80,8% doanh nghiệp chọn tin tưởng và kỳ vọng vào quý III/2025

Theo khảo sát của Cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên hoặc ổn định tăng cao hơn quý trước dù vẫn tiếp tục đề nghị cải cách thủ tục hành chính đồng bộ hơn nữa.

80,8% doanh nghiệp nhận định quý III/2025 tích cực và ổn định

Đây là kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2025 của Cục Thống kê (Bộ Tài chính). Số này cao hơn đáng kể so với lần điều tra vào quý I/2025.

37,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2025

37,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2025

Cụ thể, Cục Thống kê ghi nhận 35,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2025 tốt hơn so với quý I/2025. 43,0% số doanh nghiệp nhận thấy tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21,3% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Trong lần điều tra trước,: 71,2% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định (24,1% tốt lên và 47,1% giữ ổn định). 28,8% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

Trả lời các câu hỏi về dự kiến quý III/2025, có 37,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2025; 43,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Cũng phải nói rõ, tổng số doanh nghiệp trả lời trong kỳ điều tra quý II/2025 là 6.071 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 95,9% số doanh nghiệp được chọn mẫu) và 6.026 doanh nghiệp ngành xây dựng (chiếm 96,6% số doanh nghiệp được chọn mẫu).

Xu thế này cũng đang được nhìn thấy trong số liệu về đăng ký doanh nghiệp.

Trong tháng Sáu, cả nước có hơn 24,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 176,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 137,2 nghìn lao động, tăng 61,4% về số doanh nghiệp, tăng 12,8% về số vốn đăng ký và tăng 39,8% về số lao động so với tháng 5/2025. So với cùng kỳ năm trước, tăng 60,5% về số doanh nghiệp, tăng 21,2% về số vốn đăng ký và tăng 49,9% về số lao động.

Cũng trong tháng 6, 14,4 nghìn doanh nghiệp đã quay trở lại thị trường. So với tháng trước, con số này tăng tới 79,5%. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng tới 91,1%.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, cả nước có 91,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 820,9 nghìn tỷ đồng; 61,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong sáu tháng đầu năm lên hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có gần 25,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Vẫn còn tới 19,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn

Trong sáu tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 80,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; hơn 34,0 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 18,3%; hơn 12,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3%.

Bình quân một tháng có gần 21,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nguồn: Cục Thống kê

Nguồn: Cục Thống kê

Điều tra của Cục Thống kê cho thấy, trong quý II/2025, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, 51,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 50,1% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 30,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng.

Đặc biệt, sự chờ đợi của doanh nghiệp vào các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước vẫn rất lớn.

Cụ thể, có 38,7% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Trong số này, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay nhiều nhất với 48,6%.

31,8% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có các biện pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng, tăng 3,5 điểm phần trăm so với quý I/2025.

"Về năng lượng, các doanh nghiệp cho rằng việc giá điện tăng liên tục từ tháng 10/2024 đến nay đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất - kinh doanh, làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp", Cục Thống kê tổng hợp ý kiến.

25,4% doanh nghiệp mong có nguồn cung nguyên vật liệu ổn định. 25,9% doanh nghiệp kiến nghị cần cải cách thủ tục hành chính đồng bộ hơn nữa.

Riêng nhóm doanh nghiệp trong ngành xây dựng, Cục Thống kê cho biết, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành này là “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 57,2% số doanh nghiệp nhận định, tăng 10,1 điểm phần trăm so với quý I/2025. Đây là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt trong quý II/2025.

Xếp thứ hai là yếu tố “không có hợp đồng xây dựng mới” với 42,3% số doanh nghiệp nhận định, giảm 8,4 điểm phần trăm so với quý I/2025.

Nguồn: Cục Thống kê

Nguồn: Cục Thống kê

Khánh Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/808-doanh-nghiep-chon-tin-tuong-va-ky-vong-vao-quy-iii2025-d322504.html