Ánh sáng từ lớp xóa mù chữ

Dù khát khao học chữ nhưng một số người dân ở thôn A Sau, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, chưa thể thực hiện mong ước đó của mình. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong cuộc sống của bà con. Trước thực tế ấy, lớp xóa mù chữ miễn phí do Đoàn Thanh niên xã Lìa tổ chức được người dân địa phương ví là ánh sáng chiếu rọi vào cuộc đời mình.

Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lìa Hồ Thị Hương kiên trì dạy chữ cho phụ nữ thôn A Sau - Ảnh: T.L

Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lìa Hồ Thị Hương kiên trì dạy chữ cho phụ nữ thôn A Sau - Ảnh: T.L

Đến lớp ở tuổi xế chiều

Mấy tuần nay, tối nào nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A Sau cũng sáng đèn. Từ nhà sinh hoạt cộng đồng, những tiếng đọc i tờ vang xa khiến không gian tịch mịch của đại ngàn dường như rộn rã hơn. Âm thanh ấy báo hiệu lớp học do Đoàn Thanh niên xã Lìa tổ chức đã bắt đầu. Bà con ở đây tin rằng, lớp học sẽ mở ra cánh cửa mới với nhiều niềm vui cho những người chưa biết chữ hoặc tái mù chữ.

Lớp học thường bắt đầu vào lúc 19 giờ 30 phút hằng ngày. Vậy nhưng hôm nào anh Hồ Văn Tem (46 tuổi) cũng đến sớm. Có hai lý do khiến anh gương mẫu, thứ nhất là khát khao được học chữ trong anh Tem quá lớn; thứ hai là vì anh được mọi người tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. “Nếu mình không gương mẫu thì nói sẽ không có ai nghe. Mình sẽ cố biết đọc, biết viết thật sớm để phụ giúp cô kèm cặp các bạn khác trong lớp”, anh Tem hồn hậu nói.

Anh Hồ Văn Tem sinh ra và lớn lên ở đại ngàn phía Tây Quảng Trị. Trước đây, anh cũng được cắp sách đến trường nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên sự học của anh Tem sớm bị gián đoạn.

Theo thời gian và những vất vả, lo toan của cuộc sống, cái chữ trong đầu anh “rơi rụng” hết. Cách đây không lâu, anh Tem rời bản đi làm thuê cho một doanh nghiệp. Khi người ta đưa hợp đồng để anh ký xác nhận thì anh loay hoay như gà mắc tóc.

Nguyên nhân là vì anh không còn nhớ mặt chữ. Nhiều năm nay, anh Tem phải điểm chỉ thay vì ký tên. “Lúc đó, tôi vừa buồn cho chính mình, vừa xấu hổ.

Tôi nghĩ mình không thể mù chữ mãi được. Vì thế, khi nghe Đoàn Thanh niên xã Lìa vận động đi học chữ, tôi đã đăng ký ngay”, anh Tem kể.

Nhiều người dân thôn A Sau đã tìm được niềm vui từ lớp xóa mù chữ do Đoàn Thanh niên xã Lìa tổ chức - Ảnh: T.L

Nhiều người dân thôn A Sau đã tìm được niềm vui từ lớp xóa mù chữ do Đoàn Thanh niên xã Lìa tổ chức - Ảnh: T.L

Trong lớp học, chị Hồ Thị Dới đã “lên chức” bà. Cũng như anh Tem, động lực thôi thúc chị Dới đến lớp là sự ngại ngần mỗi lần điểm chỉ. Trước đây, vì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên chị không được thỏa ước mơ học chữ. Sau này, khi đỡ vất vả hơn, chị Dới lại ngại ngần khi nhắc đến sự học do tuổi đã lớn.

Mặt khác, chị cũng không biết phải đăng ký ở đâu, từ ai... Khi biết Đoàn Thanh niên xã Lìa mở lớp ở thôn A Sau, chị Dới rất mừng. Hôm nào, chị địu đứa cháu nhỏ sau lưng để đến lớp. “Các con đi làm ăn xa nên tôi phải ở nhà trông giữ cháu nhưng tôi không muốn mình bỏ lỡ việc học một lần nữa. Vì vậy, tôi địu cháu cùng đi học. Thật may là tôi được cô và các bạn khác trong lớp giúp đỡ rất nhiều”.

“Các bạn” là từ mà anh Tem, chị Dới dùng để chỉ 13 thành viên khác trong lớp xóa mù chữ. Mỗi thành viên trong lớp đều có một quan niệm sống, tính cách, hoàn cảnh riêng. Điểm chung của họ là đều mong muốn được học con chữ của Bác Hồ.

Từ những điều từng trải, ai nấy đều hiểu nỗi khó khăn khi không biết chữ. Vì thế, mọi người đều quyết tâm đi học dù phần lớn tuổi đã cao.

Để đi học, họ đều gạt qua bên sự ngại ngần; sắp xếp công việc nhà cửa, chăm sóc con cháu; tập làm quen với những thứ tưởng chừng rất dễ mà lại là thử thách đối với mình như cầm ngòi bút, viên phấn… Trong lớp, một số học viên tuy bị khuyết tật vẫn nỗ lực đều đặn đi học hằng đêm.

Thắp lên nguồn sáng

Người “khai sinh” ra lớp học mang lại niềm tin, hy vọng này là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lìa Hồ Thị Hương. Từ nhỏ, qua những lời dạy của ông bà, ba mẹ, Hương đã biết, nếu không có cái chữ, người Vân Kiều, Pa Kô sẽ lầm lũi, cực khổ mãi. Vì thế, cô gái vùng cao rất quyết tâm đến trường.

Thế nhưng, con đường chinh phục cái chữ của Hương không mấy thuận lợi. Có những thời điểm, các anh chị em trong nhà phải nhường giấc mơ đèn sách cho cô. “Nhà tôi có 8 chị em.

Tôi là người may mắn nhất khi được học hành đến nơi, đến chốn, rồi về làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lìa.

Thấy mình may mắn, tôi luôn tự nhủ phải góp sức, làm một điều gì đó để giúp những người mù chữ hoặc tái mù chữ”, chị Hương giãi bày.

Giờ lên lớp của “cô giáo” Hồ Thị Hương - Ảnh: T.L

Giờ lên lớp của “cô giáo” Hồ Thị Hương - Ảnh: T.L

Nói về việc mở lớp xóa mù chữ miễn phí, chị Hương chia sẻ, ý tưởng bắt đầu từ câu chuyện của chị gái mình là Hồ Thị Đời. Trước đây, chị Đời cũng được ba mẹ tạo điều kiện đến trường. Vốn chăm chỉ, chị là một trong những học sinh được thầy cô đặt nhiều kỳ vọng.

Thế nhưng, việc học của chị Đời phải tạm dừng vì những đứa em sau cũng cần cái chữ. Dẫu nghỉ học đã lâu nhưng khát khao tri thức vẫn mạnh mẽ trong chị.

Đến nay, dẫu đã 37 tuổi, phải vất vả lo cho người chồng ốm đau và đàn con thơ nhưng chị Đời vẫn mong muốn được đi học. “Khi nghe chị chia sẻ tâm tư, tôi đã nghĩ ngay đến việc mở lớp xóa mù chữ. Chị gái chính là học sinh đầu tiên của tôi”, Hương kể.

Dù từng là sinh viên sư phạm, chăm chỉ nghiên cứu, tìm hiểu và soạn giáo án rất kỹ trước khi mở lớp nhưng việc dạy xóa mù chữ vẫn là nhiệm vụ khó đối với Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lìa Hồ Thị Hương. Quen với cây cuốc, chiếc rựa nên khi cầm phấn, bút, phần lớn thành viên trong lớp đều lóng ngóng. Chuyện nhớ mặt chữ sau, quên mặt chữ trước là điều rất bình thường.

Vì thế, Hương phải rất kiên trì trong giảng dạy. Cô giúp mọi người biết mặt chữ trước, rồi chuyển sang học viết. Mỗi lần ai đó có sự tiến bộ dù rất nhỏ, Hương cũng không quên khen ngợi, động viên. Vì thế, không khí học tập trong lớp luôn phấn khởi, hào hứng.

Tuy mới được mở nhưng lớp xóa mù chữ miễn phí ở thôn A Sau đã mang lại rất nhiều niềm vui cho cả người học lẫn người dạy.

Theo chị Hương, các học viên đều đến lớp chuyên cần, đúng giờ, đầy đủ. Trong giờ học, hiếm ai nói chuyện hay làm việc riêng. Tất cả thành viên trong lớp đều có sự tiến bộ nhanh chóng. Đó chính là món quà ý nghĩa nhất mà mọi người dành cho Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lìa.

“Các cô chú, anh chị cứ hỏi tôi về chuyện học phí nhưng tôi luôn nói rằng, ở đây tôi chỉ dạy miễn phí. Học phí của tôi là niềm vui khi thấy mọi người biết chữ”, Hương bộc bạch.

Nói về dự định của mình, chị Hương cho biết sẽ tiếp tục theo lớp xóa mù chữ đến khi mọi người đọc thông, viết thạo. Sau này, nếu những người khác trong bản cần giúp đỡ, trong điều kiện có thể, cô sẽ mở những lớp mới.

Nở nụ cười ấm áp, chị Hương chia sẻ: “Tôi đã tìm thấy ánh sáng từ con chữ. Vì thế, tôi cũng muốn giúp mọi người sẽ tìm thấy nó”.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giao-duc/anh-sang-tu-lop-xoa-mu-chu/178525.htm