Áo xòe eo tưởng cũ kỹ lại thành xu hướng

Những chiếc váy, áo xòe rộng phần eo dần được công chúng và giới mộ điệu lăng xê trở lại trong năm 2023.

 Peplum đang xâm nhập trở lại vào đường đua xu hướng. Ảnh minh họa: Luca Tombolini.

Peplum đang xâm nhập trở lại vào đường đua xu hướng. Ảnh minh họa: Luca Tombolini.

Các sàn diễn mùa Xuân và mùa Thu năm 2022 đã chứng minh rằng xu hướng thời trang đang dần thay đổi. Tiêu biểu, phong cách từ những năm 2010 như colorblocking (phối màu nổi bật) hay gấu áo/váy bất đối xứng "sống lại" nhờ vào sự lăng xê của những nhà thiết kế như Valentino hay Giambattista Vailli.

Tại lễ trao giải Lựa chọn của Nhà phê bình Điện ảnh London (London Critics' Film Awards), nữ diễn viên Florence Pugh đã diện trang phục dạ hội màu đỏ của nhà thiết kế Robert Wun.

Bộ cánh này gợi nhớ đến peplum - một trong những xu hướng thời trang nổi bật nhất của thập niên 2010. Bên cạnh chân váy dài tối giản, phần thắt eo xòe bồng phức tạp giúp chiếc váy của Florence Pugh gây bão trên khắp các trang mạng xã hội.

Đồng thời, Lyst - nền tảng mua sắm thời trang toàn cầu - chứng kiến lượt tìm kiếm về phong cách peplum tăng 10% theo từng tháng so với năm 2022, Refinery29 đưa tin.

Trang phục peplum trong bộ sưu tập New Look trứ danh của Christian Dior. Ảnh: Serge Balkin/Vogue.

Trang phục peplum trong bộ sưu tập New Look trứ danh của Christian Dior. Ảnh: Serge Balkin/Vogue.

Lịch sử kéo dài

“Peplum” hay “peplos” là một từ tiếng Hy Lạp mang nghĩa “tunic” - áo dài thắt ngang lưng, Margaret O'Neill, nhà bảo quản hàng dệt may cho hay.

Chiếc áo khá tương tự trang phục của người La Mã và Hy Lạp xưa, vốn nổi tiếng với kiểu xếp lớp và gấp ở mép trên của váy.

Dù có nguồn gốc xa xưa, các nhà sử học về thời trang chủ yếu gắn liền peplum với thế kỷ 19. Đây là khoảng thời gian váy vóc được phối và tạo kiểu làm nổi bật vòng hông đầy đặn. Tuy nhiên, mọi người vẫn chưa gọi chúng là peplum vào thời điểm đó, O’Neill chia sẻ.

Khi nhắc về peplum vào năm 2010, rất có thể bạn sẽ liên tưởng ngay đến chiếc áo ba lỗ bằng vải cotton dày trông không khác gì sản phẩm kết hợp giữa áo ngực thể thao và sơ mi công sở.

Từ các buổi tiệc tùng cho đến giảng đường, mọi người phối kiểu áo này với chuỗi vòng cổ sặc sỡ, chân váy mullet và sandal chiến binh (gladiator sandal). Tổng thể trang phục gợi gu thẩm mỹ non trẻ, khác hẳn với phong cách thời trang peplum chúng ta thấy ngày nay.

Dù những màn tái xuất gần đây chưa thực sự ấn tượng, lịch sử phát triển của peplum có thể cho chúng ta thấy sự bền bỉ và khả năng bật lên của chúng.

Peplum ngày nay đa dạng và thường xòe/phồng ra ở phần eo. Ảnh minh họa: @jessicawang, @blaireadiebee.

Peplum ngày nay đa dạng và thường xòe/phồng ra ở phần eo. Ảnh minh họa: @jessicawang, @blaireadiebee.

Một trong những tài liệu đầu tiên sử dụng thuật ngữ “peplum” nằm trong số báo những năm 1860 của Lady Book, tạp chí dành cho phụ nữ ở Mỹ xuất bản từ năm 1830-1878. Trong đó, peplum được mô tả là bodice (một loại áo bó sát) với phần hông rộng hơn.

Ban đầu, peplum thường được gắn liền với chân váy ngoài (overskirt) may ở thắt lưng. Thiết kế này khác hẳn với phong cách hiện đại với phần peplum phồng đính ở áo, theo O’Neill.

Phải đến những năm 1930 và 1940, phiên bản peplum hiện đại mới trở nên phổ biến hơn. Lúc này, xu hướng mặc áo khoác ôm khít eo cùng chân váy trở nên thịnh hành nhờ vào bộ sưu tập New Look của nhà thiết kế Christian Dior. Từ đó, peplum trở nên nổi tiếng và được ứng dụng vào mọi thứ từ áo, váy cho đến suit.

Diễn viên Florence Pugh trong chiếc váy peplum đỏ bắt mắt của nhà thiết kế Robert Wun. Ảnh: Anthony Harvey/Rex/Shutterstock.

Diễn viên Florence Pugh trong chiếc váy peplum đỏ bắt mắt của nhà thiết kế Robert Wun. Ảnh: Anthony Harvey/Rex/Shutterstock.

Chiếm lĩnh giới thời trang

Dù được nhớ đến như một trào lưu ăn mặc đường phố kỳ quặc hay phong cách thời trang lễ hội, peplum vẫn sở hữu một số ví dụ ăn mặc nổi bật vào đầu những năm 2010.

Khi đó, các thương hiệu như Jil Sander, Peter Pilotto và Alexander McQueen thành công với thiết kế đậm chất vị lai (futuristic) và hình học bằng kiểu váy xòe có đường cong, áo peplum in họa tiết 3D cùng váy peplum bất đối xứng.

Giờ đây, Givenchy là nhà mốt dẫn đầu xu hướng peplum. Tiêu biểu là bộ sưu tập mùa Xuân năm 2022 do Matthew Williams, Giám đốc sáng tạo của Givenchy, chịu trách nhiệm.

Điểm nhấn của bộ sưu tập này là những chiếc áo khoác peplum có khóa kéo cùng kiểu váy ngắn cúp ngực với các chi tiết xếp lớp khéo léo.

Bên cạnh đó, nhà thiết kế Christian Siriano tiếp cận peplum sành điệu hơn khi kết hợp âu phục với phần áo khoác có vạt bất đối xứng.

Nhà mốt Dior thì gợi nhớ đến bộ sưu tập New Look đình đám một thời. Tuy nhiên, hãng lựa chọn chân váy mini để phối cùng peplum trong lần trở lại này.

Các thiết kế ứng dụng peplum của hai thương hiệu Proenza Schouler (trái) và Christian Dior. Ảnh: Proenza Schouler, Christian Dior.

Các thiết kế ứng dụng peplum của hai thương hiệu Proenza Schouler (trái) và Christian Dior. Ảnh: Proenza Schouler, Christian Dior.

Proenza Schouler cũng đem peplum vào trong các thiết kế mùa thu năm 2022. Tiêu biểu, thương hiệu này tạo hình dáng peplum bằng những chất liệu tương phản trên kiểu váy không dây hay tạo độ phồng lên áo tay dài.

“Dù sở hữu không ít ý kiến trái chiều, vị trí của peplum trong lịch sử thời trang chứng minh rằng chúng sẽ còn tồn tại dài lâu. Thậm chí, tôi tự tin đánh giá chúng là kiểu trang phục kinh điển”, O’Neill cho hay.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ao-xoe-eo-tuong-cu-ky-lai-thanh-xu-huong-post1402365.html