ACB dự kiến lợi nhuận hơn 20.000 tỷ đồng, không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với việc thông qua nhiều chỉ tiêu kinh doanh quan trọng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Á Châu. Ảnh: H. Chung/TTXVN

Đại hội đồng cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Á Châu. Ảnh: H. Chung/TTXVN

Theo đó, trong năm 2023, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 668.788 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi mục tiêu đạt 495.411 tỷ đồng (bao gồm giấy tờ có giá) và dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,1% và 9,7%. Mức tăng hạn mức tín dụng thực tế sẽ được điều chỉnh khi được Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Lợi nhuận trước thuế ACB đề ra cho năm 2023 là 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với kết quả thực hiện trong năm 2022.

Tại đại hội, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, ACB là ngân hàng bán lẻ nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng từ sự giảm tốc nền kinh tế. Tuy nhiên, với tiền đề của năm 2022, ACB tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023.

Riêng trong quý I/2023, lãnh đạo ACB cho biết, ACB ghi nhận lợi nhuận hợp nhất đạt khoảng 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ, thực hiện được 26% kế hoạch năm. Huy động vốn tăng 2,1% so với đầu năm. Các chỉ số an toàn đạt mức cao; tỷ lệ an toàn vốn 13,1%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Đối với một số vấn đề nóng hiện nay của ngành ngân hàng như trái phiếu, tín dụng bất động sản, lãnh đạo Ngân hàng ACB cho biết, ACB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, 85% là trái phiếu Chính phủ. Còn lại là trái phiếu của các tổ chức tín dụng hàng đầu Việt Nam.

"Chiến lược trong năm 2023 của ACB cũng không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, trừ trái phiếu tổ chức tín dụng", ông Từ Tiến Phát cho biết.

Trong năm 2023 của ACB cũng không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, trừ trái phiếu tổ chức tín dụng. Ảnh: H. Chung/TTXVN

Trong năm 2023 của ACB cũng không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, trừ trái phiếu tổ chức tín dụng. Ảnh: H. Chung/TTXVN

Về tín dụng bất động sản, tỷ lệ cho vay bất động sản tại ACB chiếm khoảng 24% trong dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, trong đó 82% là cho vay mua nhà để ở. Riêng cho vay doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản là dưới 1%.

Trong giai đoạn tới, ACB tiếp tục phát triển khách hàng mới có chọn lọc, định vị phân khúc phù hợp với ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số…

Về phân phối lợi nhuận, đại hội đã thông qua chia cổ tức năm 2022 tổng tỷ lệ 25% (15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt). Cụ thể, ACB dự kiến phát hành hơn 506 triệu cổ phiếu để chia cổ tức 2022 với tỷ lệ 15%.

Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia (theo kết quả kiểm toán tại thời điểm 31/12/2022). Sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của ACB cũng đã tiến hành bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 với 9 thành viên (trong đó có 1 thành viên độc lập) và Ban kiểm soát là 3 thành viên (3 thành viên chuyên trách). Ông Trần Hùng Huy tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB nhiệm kỳ 2023-2028./.

H.Chung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/acb-du-kien-loi-nhuan-hon-20-000-ty-dong-khong-dau-tu-vao-trai-phieu-doanh-nghiep/287728.html