Anh vẫn hành quân...

Đầu tuần trước, đến dự lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989-6/12/2019) và Đại hội thi đua yêu nước Cựu chiến binh lần thứ VI, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những người lính Cụ Hồ một thời 'Xông pha lửa đạn, giữ quê mình/ Tuổi xanh hiến trọn cho đất nước/ Mong ước non sông được hòa bình'.

Hội viên cựu chiến binh xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang nghiệm thu tuyến đường giao thông nông thôn do Hội Cựu chiến binh đứng ra vận động quyên góp xây dựng vừa hoàn thành. (Ảnh: Tuệ An).

Mãi xứng danh bộ đội Cụ Hồ

Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cả nước có trên 4 triệu cựu chiến binh. Họ là những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, được rèn luyện qua thử thách, gian khổ và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc. Có những đồng chí từng tham gia các đội Tự vệ Đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ -Tĩnh năm 1930-1931, tham gia Đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, du kích Ba Tơ, nhiều đồng chí tham gia chiến đấu từ những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp, số đông trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Trong bối cảnh hòa bình, sự ra đời của Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989) là dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lực lượng cựu chiến binh để tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” phục vụ sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước trong thời bình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu. Là một đoàn thể của những người đã từng chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành trong khói lửa kháng chiến, là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, những cựu chiến binh khi xưa cống hiến máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày nay lại tiếp tục góp sức dựng xây đất nước.

Theo Chủ tịch Hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, 30 năm qua, các cấp Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức Hội được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, đã có gần 3 triệu hội viên được tập hợp, hoạt động có hiệu quả tại hơn 16.000 tổ chức Hội cơ sở xã, phường và các cơ quan thuộc Khối 487, đồng thời, Hội đã phối hợp với các đoàn thể, MTTQ Việt Nam tập hợp hơn 1,6 triệu cựu quân nhân vào sinh hoạt trong các câu lạc bộ cựu quân nhân.
Cùng với bề dày thành tích trong 30 năm qua, các thế hệ cựu chiến binh, mỗi người đã góp sức xây đắp nên truyền thống quý báu của Hội “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”. Nhiều cán bộ, hội viên đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hết lòng thương yêu giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp. Đến nay, Hội đã có hơn 8.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 1.329 hợp tác xã, 2.679 tổ hợp tác, 157.000 trang trại - gia trại do cựu chiến binh làm chủ, tạo công ăn việc làm cho hơn 800 nghìn lao động là cựu chiến binh, cựu quân nhân, con em cựu chiến binh và đóng góp, ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng làm công tác chính sách xã hội.

Đánh giá về hoạt động của Hội nói chung và đóng góp của các cựu chiến binh nói riêng, Thủ tướng cho rằng: Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có những bước phát triển vững chắc, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, làm tốt vai trò đại diện cho ý chí và quyền lợi của các cựu chiến binh, xây dựng nên truyền thống vẻ vang.

Thực tế, kể từ khi thành lập, Hội đã triển khai hiệu quả phong trào thi đua doanh nhân cựu chiến binh gương mẫu, sản xuất kinh doanh giỏi, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, nhất là các phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Nhiều cựu chiến binh sau khi rời quân ngũ không có điều kiện làm kinh tế thì tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của địa phương theo cách riêng của mình. Cũng có những cựu chiến binh trở về, làm việc trong các cơ quan, tổ chức và tiếp tục thể hiện tính tiên phong, bản lĩnh của người lính giữa đời thường nhiều cám dỗ.
Không những vậy, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hằng năm, các thành viên Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động xã hội từ thiện như trao nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đồng đội và nhà tặng hộ nghèo tại nhiều vùng miền trong cả nước.

Phải là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Ngay tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đề nghị: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các cựu chiến binh luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu trong mọi hoạt động, kiên quyết đấu tranh chống diễn biến hòa bình và các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tích cực chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo vệ chế độ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Rất nhiều cựu chiến binh đã tham gia các chương trình phát triển kinh tế, các hoạt động xã hội, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng, trở thành những doanh nhân thành đạt. Nhiều doanh nhân là cựu chiến binh được trao tặng danh hiệu Doanh nhân Tiêu biểu, Doanh nhân Tâm tài, Doanh nhân Văn hóa, đạt các giải thưởng Sao vàng Đất Việt, Cúp Vàng Thương hiệu… Nói thế là bởi, “đến nay, chiến tranh đã chấm dứt hơn 4 thập kỷ, một chặng đường dài đầy gian lao vất vả đã đi qua nhưng con đường hướng tới tương lai tươi đẹp, thịnh vượng của đất nước ta vẫn còn nhiều chông gai, thách thức”, Thủ tướng cho hay.

Trong hoàn cảnh ấy, những người cựu chiến binh trở về với đời thường nếu luôn giữ trong mình phẩm chất bộ đội Cụ Hồ thì sẽ là tấm gương sáng cho con cháu, cho những người xung quanh học tập không chỉ về lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà cả ý chí và nghị lực phấn đấu, vươn lên. Nhưng, nếu buông xuôi, nếu không giữ vững bản lĩnh chính trị, không giữ được tác phong người lính, kỷ luật trong quân đội, cựu chiến binh ấy sẽ không thể là một “cựu chiến binh gương mẫu” và nếu không cẩn thận sẽ trở thành một tấm gương không tốt cho thế hệ trẻ.

Cuộc sống đang vận động và biến đổi không ngừng, vì thế cũng đòi hỏi mỗi cựu chiến binh phải nỗ lực hơn nữa. Điều này nhiều cựu chiến binh đã làm tốt, thậm chí rất tốt, nhưng không phải không có những cựu chiến binh tỏ ra buông xuôi hay thoái chí, không giữ được bản lĩnh của người lính cách mạng, dù số đó không nhiều. Có lẽ, nhìn thấy những chấm đen dù chỉ rất nhỏ ấy có thể làm hỏng danh tiếng của cả một tổ chức những người con anh hùng đã từng vào sinh ra tử, nên Thủ tướng đã đề nghị ở cấp Hội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam phải luôn vững mạnh, tiêu biểu cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng của Nhà nước và của nhân dân. Mỗi cán bộ hội viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gương mẫu chấp hành và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và gia đình thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Còn với cá nhân từng cựu chiến binh “cần tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động ngăn chặn, đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động và âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, chủ động phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cựu chiến binh; phối hợp với các đoàn thể xã hội vận động nhân dân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; góp phần giải quyết các mâu thuẫn xã hội ngay từ địa phương, ngay từ cơ sở; không để cựu chiến binh bị lôi kéo, xúi giục tham gia các vụ khiếu kiện đông người, tụ tập biểu tình trái phép”, Thủ tướng nói.

Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam đúng vào dịp 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày hội Quốc phòng Toàn dân thật sự có ý nghĩa lớn, là dịp để các cựu chiến binh cùng nhau ôn lại truyền thống và để cựu chiến binh cùng nhau phát huy truyền thống đó lên, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước trong thời kỳ mới, trên mặt trận mới.

Mai Loan

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/anh-van-hanh-quan-tintuc455178