An ninh lương thực cần chính sách thiết thực

TS. Bùi TrinhCác báo cáo gần đây cho thấy thế giới đang phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn về an ninh lương thực.

Trong khi hầu hết các lĩnh vực đã phục hồi ở mức độ khác nhau sau đại dịch, tình trạng mất an ninh lương thực tiếp tục là vấn đề nan giải ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các khu vực có xung đột. Tình hình có vẻ nghiêm trọng đến mức Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 3.8 phải tổ chức phiên thảo luận về "Nạn đói và mất an ninh lương thực do ảnh hưởng của xung đột" với sự tham dự của đại diện hơn 80 nước. Đại diện Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu thông qua duy trì xuất khẩu gạo và các nông sản khác một cách ổn định, sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực do tác động của xung đột.

Hơn thế nữa, văn hóa của người Việt gắn liền với văn minh lúa nước. Dân tộc Việt Nam chuyên nghề trồng lúa, có lịch sử hàng nghìn năm chuyên cần, chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm. Người Việt sống bằng cách nương nhờ, tận dụng ưu thế tự nhiên dành cho mình. Môi trường tự nhiên tươi đẹp, phồn thịnh của một xứ nóng ẩm, mưa nhiều, đậm đặc yếu tố sông nước tự nhiên đã khiến người dân Việt lựa chọn nghề trồng lúa để sinh sống. Biết bao lần dân tộc trải qua phong ba bão táp của thiên tai, địch họa thì cây lúa đều là cứu cánh của dân tộc. Nhưng khi xã hội có vẻ phồn thịnh, người ta thường có thái độ “xem nhẹ” ngành nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng. Trong các báo cáo từ Trung ương đến địa phương, cơ cấu nhóm ngành nông nghiệp càng nhỏ và nền công nghiệp gia công càng lớn càng được coi là thành tích về chuyển đổi cơ cấu kinh tế! Biết bao cánh đồng lúa phì nhiêu nay đã thành sân golf, thành các khu công nghiệp, khu chế xuất - cơ bản làm gia công và các nhà cao tầng.

Nghiên cứu sử dụng bảng cân đối liên ngành nhằm nhìn lại một cách tổng quát vai trò của cây lúa trong nền kinh tế Việt Nam; vai trò của một ngành trong nền kinh tế không phải tỷ trọng giá trị tăng thêm của ngành đó trong GDP mà là mức độ lan tỏa của ngành đó đến các ngành khác của nền kinh tế trong mối quan hệ liên ngành. Một ngành được xem là ngành mũi nhọn là ngành có mức độ lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao và lan tỏa đến nhập khẩu thấp, nghiên cứu chỉ ra thóc là ngành có chỉ số lan tỏa về giá trị tăng thêm cao hơn mức bình quân của nền kinh tế (1,15) và có mức lan tỏa đến nhập khẩu thấp hơn mức bình quân chung của nền kinh tế (0,76 < 1). Trong khi đó, hầu hết các tiểu ngành trong nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp hơn mức bình quân chung nhưng lại lan tỏa mạnh đến nhập khẩu.

Trước tình hình rất đáng báo động về an ninh lương thực toàn cầu thì báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho biết, diện tích lúa năm 2022 ước đạt 7,1 triệu héc ta, giảm 127,7 nghìn héc ta so với năm trước do ngành trồng trọt tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu ngành… Cùng với đó năng suất lúa ước đạt 60,2 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với năm trước; sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, giảm 1,19 triệu tấn; trong đó, giảm 0,89 triệu tấn do giảm diện tích đất trồng lúa và giảm 0,3 triệu tấn do giảm năng suất.

Giữa lúc giá lúa gạo tăng cao dẫn đến tình trạng thu gom ồ ạt những ngày gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững; trong đó, đáng chú ý là Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa và bảo đảm mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo.

An ninh lương thực cần những chính sách cụ thể, thiết thực thật sự giữ vững sản lượng và diện tích đất cho lúa, không thể vẽ ra các dự án vì mục đích nào đó để thu hẹp đất cho trồng trọt.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/an-ninh-luong-thuc-can-chinh-sach-thiet-thuc-i339226/