ADN là 'chìa khóa' mở ra và phục hồi ký ức lịch sử cho thân nhân các gia đình liệt sĩ
Chiều 25/7, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Kế hoạch số 356/KH-BCA-C06 về việc thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Hội nghị vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Hội Cựu CAND Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, thân nhân các gia đình liệt sĩ đã xác định được danh tính qua ADN…
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Bộ Công an, trực tuyến đến 34 điểm cầu các tỉnh, thành trên cả nước. Hội nghị càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cả nước đang có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ.

Thủ tướng Chính phủ trao kết quả danh tính liệt sĩ cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ niềm xúc động khi đến dự hội nghị, đặc biệt đặt trong bối cảnh cả nước hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh liệt sĩ. Đây là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc và cũng là trách nhiệm thiêng liêng đối với những người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thay mặt đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước, Chính phủ, xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ trên cả nước”- Thủ tướng Chính phủ bày tỏ.

Thủ tướng Chính phủ và Thứ trưởng Nguyễn Văn Long trao kết quả danh tính các liệt sĩ cho thân nhân gia đình các liệt sĩ.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là sự tri ân của những người đang sống, những người được hưởng nền độc lập, tự do từ sự hy sinh của các đồng đội, của những người đã không quản khó khăn, hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân ngày hôm nay.
“So với sự hy sinh, cống hiến trọn cuộc đời mình của các đồng chí thương binh, liệt sĩ thì chúng ta có làm bao nhiêu cũng không đủ, bao nhiêu cũng thiếu. Chúng ta rất xúc động về những nghĩa cử, hành động của cán bộ, chiến sĩ CAND, của QĐND, tấm lòng của các doanh nghiệp, người dân tham gia vào chương trình này. Đây là tình dân tộc, nghĩa đồng bào rất sâu sắc của đất nước chúng ta, cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc của đất nước chúng ta”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Hồi trao biểu trưng tặng các đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình thu nhận mẫu ADN.
Thống kê những con số về số lượng các Anh hùng liệt sĩ hiện nay, trong đó có các Anh hùng liệt sĩ chưa xác định được danh tính, Thủ tướng Chính phủ xúc động nêu rõ, thân nhân các gia đình liệt sĩ mong mỏi làm sao sớm tìm thấy hài cốt các liệt sĩ, sớm biết được tên của các liệt sĩ trên những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên để mang các anh trở về quê hương, trở về đất mẹ.
Phân tích, đánh giá những yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan cản bước quá trình thu nhận mẫu ADN cũng như xác định danh tính các liệt sĩ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta phải chạy đua với thời gian và cần được triển khai gấp rút, thần tốc, thần tốc hơn nữa. Và chúng ta cũng xác định ADN không chỉ là thông tin về sinh học mà còn là “chìa khóa” để phục hồi ký ức lịch sử cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Đây cũng là công cụ quan trọng để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, đáp ứng mong mỏi của người thân trong các gia đình liệt sĩ.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi lễ.
Nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn sâu sắc của hành trình xác định danh tính các liệt sĩ bằng ADN để đưa các anh về với đất mẹ, với quê hương, với gia đình, Thủ tướng đánh giá: Việc xác định danh tính liệt sĩ bằng công nghệ phân tử ở Việt Nam không chỉ làm chủ khoa học mà còn thể hiện giá trị đạo lý và bản sắc nhân văn độc đáo của dân tộc chúng ta. Đây là công việc rất ý nghĩa, rất khó khăn nhưng khó mấy vẫn phải làm, khó mấy cũng phải vượt qua.
Biểu dương tinh thần chủ động của Bộ Công an cũng như sự phối hợp, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và toàn hệ thống chính trị trong công tác thu nhận mẫu ADN của thân nhân gia đình các liệt sĩ để xác minh danh tính những liệt sĩ chưa biết tên, Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước cũng xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh danh tính liệt sĩ là nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cần tiếp tục đầu tư bằng tâm huyết, bằng trí tuệ, công nghệ và cả lòng nhân ái, sự cần cù, cống hiến, chung tay, góp sức, hỗ trợ của người dân, của doanh nghiệp, của các cơ quan chức năng.

Thủ tướng chỉ đạo công tác thu nhận, xác minh mẫu ADN của thân nhân các gia đình liệt sĩ cần phải làm nhanh, quyết liệt hơn nữa.
Điểm lại những kết quả nổi bật sau 1 năm triển khai Kế hoạch 356, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương, hệ thống chính trị đã cập nhật được chuẩn hóa hơn 300 nghìn thông tin liệt sĩ chưa xác định được danh tính và thân nhân, đạt 42,3% so với tổng số cần phải thu thập thông tin; đã thu thập, thu nhận được gần 60 nghìn mẫu ADN cho Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ đẻ và thân nhân liệt sĩ trên cả nước; hoàn thành phân tích, cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước hơn 11 nghìn mẫu. Đặc biệt, 16 trường hợp đã được xác định danh tính và tại hội nghị hôm nay chúng ta đã trao tận tay quyết định công nhận danh tính liệt sĩ cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Thủ tướng cũng biểu dương Công an các đơn vị, địa phương, trong đó tiêu biểu như: Hà Nam (cũ), Thanh Hóa, Thái Bình (cũ), Hà Nội đã phát huy vai trò đi đầu, nòng cốt, có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt trong tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo huy động các ban, ngành, đoàn thể có liên quan; vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ, đồng hành và hỗ trợ kinh phí trong quá trình thu nhận, đưa vào ngân hàng gen thân nhân liệt sĩ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu tại buổi lễ.
Chỉ ra những khó khăn, hạn chế, bất cập, Thủ tướng đề nghị các đồng chí lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, MTTQ, các ngành, đoàn thể và nhân dân cùng với lực lượng Công an để rà soát, vận động và thu thập mẫu thân nhân liệt sĩ.
Cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công tác thu thập, phân tích ADN. Theo Thủ tướng, việc cần thì chúng ta phải làm, dù có nghèo, dù có khổ, chúng ta vẫn phải làm. Thủ tướng cũng cho biết, đã chỉ đạo Bộ Tài chính triển khai hướng dẫn, chi cho nhiệm vụ này bằng nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội khác.
“Chúng ta làm với tất cả trách nhiệm và sự biết ơn của mình đối với các Anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là phải tăng cường tiếp cận cơ sở đến từng hộ gia đình thân nhân liệt sĩ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi còn nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin”- Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.



Thân nhân các gia đình liệt sĩ đã xác định được danh tính xúc động trong buổi lễ.
Về một số nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đoàn thể, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Còn 1 năm nữa chúng ta hoàn thành việc này để hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ cần tiếp tục đồng hành nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa hệ thống dữ liệu gen liệt sĩ. Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường lan tỏa tinh thần tri ân liệt sĩ, nhân lên giá trị đạo lý nhân văn cao cả của dân tộc chúng ta.
Thủ tướng cũng chỉ đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể quần chúng phát huy vai trò, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân đội trong phát động các phong trào thi đua; tuyên truyền sâu rộng đến toàn dân về ý nghĩa chính trị xã hội quan trọng của công tác thu thập và thu nhận mẫu ADN cho thân nhân các liệt sĩ chưa được xác định danh tính; tăng cường vận động các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và nhân dân, huy động nguồn lực, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với công việc thiêng liêng, cao quý này.
“Tinh thần là ai có gì thì giúp đấy. Ai có công thì giúp công, ai có của thì giúp của. Ai có nhiều, giúp nhiều, ai có ít, giúp ít. Nhưng cũng không vì sự giúp đỡ này của nhân dân, của xã hội mà chúng ta quên nguồn lực của Nhà nước. Đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của nhân dân. Chúng ta kêu gọi được bao nhiêu thì quý bấy nhiêu, còn lại là Nhà nước phải có trách nhiệm, Nhà nước phải gánh vác”- Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cùng thân nhân các gia đình liệt sĩ xác định được danh tính.
Cũng theo Thủ tướng, công tác "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" không chỉ là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước mà còn là "mệnh lệnh của trái tim", trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc ứng dụng công nghệ ADN trong xác định danh tính liệt sĩ, xây dựng cơ sở dữ liệu và ngân hàng gen cho liệt sĩ là bước tiến lớn về khoa học pháp lý, nhân văn, là bổn phận thiêng liêng, là trách nhiệm cao quý và tình cảm chân thành của Đảng, của Nhà nước, của toàn dân, cả hệ thống chính trị đối với những người đã hy sinh cho Tổ quốc, vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và vì hạnh phúc ấm no của người dân.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long bày tỏ niềm xúc động, trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như công tác phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương, hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ thu nhận mẫu ADN, xác minh danh tính các liệt sĩ chưa biết tên. Thứ trưởng Nguyễn Văn Long hứa sẽ tiếp thu nghiêm túc, triển khai hiệu quả những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để công tác thu nhận mẫu ADN, xác minh danh tính các liệt sĩ chưa biết tên đạt được nhiều kết quả trong thời gian tới.
Những câu chuyện xúc động của hành trình tìm kiếm các liệt sĩ chưa biết tên
Là một trong 16 gia đình thân nhân các liệt sĩ được Bộ Công an và các đơn vị chức năng xác định được danh tính mộ phần qua giám định ADN, bà Nguyễn Thị Lan ở Quảng Trị, em gái của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội, không giấu được nước mắt nhớ lại những kỷ niệm về người anh trai của mình. Bà Nguyễn Thị Lan cho biết, trước khi nhập ngũ, liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội là thầy giáo, dạy học ở trường và rất yêu thương các em, gương mẫu. Mỗi khi cuối tuần được về nghỉ, anh Hội lại cho các em mỗi đứa một cái kẹo chanh.
Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu lặng đi vì xúc động trước những câu chuyện, kỷ niệm về các Anh hùng liệt sĩ qua lời kể của thân nhân các liệt sĩ tại chương trình giao lưu.
Tháng 1/1971, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Hội lên đường nhập ngũ. Ngày anh lên đường nhập ngũ, gia đình không có điều kiện để liên hoan chia tay, mẹ của bà Lan ra vườn tìm thấy một quả chuối chín cây mang vào cho anh ăn trước khi lên đường. Đó là bữa liên hoan giản dị và cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội với gia đình. Đến năm 1972, liệt sĩ Hội hy sinh.
Năm 1973, gia đình nhận được giấy báo tử, được biết anh hy sinh tại chiến trường miền Nam. Khi đó chiến tranh chưa kết thúc, gia đình vẫn hy vọng giấy báo tử kia là sai sót, chờ đợi người thân trở về. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, những tháng năm dài mòn mỏi chờ đợi ấy cứ bào mòn dần hy vọng. Bố mẹ của liệt sĩ Hội tuổi cao, cứ đến buổi chiều cơm dọn ra, cả hai ông bà bưng bát cơm lên tay, nhìn xa xăm, nước mắt nghẹn ngào thương nhớ con. Dù gia đình đã nhiều năm đi vào các nghĩa trang tìm kiếm song vẫn không biết liệt sĩ Hội nằm ở đâu. Nhận được kết quả của Bộ Công an thông báo, cả gia đình không kìm nén được xúc động, òa lên khóc.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Tổ quốc, chàng thanh niên Lương Văn Nho nhập ngũ đi thẳng vào chiến trường. “Ngày cuối cùng anh tôi lên đường nhập ngũ trời mưa tầm tã. Tiễn anh ra đến đầu làng, sau một năm, đến năm 1970, gia đình nhận được lá thư của anh và đó cũng là lá thư cuối cùng gia đình nhận được. Sau bức thư cuối cùng đó, gia đình nhận được giấy báo tử”- em trai của liệt sĩ Lương Văn Nho nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Lan, em gái của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội hồi tưởng về những kỷ niệm của gia đình với anh trai mình.
Ông Trần Văn Sang, em trai của liệt sĩ Trần Văn Vích, quê ở Hưng Yên kể lại, ông Vích xung phong nhập ngũ năm 1969, tham gia chiến đấu ở đường 9 Nam Lào. Trước khi ra trận, ông còn làm những bài thơ để động viên gia đình, người thân. Cuối năm 1971, ông Trần Văn Vích hy sinh. Gia đình đã dày công đi tìm nhưng không thấy và hôm nay cả gia đình không giấu được niềm xúc động khi nhận được thông tin về hài cốt của liệt sĩ.
Bà Lê Thị Thường, vợ liệt sĩ Nguyễn Cảnh Trị ở Nghệ An bồi hồi xúc động khi nhớ lại quãng thời gian ít ỏi 1 tuần hai vợ chồng sống bên nhau trước khi chồng lên đường nhập ngũ. Khi chia tay, chàng trai Nguyễn Cảnh Trị động viên vợ: “Anh đi chiến đấu, em ở nhà chăm sóc bố mẹ, làm tròn trách nhiệm của người con dâu với gia đình. Hãy yên lòng, anh sẽ trở về”. Thời chiến khó khăn, gian khổ nên mối liên hệ giữa hai vợ chồng chỉ qua những lá thư.
Lá thư cuối cùng liệt sĩ Nguyễn Cảnh Trị gửi vợ được gia đình nhận trước năm 1973 và sau năm đó gia đình nhận được giấy báo tử của anh. "Sau hơn 50 năm tìm kiếm, đến nay, nhờ Bộ Công an…, gia đình chúng tôi nhận được chứng nhận thông tin tìm được mộ liệt sĩ của chồng tôi. Cả gia đình có kế hoạch đưa hài cốt của liệt sĩ về quê mẹ”- bà Thường xúc động.
Là cựu chiến binh, từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt, Thượng tá Nguyễn Viết Quảng kể lại câu chuyện bản thân và các đồng đội thống nhất trước trận đánh ở chân núi Bà Đen rằng, sau trận chiến, ai còn sống sẽ đi tìm người đã mất mang về gia đình. Sau khi nghỉ hưu, người cựu chiến binh Nguyễn Viết Quảng dành dụm tất cả lương hưu, thời gian, công sức đi khắp các nghĩa trang, những nơi từng là chiến trường xưa để tìm đồng đội, mang hài cốt đồng đội về cho gia đình, người thân.
Gần 20 năm đi tìm đồng đội, ông Nguyễn Viết Quảng đã tìm thấy hơn 200 hài cốt liệt sĩ, trong đó 60 hài cốt đã được đưa về quê cha đất tổ. Chứng kiến khoảnh khắc thân nhân các gia đình ôm hài cốt của liệt sĩ, òa lên khóc nức nở, người cựu chiến binh đã kinh qua trận mạc năm nào không kìm được niềm xúc động.
Cũng tại chương trình, Thượng tá Nguyễn Đức Hiếu, Trưởng Công an xã Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, thông tin về quá trình thu nhận mẫu ADN trên địa bàn. Thượng tá Nguyễn Đức Hiếu cho biết, trên địa bàn có 62 liệt sĩ và đến nay đã thu thập được ADN của 100% thân nhân các liệt sĩ. Trong quá trình triển khai có nhiều thuận lợi và khó khăn nhưng nhờ chủ trương đưa Công an chính quy về sát dân, gần dân, xuống với thân nhân gia đình liệt sĩ và có hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công tác xác minh, thu nhận mẫu ADN được đơn vị tiến hành hiệu quả, chính xác, an toàn…