An Giang kiến nghị gỡ khó trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản
Sáng 25/7, UBND tỉnh An Giang tổ chức cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giang Thanh Khoa chủ trì tại điểm cầu tỉnh An Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giang Thanh Khoa chủ trì tại điểm cầu tỉnh An Giang.
Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 cơ bản khắc phục được hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, thời gian qua khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh An Giang nói riêng, triển khai đồng loạt nhiều dự án, công trình quan trọng quốc gia, các dự án công trình APEC 2027 và các dự án đầu tư công của tỉnh dẫn đến thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng.
Trình tự, thủ tục cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định còn kéo dài; trong khi Luật Địa chất và Khoáng sản chỉ mới quy định áp dụng “cơ chế đặc thù” cấp phép khai thác đối với khoáng sản nhóm IV; trong khi khoáng sản nhóm III (cát lòng sông, hồ, khu vực biển; đá xây dựng) là nguồn nguyên, vật liệu chính cho các dự án, công trình nhưng chưa có “cơ chế đặc thù” cấp phép khai thác dẫn đến thiếu hụt nguồn vật liệu.
Tại cuộc họp trực tuyến, góp ý cho dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản, đồng chí Giang Thanh Khoa kiến nghị: Tại Khoản 7, Điều 1 dự thảo Nghị quyết “Đối với các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã cấp trước ngày 1/7/2025 thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh, nhưng chưa phù hợp với quy định của pháp luật được tiếp tục thực hiện việc thăm dò, khai thác khoáng sản theo giấy phép đã cấp và chỉ cung cấp cho các công trình, dự án, nhiệm vụ quy định tại Khoản 2, điều này”.
Ngoài ra, đồng chí Giang Thanh Khoa kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung: Đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp, chưa khai thác hoặc khu vực đấu giá thành, chưa được cấp giấy phép khai thác phù hợp quy định pháp luật nhưng do vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng thì được tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo. Khoáng sản khai thác chỉ cung cấp cho các công trình, dự án, nhiệm vụ quy định tại Khoản 2, Điều 1 và đơn vị được cấp phép phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo quy định.
Cho phép thực hiện cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các khu vực giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn hoặc bị thu hồi giấy phép, nhưng còn trữ lượng được thực hiện cấp phép theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, mà không phải thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ (tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường được chuyển tiếp cho đơn vị được cấp phép sau để thực hiện đóng cửa mỏ khi kết thúc dự án).