Âm vang giai điệu hào hùng từ mùa thu lịch sử

Mỗi độ thu về, người dân Việt Nam lại xốn xang những cung bậc cảm xúc yêu thương xen lẫn tự hào khi nhớ về mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật, nhiều văn nghệ sĩ sáng tác những giai điệu, khúc ca hùng tráng phục vụ dân tộc, phục vụ Nhân dân.

Một ca khúc cách mạng do Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển biểu diễn. Ảnh: THIÊN LÝ

1. Ngày 7/9/1945, lần đầu tiên thính giả cả nước được nghe nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên. Đó là giai điệu của ca khúc Diệt phát xít, được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi sáng tác vào những ngày mùa thu lịch sử năm 1945.

Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi tâm sự: “Lúc bấy giờ, tôi họp hội nghị Văn hóa cứu quốc để viết báo cáo cho Đại hội Tân Trào. Đêm hôm ấy đi xe đạp về nhà, đi từ Dục Tú qua cầu Sông Cái, gió lộng. Tự nhiên nghĩ đến đất nước, trong đầu văng vẳng câu “Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam”... Thế là câu đầu xuất hiện trong bài Diệt phát xít là mấy câu ấy. Tôi viết rất nhanh ca khúc này. Viết xong tôi chép tay cho một người bạn, chứ không in ở đâu cả. Thế rồi Diệt phát xít cứ truyền miệng từ người nọ sang người kia, dần dần lan ra, thành bài hát khởi nghĩa của Hà Nội”.

Câu hát mở đầu, chất hành khúc như tiếng kèn đồng dõng dạc vang lên thúc giục đồng bào tham gia cách mạng: Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than. Các đoạn nhạc tiếp theo lại được nhạc sĩ phát triển trên cơ sở đan xen chất trữ tình da diết và bi tráng: Nào nhà tù, nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình/ Đồng bào tuốt gươm vùng lên/ Đã đến ngày trả mối thù chung/ Diệt phát xít, giết bầy chó đê hèn của chúng/ Tiến lên nền dân chủ cộng hòa/ Giành lại áo cơm tự do/ Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao, mau mau mau vai kề vai không phân già trẻ, trai hay gái/ Vác súng lên ta đi lên, ta tiến lên, ta diệt quân thù/ Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam/ Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm...

2. Nhắc đến ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng, không thể không nói đến Tiến quân ca của người nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. Theo hồi ký của nhà thơ, họa sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao), Tiến quân ca được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác mùa đông năm 1944 tại Hà Nội khi sự nghiệp cách mạng Việt Nam đang có những bước chuyển hết sức quan trọng hướng đến thời điểm lịch sử Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Sau đó, ca khúc được đăng trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập và ngay lập tức được sử dụng là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân cùng đứng vào hàng ngũ “Đoàn quân Việt Nam” để cùng “chung lòng cứu quốc” chuẩn bị tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Sau khi Ủy ban Dân tộc giải phóng được thành lập do Bác Hồ làm chủ tịch đã quyết định lựa chọn lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh là Quốc kỳ, chọn bài Tiến quân ca là Quốc ca. Tiếp đó, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió mùa thu, hàng chục vạn người dân Thủ đô đã đồng thanh hát vang bài Tiến quân ca trong niềm tự hào, phấn khích tột độ. Và trong giờ phút lịch sử trọng đại, dưới ánh Quốc kỳ và âm hưởng Quốc ca thiêng liêng, hùng tráng ấy, Bác Hồ đã thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi đất nước thống nhất vào năm 1975, ca khúc Tiến quân ca tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

3. Mười chín tháng Tám - ca khúc được xem là một dấu mốc về ngày khởi nghĩa của dân tộc với giai điệu hào hùng, tươi vui, dễ hát, lời ca dễ nhớ, thể hiện tinh thần lạc quan, khí thế đấu tranh sục sôi: Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét/ Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung/ Mười chín tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới/ Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng/ Máu pha tươi đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn...

Ngày 19/8/1945, nhạc sĩ Xuân Oanh hòa vào dòng người tham gia đấu tranh tiến về Bắc Bộ Phủ - Hà Nội. Khí thế sục sôi của dòng người đã tác động trực tiếp đến nhạc sĩ, thôi thúc ông ghi lại. Vậy là, ca khúc Mười chín tháng Tám được ra đời ngay trong thời điểm đó. Nhạc sĩ kể, khi ấy ông vừa đi vừa viết lời hát lên trên những mảnh giấy xé vội hoặc mảnh báo cũ, vỏ bao thuốc lá. Viết được dòng nào, ông hát lên cho mọi người cùng hát theo và đến chiều cùng ngày thì ca khúc hoàn thành và phổ biến rộng rãi. “Mười chín tháng Tám là sản phẩm của cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh của Nhân dân và xúc cảm của người dân mới được tự do tạo nên. Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày... vừa đi biểu tình tôi vừa nghĩ và cả lời lẫn nhạc từ đâu ào ạt đến trong tôi, bật ra một cách kỳ lạ” - theo cố nhạc sĩ Xuân Oanh.

4. Những khoảnh khắc thiêng liêng của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã được nhiều nhạc sĩ lưu lại trong những ca khúc cách mạng nổi tiếng, mà mỗi khi nghe lại, cả những người từng bước qua cuộc chiến và lớp hậu sinh đều cảm thấy tự hào về mùa thu lịch sử của dân tộc 78 năm về trước. Đó là những ca khúc tiêu biểu, như: Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu), Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên (Lưu Hữu Phước), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Phất cờ Nam tiến (Hoàng Văn Thái), Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu)...

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/306961/am-vang-giai-dieu-hao-hung-tu-mua-thu-lich-su.html