AI như cỗ xe Ferrari, nhưng doanh nghiệp phải học cách điều khiển

'Thích ứng hay bị đào thải?' - Đó không còn là lời cảnh báo xa xôi mà là thực tại sinh tồn được các chuyên gia phân tích tại Tọa đàm 'Quản trị doanh nghiệp thực chiến trong kỷ nguyên AI' tổ chức hôm nay 9/7 tại Hà Nội.

Sự kiện do Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập phối hợp cùng Tập đoàn giáo dục trực tuyến Unica tổ chức. Các chuyên gia đã chỉ ra con đường sống còn cho khối Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs): phải coi AI là công cụ, không phải mối đe dọa, và bắt đầu hành động ngay hôm nay.

AI không cướp việc, chỉ "thanh lọc" người không thích ứng

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), gióng lên hồi chuông cảnh báo: "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đang định nghĩa lại mọi nguyên tắc trong quản trị và điều hành. Việc nhắc đến AI không còn là câu chuyện của tương lai nữa, mà đã là một vấn đề rất gần, một thực tại cấp bách".

Sự cấp bách này càng trở nên rõ ràng khi nhìn vào thực trạng nền kinh tế Việt Nam, nơi SMEs chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp và đóng góp hơn 45% GDP cả nước. Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây, có tới hơn 80% SMEs vẫn đứng ngoài cuộc chơi AI, chưa có bất kỳ ứng dụng nào trong hoạt động của mình. Sự chần chừ này, theo TS. Nam, có thể khiến doanh nghiệp trả giá đắt. "Cuộc chiến thực sự không nằm ở công nghệ, mà nằm ở con người. Việc chuyển đổi không chỉ là nâng cấp máy móc, mà phải bắt đầu từ chính tư duy của người lãnh đạo", ông Nam khẳng định.

AI được Shark Hưng ví như một cỗ xe Ferrari.

Shark Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch HĐQT Cen Invest đã ví von AI như một "cỗ xe Ferrari" siêu mạnh mẽ. Tuy nhiên, để cỗ xe đó có thể vận hành, nó cần ba yếu tố cốt lõi: nhiên liệu (dữ liệu lớn - Big Data), xa lộ cao tốc (năng lực tính toán và hạ tầng công nghệ) và một người lái xe điêu luyện (các mô hình AI và những người biết cách ra lệnh cho chúng).

"Dữ liệu chính là mỏ vàng", Shark Hưng nhấn mạnh và phân tích: "Mỗi ngày, nhân loại tạo ra khoảng 328 triệu terabyte dữ liệu. Doanh nghiệp nào biết cách khai thác nguồn 'nhiên liệu' vô tận này, doanh nghiệp đó sẽ có lợi thế. Trước đây, chúng ta chỉ quan tâm đến các chỉ số nhân khẩu học của khách hàng, nhưng giờ đây, AI cho phép chúng ta phân tích hành vi của họ. Khách hàng của bạn đang lướt Facebook, họ dừng lại ở hình ảnh nào, họ nhắn tin hỏi về sản phẩm gì... tất cả đều là dữ liệu quý giá để AI nhận diện và tiếp cận".

Phản bác lại nỗi lo sợ phổ biến về việc AI sẽ cướp mất việc làm, Shark Hưng lý giải: AI không lấy đi việc làm của con người, nhưng những người biết sử dụng AI sẽ thay thế những người không biết. Đây là một cuộc thanh lọc tất yếu". Dẫn chứng một báo cáo của Goldman Sachs, ông cho biết AI có thể tự động hóa tới 25-30% khối lượng công việc hiện tại, tương đương với khoảng 300 triệu việc làm trên toàn cầu trong thập kỷ tới.

Những công việc dễ bị thay thế nhất là những công việc tuân theo 3 chữ R: Rules (có quy tắc), Repeatable (lặp lại), và Replicable (sao chép được). Các vị trí như giao dịch viên ngân hàng, kế toán cơ bản, hay thậm chí một phần công việc của các kỳ thủ cờ vua hàng đầu thế giới đều đã và đang bị AI thực hiện tốt hơn.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng AI chỉ là một công cụ: "Nó không phải là chiếc đũa thần. Doanh nghiệp có thành công hay không vẫn phụ thuộc vào bản lĩnh, tầm nhìn và khả năng ra quyết định của người lãnh đạo. Chúng ta phải học cách điều khiển cỗ xe Ferrari này, chứ không phải ngồi chờ nó tự lái đến thành công".

Một trong những thách thức lớn nhất mà các diễn giả chỉ ra chính là sự thay đổi trong vai trò của người lãnh đạo. "Làm sao để tái cấu trúc một tổ chức mà không đánh mất bản sắc doanh nghiệp? Làm sao để lãnh đạo không bị tụt lại phía sau so với chính nhân viên của mình?" – những câu hỏi này được đặt ra như một bài toán khó.

Shark Hưng cảnh báo về nguy cơ "lãnh đạo lạc hậu" khi công nghệ phát triển quá nhanh. Ông cho rằng người lãnh đạo không chỉ cần hiểu về AI mà còn phải là người tiên phong trong việc ứng dụng và xây dựng một văn hóa cởi mở với công nghệ.

Bên cạnh đó, các vấn đề về đạo đức AI (AI Ethics) cũng được nhấn mạnh. "Khi AI ngày càng thông minh, chúng ta phải đảm bảo nó được sử dụng một cách có trách nhiệm, minh bạch và không gây hại. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trước hết là của những người đứng đầu doanh nghiệp", Shark Hưng chia sẻ.

Từ thực chiến đến doanh thu trăm tỷ

Nếu Shark Hưng mang đến một bức tranh tổng quan thì chuyên gia Trần Khánh Tư, Chủ tịch Tập đoàn Unica lại cung cấp một "bản đồ thực chiến" chi tiết. Ông mở đầu bằng những ví dụ: một doanh nghiệp bán chân gà trên TikTok đạt doanh thu 104 tỷ đồng/tháng, một video quảng cáo phao cứu hộ đạt hàng triệu lượt xem.

Bí quyết đằng sau những thành công này, theo ông Tư, nằm ở việc ứng dụng công nghệ và marketing đúng cách. Ông chỉ ra một thực tế: Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội, với thời gian trung bình mỗi ngày lên tới 2,5 giờ. "Khách hàng của bạn đang ở trên đó. Nếu bạn không xuất hiện, đối thủ của bạn sẽ làm thay. Đừng hỏi tại sao doanh thu sụt giảm khi bạn còn chưa có mặt ở nơi khách hàng của mình dành nhiều thời gian nhất".

Chủ tịch Tập đoàn Unica giới thiệu đến các doanh nghiệp triết lý Shu-Ha-Ri của người Nhật, một lộ trình ba bước để tiếp cận và làm chủ mọi lĩnh vực mới:

Shu (thủ): Giai đoạn sao chép, học hỏi: "Đừng cố gắng sáng tạo khi bạn còn chưa biết gì. Hãy tìm ra một hình mẫu thành công, một doanh nghiệp đầu ngành và học theo cách họ làm một cách tuyệt đối".
Ha (phá): Giai đoạn phá vỡ, tinh chỉnh: "Sau khi đã thành thạo, hãy bắt đầu điều chỉnh quy trình. Có thể bạn sẽ nhận ra cách làm của họ không hoàn toàn phù hợp với mình. Đây là lúc để bạn tạo ra sự khác biệt".
Ri (ly): Giai đoạn tách rời, sáng tạo: "Khi đã thực sự làm chủ, bạn sẽ tạo ra được con đường của riêng mình, một phiên bản độc đáo và hiệu quả nhất".

Ông đặc biệt nhấn mạnh về việc xây dựng thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp trên không gian số: "Một chai nước không có nhãn mác, bạn có dám uống không? Chắc chắn là không, vì nó có thể là axit. Nhưng chỉ cần dán một cái nhãn vào, nó trở thành một sản phẩm có thể tin tưởng. Thương hiệu chính là cái nhãn mác đó. Ngày nay, khách hàng không mua hàng từ một công ty vô danh. Thương hiệu của bạn phải xuất hiện trước mắt khách hàng tính bằng giây", ông nói.

Xuyên suốt buổi tọa đàm, hình ảnh chiếc đồng hồ cát được chuyên gia Trần Khánh Tư nhắc đi nhắc lại như một lời cảnh tỉnh: "Thời gian là tài sản quý giá nhất. Mỗi ngày chúng ta chỉ có 24 giờ, không hơn không kém. Công nghệ và đặc biệt là AI, ra đời để giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, để chúng ta có thể sống một cuộc đời đáng sống, thay vì bị công việc nhấn chìm".

Thông điệp cuối cùng từ các chuyên gia rất rõ ràng: Kỷ nguyên AI không phải là một mối đe dọa, mà là một đòn bẩy vạn năng cho những ai biết cách sử dụng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang có cơ hội "đi tắt đón đầu" nếu nhanh chóng thay đổi tư duy, bắt đầu từ những bước nhỏ nhất. Đừng chờ đợi đến khi hoàn hảo mới bắt đầu, hãy bắt đầu để trở nên hoàn hảo hơn. Số hóa dữ liệu, ứng dụng một công cụ AI đơn giản, xây dựng một kênh TikTok cho doanh nghiệp, hay đơn giản là học cách đặt câu lệnh (prompt) hiệu quả cho ChatGPT... tất cả đều là những bước đi đầu tiên trên hành trình chinh phục kỷ nguyên số.

Kim Oanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ai-nhu-co-xe-ferrari-nhung-doanh-nghiep-phai-hoc-cach-dieu-khien-192250709141643033.htm