An toàn cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng: Đề cao ý thức của mỗi người dân

Thời gian gần đây, phòng chống cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội là vấn đề cấp thiết, được nhiều người quan tâm. Bên cạnh việc chủ động tuyên truyền, tổ chức tốt các công tác phòng chống cháy nổ thì việc đề cao ý thức của mỗi người dân là vô cùng cần thiết.

Cháy nổ tại chung cư cao tầng còn phức tạp

Vừa qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra những vụ cháy chung cư, tòa nhà cao tầng chủ yếu do chập điện hoặc do sự bất cẩn của các chủ căn hộ. Các vụ cháy này đã được Cảnh sát phòng cháy chữa cháy kịp thời dập tắt nhưng vẫn làm nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Ðiển hình như một vụ hỏa hoạn đã xảy ra vào ngày 16/4 tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai (Thành phố Hồ Chí Minh). Ngay sau khi nhận tin báo, cán bộ chiến sĩ đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ những người còn kẹt lại trong chung cư ra ngoài an toàn.

Ý thức của người dân trong việc phòng chống cháy nổ vô cùng quan trọng (Ảnh: K.Tiến)

Ý thức của người dân trong việc phòng chống cháy nổ vô cùng quan trọng (Ảnh: K.Tiến)

Hay tại Hà Nội, ngay trong đêm 4/7 tại khu chung cư của Công ty TNHH Thực phẩm Thông Tấn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng đã xảy ra một vụ cháy, tuy nhiên, chuông báo cháy lại không hề hoạt động. Theo đó, một người dân đã phát hiện lửa bốc ra từ một căn hộ trên tầng 7, sau đó đã nhanh chóng báo lực lượng bảo vệ và cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Ngay lập tức, nhiều cảnh sát phòng cháy cùng hai xe cứu hỏa đã được điều động tới hiện trường. Tuy nhiên lúc đó, chủ của căn hộ này không có nhà, cửa khóa nên lực lượng cứu hộ đã phá khóa để thực hiện nhiệm vụ, khống chế nhanh chóng đám cháy nên không gây thiệt hại về người.Nguyên nhân ban đầu của vụ việc được cho là do chập điện tại bếp căn hộ tầng 7.

Thực tế cho thấy, tại một số chung cư, nhà cao tầng, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được coi trọng. Lấy ví dụ, tại quận Đống Đa, một số chủ đầu tư, ban quản lý tòa chung cư, nhà cao tầng còn lơ là trong công tác phòng cháy chữa cháy. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn quận có 101 nhà cao tầng, 38 chung cư. Công tác kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy là 145 lượt; xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với 16 trường hợp tại các chung cư, số tiền phạt là gần 34 triệu đồng. Về thực trạng đường giao thông phục vụ chữa cháy tại các chung cư, còn 4 cơ sở không đảm bảo; nguồn nước phục vụ chữa cháy vẫn còn 3 cơ sở chưa đảm bảo. Một số tòa chung cư chưa có biển hoặc sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm bố trí mặt bằng…

Bên cạnh đó, ý thức của người dân về phòng cháy chữa cháy ở các chung cư chưa cao; kỹ năng phòng cháy chữa cháy cũng chưa tốt. Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các hộ gia đình ít quan tâm đến những điều kiện an toàn phòng cháy và tự trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy nên khi xảy ra vụ cháy đã không cứu chữa kịp thời và hậu quả phát sinh thành các đám cháy lớn. Xuất phát từ tâm lý chủ quan trong sinh hoạt và việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, nên việc đảm bảo an toàn phòng cháy trong các khu dân cư còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Thượng tá Bùi Đăng Tuấn, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, đối với các tòa nhà chung cư, nguyên nhân cháy chủ yếu là cháy điện. Đang là mùa hè nắng nóng, vấn đề tiêu thụ điện của người dân tăng lên. Chính vì vậy vấn đề xảy ra sự cố cháy nổ, xảy ra chập điện tăng lên. Đặc biệt, các sự cố gia tăng là do ý thức phòng chống cháy nổ của người dân còn chưa cao, nhiều người có thói quen sử dụng các thiết bị điện chưa đúng cách. Ví dụ, mùa hè nóng nực, hầu như gia đình nào cũng sử dụng điều hòa, sau khi sử dụng xong, mọi người đều có thói quen sử dụng điều khiển để tắt nhưng không tắt aptomat. Trên thực tế, đây cũng là một trong số những nguyên nhân gây ra cháy nổ và mới đây là vụ cháy tại nhà dân trên đường Trần Cung (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm). Rất may khi vụ cháy xảy ra không có người ở nhà, cơ quan chức năng đến kịp thời nên không xảy ra thiệt hại lớn.

Tạo ý thức chấp hành luật phòng chống cháy nổ

Trên thực tế, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền phòng chống cháy nổ cho người dân sống tại các khu chung cư, nhà cao tầng. Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng đã được đổi mới, hướng tới nội dung thiết thực, phù hợp tình hình thực tế. Nhờ vậy đã tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của đơn vị, cơ sở và quần chúng nhân dân. Bằng chứng là theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hơn 60% số vụ cháy, sự cố, tai nạn đã được lực lượng cơ sở, nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh.

Thường tá Bùi Đăng Tuấn- Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Chúng tôi rất mong mọi người dân cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy. Chủ động tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và thoát nạn. Từ việc tìm hiểu đó sẽ giúp người dân nắm vững được kiến thức pháp luật, có nắm vững thì mới tạo được ý thức chấp hành luật và chủ động phòng chống cháy nổ xảy ra”.

Tại quận Đống Đa, công an quận đã xây dựng phương án tổ chức tập huấn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tham mưu Ủy ban nhân dân quận tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, xử lý thảm họa, tai nạn nghiêm trọng khi xảy ra cháy nổ, sập đổ nhà, công trình. Công tác tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy cũng được chú trọng hơn.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy quận đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường có nhà chung cư trên địa bàn tổ chức làm việc với Chủ đầu tư, Ban quản trị, Ban quản lý vận hành để triển khai hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; hàng ngày sử dụng hệ thống âm thanh thông báo, hệ thống màn hình quảng cáo được trang bị sẵn tại tòa nhà; tổ chức lớp tuyên truyền phòng cháy chữa cháy, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, đăng tải thông tin các công trình vi phạm; tổ chức thành lập lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ... Hiện nay, 100% các cơ sở đã thành lập đội Phòng cháy chữa cháy tại chỗ với tổng số 599 hội viên, trong đó 330/559 các đội viên đã được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy theo định kỳ.

Tại quận Bắc Từ Liêm, đơn vị cũng đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, tuyên truyền nhằm mục đích nâng cao kỹ năng, ý thức đảm bảo an toàn phòng cháy cho người dân. Tại các buổi tập huấn, cán bộ phòng cháy chữa cháy đều đưa ra khuyến cáo cho người dân sống tại các chung cư, nhà cao tầng trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong đó nhấn mạnh, người dân không nên dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong phòng; không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn; không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng nhấn mạnh, nếu như ý thức người dân chưa cao thì sinh sống ở bất cứ tòa nhà nào dù đầy đủ an toàn phòng cháy chữa cháy cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy. Vì thế việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật phòng cháy chữa cháy chính là vẫn đề mấu chốt. Bên cạnh đó, mỗi gia đình, cơ quan, doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, mỗi người phải biết sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ để khi phát hiện đám cháy nhỏ biết dập tắt, ngăn cháy thành ngọn lửa lớn.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/an-toan-chay-no-tai-cac-chung-cu-nha-cao-tang-de-cao-y-thuc-cua-moi-nguoi-dan-111528.html