Ðánh vầnNgôi trường lặng lẽ xa xưaChuyện vui khi học đánh vần

Cô giáo dạy lớp 1 nói đang viết bài về phương pháp dạy học sinh đánh vần, tham gia dự thi vấn đề gì đấy, nên hỏi ngày xưa tôi học đánh vần thế nào. Tôi nói chuyện hơn nửa thế kỷ rồi, bây giờ phương pháp mới khác xa, phương tiện dạy - học hiện đại gấp nhiều lần, có gì để vận dụng! Cô bảo biết để so sánh.

Ðánh vần

Trường làng tôi học ngày ấy tường vôi, mái tranh, rất xa phố thị. Nhớ năm đó bão đổ vào, mái tranh tốc bay đi hết, bọn tôi phải nghỉ học, chờ người trong làng đốn tre, đánh tranh lợp mái xong mới đi học tiếp. Bảng viết là 5 tấm ván gỗ ghép lại, người trong làng lấy một loại vỏ cây gì đấy đem ngâm nước rồi sơn lên mặt ván có màu nâu đen. Đó là tôi giới thiệu ngôi trường ở làng dạy học sinh lớp vỡ lòng – chỉ 1 lớp thôi, những lớp sau lên trường xã để học. Đặc biệt là học sinh trong lớp khoảng hơn vài chục đứa, nhưng tuổi đời lại chênh lệch nhau quá xa, đứa nhỏ khoảng 7 – 8 tuổi, có đứa lớn đến 12 – 13 tuổi.

Thầy giáo dạy bọn tôi tuổi đã lớn, không qua trường lớp sư phạm nào. Thầy kết hợp song song vừa dạy tập viết vừa dạy đánh vần. Dẫu lâu rồi, nhưng ấn tượng đầu tiên với lớp học vỡ lòng đã in sâu vào trí nhớ khó quên. Hồi ấy tôi không có ấn tượng gì về khái niệm sách giáo khoa - chắc ở thành phố học sinh có sách, nhưng ở miền quê khi bọn tôi đến lớp chẳng đứa nào có sách, chỉ mang theo 2 cuốn vở với 1 cây bút chì. Nghe thế, cô giáo trẻ hơi ngơ ngác, sao gọi lớp vỡ lòng? Tôi nói “vỡ” ở đây có thể hiểu là bắt đầu hiểu ra, còn “lòng” là biểu tượng chỉ về mặt ý chí, tinh thần (*). Lớp vỡ lòng là lớp học chữ đầu tiên của đời người làm cho tâm trí bắt đầu mở ra để hiểu biết. Cô lại hỏi tiếp, không có sách giáo khoa lấy gì để học?

Đầu tiên, thầy thu hết vở học trò, viết mẫu vào 23 chữ cái (alphabet) theo thứ tự từ a đến y và 6 chữ nguyên âm thêm dấu: ă, â, ê, ô, ơ, ư. Sau đó thầy viết các chữ cái lên bảng, hướng dẫn học trò nhìn mặt chữ đọc theo thầy, dặn dò về nhà đọc thuộc các chữ cái theo thứ tự thầy ghi trong vở. Tôi nhớ riêng việc nhớ mặt chữ để học thuộc, có bạn sáng dạ học đâu 2 – 3 ngày, có bạn học cả tuần mới nhớ hết. Khi đến lớp, thầy gọi từng bạn đứng dậy đọc thuộc lòng, nhưng không đọc hết các mẫu tự, mà cho đọc nối tiếp, như bạn thứ nhất đọc từ chữ “a” đến “h”, thầy đập thước xuống bàn thì ngưng đọc, gọi bạn khác đứng lên đọc tiếp từ chữ “g” trở đi… hết bạn này đến bạn kia, lặp đi lặp lại nhiều lần như thế. Nhờ vậy mà lứa bọn tôi học thời ấy rất có lợi cho sau này. Khi tôi đi dạy, làm sổ điểm, lập danh sách học trò theo alphabet, chúng tôi nhớ vanh vách để xếp, hay tra từ điển mở tìm theo thứ tự alphabet cũng rất nhanh, chứ một số bạn giáo viên sau này không học theo kiểu ấy, rất lúng túng khi lập danh sách học sinh theo thứ tự a, b, c.

Thầy viết chữ lên bảng, hướng dẫn học sinh đánh vần, như chữ “an”, thầy đọc trước: “a anh nờ an”, chữ “ba”: “bê a ba”… Rồi đọc ghép dấu, như “ba” thêm dấu huyền, sắc, nặng, hỏi vào thành ‘bà, bá, bạ, bả…”. Mỗi buổi thầy viết chừng 10 chữ, hướng dẫn xong, phân công cho từng cặp, bạn này kiểm tra bạn kia đọc và ngược lại. Hôm ấy cả lớp đang kiểm tra nhau đọc, Mùi đứng dậy: Thưa thầy, thằng Tình đánh con. Thầy nói, gọi bạn, không gọi thằng, sao Tình đánh bạn? Dạ thầy, tại bạn học ngu. Thầy hỏi ngu thế nào? Tình nói, chữ “đã” mà Mùi cứ đọc “ã”. Thầy bảo Mùi đánh vần xem. Mùi đứng dậy: “Ê a a ngã ã”. Thầy bảo vậy là nói ngọng, chữ “đ” phát âm không chính xác (hồi ấy chữ “đ” đọc “đê” chứ không đọc “đờ” như sau này). Rồi thầy hướng dẫn lớp kiểm tra nhau cách phát âm. Cứ như thế, đứa nào cũng được làm thầy, từ đánh vần dễ đến đánh vần khó, rộn ràng vui lắm, thời gian ngắn thì đọc được, mà lại nhớ rất lâu. Đến lớp nghe thầy hướng dẫn rồi bạn bè tự học với nhau, chứ người dân quê tôi hồi ấy nông dân tay lấm chân bùn, bọn tôi về nhà chẳng có ai kèm cho học đâu, không có khái niệm dạy thêm học thêm.

Khi lớn lên, chiến tranh bùng nổ, phân tán mỗi người một nơi. Sau này nhìn lại, bạn bè trong lớp ấy, có người chết trận, hoặc ở lại quê nhà làm nông, có bạn làm giáo viên, cũng có người viết văn, và một bạn nghiên cứu ngôn ngữ học. Cô giáo ngồi lặng yên nghe tôi kể, rồi nói, phương tiện dạy học bây giờ thuận lợi lắm, nhưng dạy cách đánh vần để học sinh nhớ lâu vẫn còn lúng túng.

Võ Nguyên

(*) Từ điển Tiếng Việt – Viện khoa học xã hội Việt Nam – Viện ngôn ngữ học – Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992.

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/%C3%B0anh-van-132603.html