghi cô đến đây để bắt cóc trẻ em.

Cùng ngày, một người đàn ông khiếm thính cũng bị đám đông đánh tử vong ở ngoại ô Dahka khi đang trên đường đi thăm con gái.

Cảnh sát Dahka đã bắt 8 người liên quan đến vụ giết hại Taslima Begnum. Ít nhất 5 người khác bị bắt giữ vì lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Lãnh đạo cảnh sát Bangladesh Javed Patwary. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo cảnh sát Bangladesh Javed Patwary. Ảnh: AFP.

Ông Patwary nói mọi đồn cảnh sát trên toàn quốc được lệnh đối phó làn sóng tin đồn sai sự thật. Hơn 25 kênh YouTube, 60 trang Facebook và 10 trang mạng được cho dừng hoạt động vì lan truyền tin giả.

Gần 6,1 triệu người thuộc lực lượng an ninh bán quân sự Ansar và dân quân xã được huy động hỗ trợ chặn tin đồn thất thiệt, theo lãnh đạo Ansar - Thiếu tướng Kazi Sharif Kaikobad.

Tại các vùng nông thôn, cảnh sát phải sử dụng loa phóng thanh để tuyên truyền người dân đừng nghe theo tin đồn thất thiệt.

"Chúng tôi nỗ lực tăng nhận thức của người dân về các tin đồn và đề nghị cộng đồng không hoảng loạn", một lãnh đạo cảnh sát địa phương phía đông bắc Bangladesh cho biết.

Tinh Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/8-nguoi-bi-danh-chet-vi-tin-don-hien-te-tre-em-xay-cau-o-bangladesh-post970818.html