Ấn Độ cùng các nước Nam Á 'xắn tay' tìm kiếm chiến lược chung đối phó với dịch Covid-19

Ngày 15/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp các nhà lãnh đạo SAARC thông qua hội nghị trực tuyến để vạch ra chiến lược chung phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong khu vực.

Hội nghị trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo SAARC về đối phó với dịch Covid-19 được thực hiện theo sáng kiến của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: The Wire)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng với lãnh đạo và đại diện các quốc gia thuộc Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) chiều 15/3 đã tổ chức một hội nghị thông qua cầu truyền hình để đề ra một chiến lược chung nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19, đến nay đã khiến hơn 6.500 người tử vong trên thế giới.

Vai trò tiên phong của Ấn Độ

Tham dự hội nghị, ngoài ông Modi còn có Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih, Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli, Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về Y tế Zafar Mirza.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Modi nhấn mạnh, mặc dù tổng số ca nhiễm bệnh được báo cáo ở khu vực Nam Á là chưa tới 200 trường hợp, song các quốc gia cần duy trì cảnh giác. Khẩu hiệu của Ấn Độ trong đối phó với dịch Covid-19 là "luôn sẵn sàng nhưng không hoang mang".

Quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đã chủ động thực hiện các giải pháp như lập cơ chế phản hồi được phân loại, sàng lọc những người vào nước này và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng trên truyền hình, báo in và mạng xã hội. Ấn Độ đặc biệt nỗ lực trong việc tiếp cận các nhóm dễ bị tổn thương, tăng cường các cơ sở chẩn đoán và phát triển các giao thức cho từng giai đoạn quản lý đại dịch.

Hưởng ứng lời kêu gọi của các công dân nước này ở nước ngoài, Ấn Độ đã sơ tán gần 1.400 người Ấn Độ từ các vùng dịch khác nhau và cả công dân của các quốc gia láng giềng theo chính sách “láng giềng trước tiên”.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ đề xuất lập một quỹ khẩn cấp chống dịch Covid-19 và New Delhi sẽ đóng góp một khoản ban đầu trị giá 10 triệu USD.

Nhiều đề xuất hợp tác

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Ashraf Ghani nói rằng lỗ hổng lớn nhất của Afghanistan là biên giới mở với Iran. Ông đề xuất mô hình khuếch tán, tạo ra khung làm việc chung cho dịch vụ y tế qua điện thoại và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước láng giềng.

Cảm ơn chính phủ Ấn Độ hỗ trợ y tế trong việc chữa trị các ca nhiễm Covid-19 và giúp sơ tán 9 công dân Maldives khỏi Vũ Hán, Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih nhấn mạnh tác động tiêu cực của Covid-19 đối với du lịch trong nước nói riêng và nền kinh tế Maldives nói chung. Ông đề xuất hợp tác sâu sát hơn giữa các cơ quan y tế khẩn cấp của các nước, xây dựng gói cứu trợ kinh tế và kế hoạch phục hồi lâu dài cho khu vực.

Tổng thống Sri Lanka Gototti Rajapaksa khuyến nghị các nhà lãnh đạo SAARC hợp tác để giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông cũng đề nghị thành lập một nhóm cấp Bộ trưởng SAARC để chia sẻ các hoạt động thực tiễn tốt nhất và điều phối các vấn đề khu vực trong việc phòng chống đại dịch đang hoành hành trên toàn cầu.

Thủ tướng KP Sharma Oli thông báo cho các nhà lãnh đạo SAARC về các bước chống dịch Covid-19 của Nepal. Ông nói rằng trí tuệ tập thể và nỗ lực của tất cả các quốc gia SAARC có thể giúp đưa ra một chiến lược mạnh mẽ và hiệu quả để đối phó với đại dịch.

Cảm ơn Thủ tướng Modi đã chỉ đạo đưa 23 sinh viên Bangladesh trở về từ Vũ Hán cùng với các sinh viên Ấn Độ trong thời gian cách ly, Thủ tướng Sheikh Hasina đề nghị tiếp tục đối thoại ở cấp độ kỹ thuật thông qua hội nghị trực tuyến giữa các Bộ trưởng và Thứ trưởng Y tế trong khu vực.

Thủ tướng Sheikh Hasina (ngoài cùng bên trái) đề nghị tiếp tục đối thoại ở cấp độ kỹ thuật thông qua hội nghị trực tuyến giữa các Bộ trưởng và Thứ trưởng Y tế trong khu vực. (Nguồn: Dhaka Tribune)

Nhấn mạnh đại dịch không tuân theo ranh giới địa lý, Thủ tướng Bhutan, TS. Lotay Tshering cho rằng việc các quốc gia hợp tác quan trọng hơn bao giờ hết. Trong khi đó, đại diện Pakistan, TS. Zafar Mirza đề xuất Ban thư ký SAARC được ủy quyền thành lập một nhóm làm việc của các cơ quan quốc gia về thông tin y tế, trao đổi dữ liệu và phối hợp trong thời gian thực; đồng thời tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Y tế SAARC và phát triển các cơ chế khu vực để chia sẻ dữ liệu giám sát dịch bệnh trong thời gian thực.

Hội nghị thượng đỉnh trên có ý nghĩa quan trọng vì SAARC đã hầu như không hoạt động kể từ năm 2016. Thủ tướng Modi đã từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh SAARC 2016, theo kế hoạch được tổ chức tại Islamabad, tiếp sau vụ tấn công khủng bố Uri do các phần tử khủng bố Pakistan gây ra. Sau khi Bangladesh, Afghanistan và Bhutan cũng rút khỏi cuộc họp, hội nghị đã bị hủy bỏ.

Hội nghị thượng đỉnh SAARC được tổ chức hai năm một lần bởi các quốc gia thành viên theo thứ tự bảng chữ cái. Hội nghị thượng đỉnh gần nhất được tổ chức vào năm 2014 tại Kathmandu, Nepal.

Vinh Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-do-cung-cac-nuoc-nam-a-xan-tay-tim-kiem-chien-luoc-chung-doi-pho-voi-dich-covid-19-111599.html