A dua hay nông cạn?

Trước nỗi đau và những mất mát của đồng bào miền Trung do cơn đại hồng thủy gây ra trong những ngày qua, người dân cả nước đã đồng lòng hướng về miền Trung với tình yêu thương và chia sẻ. Những phần quà trĩu nặng ân tình, những hoạt động thiện nguyện do các tập thể, cá nhân đến với miền Trung đã làm ấm lòng người dân vùng lũ. Thiên tai khắc nghiệt đã không cản được những bước chân băng đường, lội nước; tình người và ý chí mạnh mẽ của người dân nơi dải đất này đã tiếp thêm sức mạnh để đồng bào nhanh chóng chiến thắng bão lũ, gầy dựng lại cuộc sống.

Phát huy vai trò của mình, Hội Chữ thập đỏ, UBMTTQVN đã nhanh chóng ra lời kêu gọi, vận động nhân dân cả nước với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, chung tay chia sẻ, giúp đồng bào miền Trung vượt qua thiên tai. Lời kêu gọi đó không chỉ là việc phải làm theo đúng chức trách mà còn là tình cảm, là lương tâm, đạo lý ngàn đời của người Việt.

Tại tỉnh Bình Phước, lời kêu gọi của UBMTTQVN tỉnh đã được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đơn vị đồng lòng hưởng ứng và đóng góp, hoặc trực tiếp tại trụ sở, hoặc chuyển vào tài khoản đã được công bố. Tính đến ngày 23-10, sau 5 ngày ra lời kêu gọi, chỉ riêng tiền mặt, MTTQVN các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận được trên 5 tỷ đồng.

Khí thế của cả tỉnh đang lên cao, cuộc vận động đang nhận được sự chung sức của toàn dân thì chuyện cũ đào xới lại, khi nhiều trang, nhóm, tài khoản facebook đã bới móc đăng tải lại bài báo “Nữ kế toán “nuốt” hơn 6,1 tỷ tiền cứu trợ lũ lụt”. Nhìn vào con số với hơn 1.000 lượt thích, hàng trăm lượt chia sẻ, hàng ngàn lượt bình luận… chỉ sau ít giờ đủ để thấy rằng, sự quan tâm của mọi người đến câu chuyện dù đã cũ nhưng khi được gợi lại sẽ tác động tiêu cực đến tư tưởng của những người ích kỷ, thiếu hiểu biết.

Đó là câu chuyện nữ kế toán tham ô tài sản là có. Hành vi vi phạm pháp luật này đã bị trừng trị thích đáng với bản án tù chung thân và phải hoàn trả lại cho Nhà nước số tiền đã chiếm đoạt. Tất nhiên, những hành vi ăn chặn, tham ô tiền cứu trợ chỉ là chuyện cá biệt là thiểu số rất nhỏ so với hàng triệu triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước đang hằng ngày nỗ lực vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân. Họ không ngần ngại đóng góp tiền của, công sức, thậm chí cả tính mạng của mình vì bình yên của nhân dân, mà câu chuyện 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Rào Trăng 3 trên đường đi cứu hộ; hay câu chuyện Chủ tịch UBND xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) Lê Văn Quyết cùng công an, cán bộ xã đã bơi, đi đò nhỏ cứu được hơn 100 người tới nơi an toàn trong lũ dữ là ví dụ.

Chúng ta, những người có lương tri, sẽ dễ dàng nhận ra dụng ý xấu của những chủ tài khoản cố ý đăng tải lại chuyện cũ, không phải để cho vui, để hãnh diện khi nhận về hàng ngàn lượt thích, chia sẻ, mà đó là nhằm cản trở hoạt động tiếp nhận cứu trợ của cơ quan nhà nước. Rồi nhan nhản những bài viết trên các trang mạng xã hội mang tính chê bai, đả kích, dẫn dắt dư luận bằng hành vi vi phạm của cá nhân, bằng những thông tin chưa rõ ràng, chưa được kiểm chứng, như một sự bày tỏ thái độ đối với chính quyền. Nhiều từ ngữ mang ý chê trách, chỉ trích, thậm chí miệt thị cứ vô tư xuất hiện thay vì những hình ảnh đẹp về tinh thần xả thân cứu người; những câu từ so sánh phản ứng chậm chạp của chính quyền so với hoạt động của những cá nhân, tổ chức thiện nguyện, rõ ràng là một sự phủ nhận những cống hiến, hy sinh của những người có trách nhiệm trong cơn lũ dữ.

Sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân vào các hoạt động thiện nguyện, đồng hành với chính quyền địa phương giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn rất đáng được hoan nghênh. Nhưng, bất cứ hoạt động tự phát nào cũng có thể gặp phải những rủi ro không lường trước được, nên vẫn cần có sự phối hợp tốt với chính quyền các cấp, để đảm bảo cho chuyến đi được an toàn, hàng cứu trợ đến được với mọi người cần, tránh trường hợp “nước chảy chỗ trũng”.

Ở một đất nước tự do ngôn luận, bất kỳ ý kiến nào cũng luôn được lắng nghe. Đó là lý do chúng ta có hẳn đội ngũ những người làm công tác nắm bắt dư luận xã hội, là cầu nối để chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến chính đáng của toàn dân đến với Đảng, đến với chính quyền các cấp. Thế nhưng, tự do phải trong khuôn khổ của pháp luật chứ không thể là kiểu tự do quá trớn. Mạng xã hội là nơi chúng ta kết nối thông tin, bày tỏ suy nghĩ, ý kiến của mình, nhưng không vì vậy mà phát ngôn tùy tiện, không để ý đến cảm nhận của người khác. Ông bà ta đã dạy “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” để nhắc nhở phải cẩn trọng khi phát ngôn là vì vậy. Thế nhưng, khi mạng xã hội xuất hiện, đã tạo môi trường cho thói phát ngôn vô tội vạ ngày càng phổ biến và lan rộng như căn bệnh trầm kha. Không chỉ phát ngôn cho sướng miệng, khoe khoang hiểu biết, đáng lo ngại hơn cả là tình trạng tung tin thất thiệt, bóp méo sự thật, vu khống, đặt điều… Điều này có thể xuất phát từ động cơ cá nhân, lối sống ích kỷ và sở thích kỳ quặc muốn trở thành “trung tâm vũ trụ” của một số người dùng mạng xã hội. Đáng kinh ngạc hơn khi thói xấu này lại đang nhận được sự a dua, hưởng ứng theo của một bộ phận, nhất là giới trẻ, những người “tay nhanh hơn não”. Đặc biệt, rất nhiều thông tin nêu trên bắt nguồn từ sự xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch, phản động "quen thuộc" như Việt Tân... Phương thức thủ đoạn của chúng là sử dụng các mạng xã hội để đăng tải thông tin một chiều, thổi phồng, xuyên tạc thông tin với mục đích làm cho người đọc dần có sự chuyển hóa, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ.

Đã có nhiều người dùng mạng xã hội bị xử phạt hàng triệu đồng vì hành vi thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, thậm chí bị xử lý hình sự. Vậy mà vẫn chưa đủ để trở thành bài học cảnh tỉnh, để người dùng cẩn trọng hơn và sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm hơn, ngay cả việc đơn giản nhất là bấm “thích” hay “chia sẻ”. Chỉ cần không tỉnh táo, nhiều người dùng sẽ dễ dàng bị lừa bởi những tin chế, hình ảnh chế. Vì vậy, hãy để mạng xã hội là nơi lan tỏa những câu chuyện nhân văn, những điều tốt đẹp chứ không phải là nơi để bình luận tùy tiện, vì dụng ý xấu, động cơ cá nhân.

Lợi dụng chuyện cứu trợ người dân miền Trung để phủ nhận nỗ lực của chính quyền, lực lượng quân đội, công an, đề cao vai trò cá nhân, là thể hiện sự nông cạn, thiếu hiểu biết của chính mình.

Huỳnh Phúc

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/a-dua-hay-nong-can-343910