Ấn Độ: hết thời dịch vụ IT?

Ngành dịch vụ công nghệ thông tin (IT) Ấn Độ phát triển chóng mặt trong vài thập niên qua nhờ đội ngũ lao động trẻ, thông minh, thành thạo tiếng Anh và... giá rẻ. Nhưng nay những thay đổi về công nghệ, thị trường và chính sách đang khiến hàng ngàn chuyên viên bị mất việc và đặt ngành này vào một tương lai bấp bênh!

Anh Sudhakar Choudhari vừa bị mất việc ở Công ty Tech Mahindra, thành phố Pune, Ấn Độ, đang tìm công việc làm mới. Ảnh: NYT

Mỗi buổi sáng như thường lệ, Sudhakar Choudhari đón xe buýt từ căn hộ một phòng ngủ ở ngoại ô thành phố Pune, tới trụ sở Công ty Tech Mahindra - nơi anh làm chuyên viên kiểm tra và bảo trì phần mềm cho các khách hàng Anh Quốc. Tech Mahindra là công ty Ấn Độ sử dụng rất nhiều nhân viên làm dịch vụ hỗ trợ ngành công nghiệp IT toàn cầu. Anh Choudhari, 41 tuổi, đã làm việc cho Tech Mahindra 10 năm, cho đến tháng trước, khi anh vừa đến chỗ làm thì viên quản lý gọi anh vào phòng họp và yêu cầu anh thôi việc. “Thật là một tin khủng khiếp đối với tôi. Con tôi mới 11 tuổi, vợ tôi thất nghiệp; làm sao tôi có thể trả tiền nhà?”, anh than thở. Tốt nghiệp đại học năm 1997, năm 2006 anh lập gia đình và mua nhà trả góp 20 năm, bây giờ anh không biết xoay xở thế nào với khoản tiền thưởng sau mười năm lao động chỉ có 3.200 đô la Mỹ, mà có thể đây là khoản thu nhập cuối cùng nếu anh không tìm được công việc mới.

Ở thủ đô New Delhi, P.R. Sujoy là kỹ sư phần mềm; một công việc mà cha anh - một công chức về hưu - lấy làm hãnh diện với họ hàng, nó cũng mang lại cho anh mức lương cao đủ để mua nhà trả góp và xây dựng gia đình. Sujoy nghĩ, cuộc đời anh là để viết phần mềm, cho nên khi công ty yêu cầu anh thôi việc, anh đã phản đối. Cuối cùng thì người ta sa thải anh, và Sujoy gia nhập hàng ngũ những chuyên viên IT bị mất việc và đối mặt với một tương lai bất định.

Ngành dịch vụ IT đóng góp khoảng 9,5% trong tổng sản lượng (GDP) của Ấn Độ, biến đất nước này thành văn phòng hỗ trợ (back-office) cho rất nhiều tập đoàn của châu Âu và Bắc Mỹ. Theo số liệu của báo The New York Times, dịch vụ IT và các hoạt động liên quan của Ấn Độ tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 150 tỉ đô la Mỹ, sử dụng khoảng 4 triệu lao động, chuyên biên soạn và kiểm thử phần mềm, nhập và phân tích dữ liệu, xây dựng và kiểm định trang web, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng cho các công ty phương Tây muốn tiết kiệm chi phí, trong một phương thức gọi là “offshoring”. Theo Quỹ Thương hiệu Ấn Độ (IBEF), 67% các công việc IT của thế giới được thuê thực hiện ở Ấn Độ vì ở đây có nguồn lao động nhanh, rẻ và tuân thủ đúng yêu cầu.

Với giới trẻ Ấn Độ, công việc trong ngành IT là nấc thang đưa tới tầng lớp trung lưu và giàu có; mỗi năm các trường đại học Ấn Độ đưa ra xã hội hàng trăm ngàn kỹ sư và cử nhân IT, nhiều người ấp ủ nguyện vọng làm việc suốt đời ở một trong những công ty dịch vụ IT hàng đầu như Tata Consultancy Services, Infosys hoặc Wipro, may mắn hơn thì được các công ty này tuyển dụng rồi đưa sang Mỹ làm việc theo diện người lao động có trình độ cao, thường gọi là chương trình visa H1-B. Cuộc cạnh tranh giành chỗ làm trong ngành dịch vụ IT đang trở nên rất khốc liệt, không chỉ với sinh viên mới tốt nghiệp mà cả với những người đã có nhiều năm kinh nghiệm.

* * *

Nhưng giờ đây, sau nhiều thập niên bùng nổ với tốc độ chóng mặt, tương lai của ngành dịch vụ IT Ấn Độ đang trở nên bấp bênh. Từ tháng 5-2017 đến nay, các hiệp hội công nhân đã báo cáo nhiều đợt sa thải bất thường ở hầu hết doanh nghiệp IT. Báo The Washington Post dẫn số liệu của Diễn đàn Người lao động IT (FITE) cho biết, trong vài tháng qua đã có khoảng 60.000 chuyên viên IT bị mất việc.

Các công ty IT và một số quan chức chính phủ nói rằng, con số này bị thổi phồng, song các chuyên gia trong ngành cảnh báo, dù tác động của việc sa thải hàng loạt chưa rõ ràng nhưng xu thế là rất đáng lo ngại. Mohandas Pai, một chuyên gia lâu năm trong ngành, dự báo đến tháng 9-2017 sẽ có khoảng 2% tổng số nhân viên của ngành bị sa thải, chủ yếu là để giảm những người không làm tốt nhiệm vụ. Một nghiên cứu năm 2015 do Hiệp hội quốc gia các công ty phần mềm và dịch vụ Ấn Độ (gọi tắt là Nasscom) phối hợp với McKinsey Ấn Độ thực hiện, cho biết đến năm 2020 sẽ có từ 50-70% kỹ năng của người lao động IT Ấn Độ không còn thích hợp nữa.

Trước những dự báo bi quan về triển vọng việc làm của ngành dịch vụ IT, Chính phủ Ấn Độ phải lên tiếng trấn an. Hôm 18-6 vừa qua, Bộ trưởng Công nghệ thông tin và điện tử Ravi Shankar Prasad tổ chức họp khẩn với lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành và sau đó họp báo để thông báo rằng, các công ty không sa thải người lao động mà ngược lại đang tiếp tục tuyển dụng. “Vấn đề trì trệ trong việc làm thực sự là không đúng. Tất nhiên, những người không làm tròn nhiệm vụ thì phải bị sa thải”, ông Prasad nói với báo The New York Times.

Nhưng những nhân viên IT bị mất việc gần đây không cho rằng họ không làm tròn nhiệm vụ. “Không phải chỉ người lao động phải chịu trách nhiệm. Giới chủ cũng phải có trách nhiệm”, anh Choudhari nói với The New York Times.

* * *

Thực tế, số việc làm giảm đi không có gì khó hiểu: ngành công nghiệp toàn cầu đang ngày càng dựa vào tự động hóa, robot, phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo - những công nghệ đe dọa sẽ vượt qua và thay thế người chuyên viên. “Những gì chúng ta đang chứng kiến là một sự tăng tốc trong việc giảm bớt công việc làm ở Ấn Độ và gia tăng việc làm tại chỗ ở nước ngoài. Những người Ấn Độ có kỹ năng hạn chế sẽ là người gánh chịu đau khổ”, Sandra Notardoanto, Phó chủ tịch nghiên cứu tập đoàn Gartner, nhận định.

Sự thay đổi chính sách ở Mỹ cũng có tác động mạnh đến thị trường lao động IT của Ấn Độ. Trước đây mỗi năm Mỹ dành khoảng 85.000 visa H1-B cho các công ty IT muốn đưa nhân viên nước ngoài đến làm việc ngắn hạn, phần lớn số visa này rơi vào tay ba công ty dịch vụ IT của Ấn Độ là Tata Consultancy Services, Infosys và Wipro. Do chương trình này có nhiều tai tiếng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định siết chặt việc cấp visa H1-B và thôi thúc các công ty IT tuyển dụng nhân viên ngay tại Mỹ thay vì đưa từ nước ngoài vào. Sau quyết định của ông Trump, số đơn xin cấp visa H1-B của các công ty IT Ấn Độ năm nay đã giảm khoảng 16%, theo The Washington Post. Trong chuyến viếng thăm Washington tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự định bàn với phía Mỹ nới lỏng quy định của chương trình visa H1-B để các chuyên viên IT Ấn Độ có thể sang Mỹ làm việc dễ dàng như trước, nhưng chưa rõ kết quả cuộc bàn bạc này sẽ ra sao trong bối cảnh ngay tại nước Mỹ, việc làm cũng đang ngày càng hiếm!

(Theo The New York Times, The Washington Post)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/161902/an-do-het-thoi-dich-vu-it.html/