Áp lực đồng trang lứa - nỗi ám ảnh của sinh viên trường top đầu

Nỗ lực học tập không ngừng để đạt được 'tấm vé vàng' và bước chân vào cánh cổng trường danh tiếng, thế nhưng không ít bạn sinh viên đã và đang phải cố gắng vượt qua nỗi ám ảnh mang tên 'Áp lực đồng trang lứa' (Peer Pressure).

Áp lực đồng trang lứa đến từ đâu?

Học tập và sinh hoạt giữa một tập thể toàn những cá nhân ưu tú đã vô tình đặt lên vai sinh viên các trường top đầu một áp lực khổng lồ. Chia sẻ cùng Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Trần Thùy Linh hiện đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành Kinh doanh thương mại bộc bạch: “Ngay từ buổi họp lớp đầu tiên mình đã thấy xung quanh toàn những bạn có profile rất đỉnh. Không chỉ điểm thi đại học cao mà có nhiều bạn đã sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như: IELTS, HSK, N1, N2,... Đến khi vào năm học, áp lực càng lớn hơn khi xung quanh mình có quá nhiều bạn giỏi giang, vừa năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa, vừa kiếm được nhiều tiền từ công việc làm thêm nhưng vẫn đạt học bổng nhiều kỳ,...”. Khoảng thời gian đầu, Thùy Linh đã phải đối diện với khủng hoảng tâm lý vì suy nghĩ rằng mình thật nhỏ bé và tìm nhiều cách để có thể theo kịp các bạn đồng trang lứa dù bản thân Linh không lúc nào thôi nỗ lực.

Trần Thùy Linh hiện đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành Kinh doanh thương mại.

Trần Thùy Linh hiện đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành Kinh doanh thương mại.

Giống với Thùy Linh, Kiều Phương Trang - sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học của Trường Đại học Y Hà Nội cũng đã phải trải qua khoảng thời gian căng thẳng như thế. Là sinh viên của một trường Y top đầu cả nước, học tập cùng với những “bác sĩ tương lai” xuất sắc, Trang rất sợ sẽ bị bỏ lại phía sau nếu như bản thân không cố gắng. Thậm chí, Trang đã chấp nhận đánh đổi thời gian ôn thi bằng những bữa ăn qua loa chỉ đủ để ngăn không cho cơn đau dạ dày kéo đến. “Vì tính cầu toàn và hay lo xa nên mỗi khi gần đến kỳ thi, mình bị stress, mất ngủ về đêm, đến khi ngủ được thì gặp ác mộng”, nữ sinh chia sẻ. Tính chất đặc thù của chuyên ngành với lịch học dày đặc ở trường, lịch trực ở bệnh viện cùng áp lực đồng trang lứa đôi khi khiến cô sinh viên trường Y kiệt sức và muốn bỏ cuộc.

Kiều Phương Trang - sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học của Trường Đại học Y Hà Nội.

Kiều Phương Trang - sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học của Trường Đại học Y Hà Nội.

Thùy Linh và Phương Trang không phải là những trường hợp cá biệt khi nhắc đến hiện tượng áp lực đồng trang lứa ở những sinh viên trường top đầu. Nhìn chung, hầu hết các bạn sinh viên này bị ảnh hưởng bởi những kỳ vọng có phần “áp đặt” đến từ xã hội. Khi nhắc đến danh xưng sinh viên trường đại học top đầu, người ta sẽ nghĩ ngay các bạn trẻ học giỏi, năng động, kiếm được nhiều tiền ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường,... Vô hình chung, những điều ấy khiến các bạn luôn phải gồng mình để thật thành công vì nếu thất bại sẽ bị xã hội cười chê.

Làm thế nào để chuyển hóa áp lực thành động lực?

Th.S NCS Nguyễn Thúy Quỳnh, Giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng trước hết, chúng ta không cần phải “xua đuổi” áp lực. Theo cô, chúng ta cần nhận ra nó, chấp nhận nó tồn tại như một lẽ dĩ nhiên trong hành trình trưởng thành của mỗi cá nhân. “Lần thứ nhất, áp lực có thể làm tôi gần như đổ ngã, nhưng lần thứ hai, lần thứ ba và nhiều lần sau đó chúng ta sẽ coi nó như một điều rất bình thường. Khi đi qua rồi, các em hãy thử nhìn lại áp lực đó mà xem, hóa ra nó không quá nghiêm trọng như mình vẫn tưởng đúng không?”, Thạc sỹ Tâm lý học Thúy Quỳnh nhắn gửi. Trong nhiều trường hợp, áp lực chính là lời nhắc nhở hữu ích đối với các bạn trẻ rằng nếu không bước tiếp, sẽ bị cuộc đời kéo lê. Điều quan trọng là cách mỗi cá nhân kiểm soát những cảm xúc tiêu cực mà áp lực gây ra, biến áp lực thành đòn bẩy cho động lực.

Thứ hai, cô Thúy Quỳnh khuyên các bạn trẻ hãy thực hành “tìm kiếm giá trị bản thân”. Giống như cơn bão rất lớn trên biển khơi luôn có một điểm trung tâm nơi sức gió mạnh nhất, vận tốc sóng lớn nhất người ta gọi là mắt bão, cô mong mỗi bạn trẻ nên tự tìm kiếm “mắt bão” của chính mình. “Điều gì là quan trọng nhất với em trong cuộc đời này? Những điều gì em làm tốt nhất? Những khoảnh khắc khiến em vui vẻ, hạnh phúc nhất là khi nào?” Khi trả lời được những câu hỏi đó, việc cần làm là tập trung biến nó thành sự thật. Nếu sức mạnh của bản thân đủ lớn, mọi sóng gió rồi sẽ sớm qua đi”, cô chia sẻ.

Theo Th.S NCS Nguyễn Thúy Quỳnh, Giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: "Nếu sức mạnh của bản thân đủ lớn, mọi sóng gió rồi sẽ sớm qua đi"

Theo Th.S NCS Nguyễn Thúy Quỳnh, Giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: "Nếu sức mạnh của bản thân đủ lớn, mọi sóng gió rồi sẽ sớm qua đi"

Điều cuối cùng, để các bạn trẻ có thể bình tâm dù xung quanh có rất nhiều người xuất sắc, cô gợi ý: Hãy tập trung vào mục tiêu phát triển bản thân thay vì nhìn sang thành công của mọi người.So sánh cảnh quay hậu trường của mình với ánh đèn trên sân khấu của người khác sẽ rất dễ khiến người trẻ rơi vào trạng thái tự ti, hoài nghi về bản thân. Tuổi trẻ với nguồn năng lượng dồi dào nhất là lúc bạn trẻ phải xác định mình phải học thêm điều gì, cần phát triển kỹ năng cần thiết nào để con đường sự nghiệp của chính mình trong tương lai được thuận lợi hơn. Vậy nên, cô mong rằng “Chúng ta không nên lãng phí thời gian vào việc ngắm nhìn thành công của người khác, nếu có ngắm nhìn thì cũng phải tự giật mình quay trở lại thực tại: Tôi đang ở đâu và tôi muốn đến đâu!”.

May mắn hiểu được điều này, cả Thùy Linh và Phương Trang đã có thể thoát ra khỏi vòng xoáy của sự tiêu cực khi ngừng so sánh bản thân với bạn bè xung quanh và đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể, thực tế. Linh và Trang đã tìm lại được sự vui vẻ và nhiệt huyết trên hành trình theo đuổi ước mơ dù con đường ấy vẫn còn nhiều lắm những chông gai.

Phi Yến

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ap-luc-dong-trang-lua-noi-am-anh-cua-sinh-vien-truong-top-dau-post1572645.tpo