Anh triệu Đại sứ Pháp vì căng thẳng nghề cá leo thang

Chính phủ Anh cho biết đã yêu cầu hai tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh chuẩn bị sẵn sàng thực thi nhiệm vụ nếu căng thẳng với Pháp leo thang.

Chính phủ Anh hôm 28/10 cho biết đã triệu tập Đại sứ Pháp tại Anh, đồng thời ra lệnh cho hai tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh sẵn sàng hành động, trong bối cảnh tranh chấp nghề cá Pháp - Anh leo thang dẫn đến việc Pháp bắt giữ tàu cá của Anh trong đêm 27/10.

Tàu cá của Anh bị phía Pháp bắt giữ. Ảnh: The Guardian

Tàu cá của Anh bị phía Pháp bắt giữ. Ảnh: The Guardian

Trong tuyên bố đưa ra trong tối 28/10 (theo giờ địa phương) tại Anh, người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết, phía Anh quan ngại trước những lời lẽ đối đầu từ phía chính phủ Pháp và đã bày tỏ sự quan ngại này với cả chính phủ Pháp lẫn Ủy ban châu Âu, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Anh, bà Wendy Morton triệu tập Đại sứ Pháp tại Anh.

Cùng lúc, chính phủ Anh cho biết đã yêu cầu hai tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh chuẩn bị sẵn sàng thực thi nhiệm vụ nếu căng thẳng leo thang, dẫn đến việc các tàu cá của ngư dân Pháp phong tỏa các cảng của Anh, đặc biệt tại đảo Jersey.

Động thái này là bước leo thang căng thẳng tiếp theo trong quan hệ giữa Anh và Pháp sau khi trong đêm 27/10, phía Pháp bắt giữ một tàu đánh cá của Anh hoạt động tại vịnh Seine ở bờ biển vùng Normandie phía Tây Bắc của Pháp với lí do đánh bắt cá không giấy phép, đồng thời cảnh cáo một tàu cá khác của Anh. Đây được xem như sự trừng phạt của Pháp đối với việc chính phủ Anh hạn chế cấp giấy phép đánh bắt cá cho ngư dân Pháp trong vùng biển của Anh thời gian qua, theo như cam kết của phía Anh trong thỏa thuận Brexit.

Giải thích cho sự kiện này, trong ngày 28/10, Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, ông Clément Beaune cho rằng, nước Pháp phải hành động cứng rắn vì Pháp nhận ra rằng, “sức mạnh” là ngôn ngữ duy nhất mà phía Anh hiểu vào lúc này:

"Bây giờ cần phải nói chuyện bằng ngôn ngữ sức mạnh vì tôi sợ rằng, rất không may, là chính phủ Anh hiện nay chỉ có thể hiểu được ngôn ngữ này. Kể từ ngày 2/11, mọi thứ sẽ chấm dứt. Nếu họ muốn đàm phán thì chúng tôi sẽ đàm phán còn nếu không, các biện pháp trả đũa sẽ tiếp tục bởi không có lí do gì mà ngư dân Pháp không được đánh bắt cá trong vùng biển của Anh mà tàu cá Anh lại được cập vào cảng của Pháp. Tất cả các cảng của Pháp sẽ đóng cửa với các tàu cá của Anh”.

Không chỉ đe dọa tiếp tục các biện pháp trừng phạt nhằm vào phía Anh, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp cũng cảnh báo, “sẽ không có một lĩnh vực hợp tác nào giữa Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh có thể tiến triển nếu như hai bên không tái lập lại niềm tin và áp dụng một cách toàn diện những thỏa thuận đã ký".

Cũng trong ngày 28/10, Bộ trưởng phụ trách vấn đề biển của Pháp, bà Annick Girardin cũng kêu gọi Liên minh châu Âu hành động mạnh mẽ hơn để buộc Vương quốc Anh tuân thủ các cam kết đã ký, đồng thời cho rằng đây là một cuộc chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của ngư dân Pháp.

Đáp trả các phát biểu cứng rắn từ phía Pháp, Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice cho rằng các biện pháp từ phía Pháp là hoàn toàn không phù hợp và là điều mà nước Anh không chờ đợi từ một quốc gia đồng minh. Phía Anh cũng đã tuyên bố đáp trả xứng đáng với phía Pháp nhưng cho biết vẫn duy trì các kênh liên lạc để nắm rõ tình hình và hạ nhiệt căng thẳng.

Các tranh chấp nghề cá hiện nay khiến quan hệ giữa Anh với Pháp nói riêng và EU nói chung ngày càng trở nên căng thẳng và phức tạp, trong bối cảnh chính phủ Anh đang đe dọa hủy bỏ điều khoản Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit và quan hệ Pháp-Anh rạn nứt nghiêm trọng vì vụ việc Anh cùng Mỹ và Australia thành lập liên minh an ninh AUKUS khiến Australia đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp./.

Quang Dũng/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/anh-trieu-dai-su-phap-vi-cang-thang-nghe-ca-leo-thang-901283.vov