ASEAN đoàn kết trong thời kỳ dịch bệnh

Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội vào cuối tuần trước, với sự tham dự của nhiều quan chức trong và ngoài nước, là một khoảnh khắc 'rất thú vị' đối với Việt Nam, nước đã thành công trong việc giảm thiểu sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19).

Nước chủ nhà Việt Nam đã vượt qua sự bất thường và tổ chức thành công một Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN trực tuyến, lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm của khối ASEAN. (Nguồn: Bangkok Post)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tràn đầy niềm tin khi phát biểu khai mạc hội nghị, được truyền hình trực tuyến đến các nhà lãnh đạo ASEAN, trong đó một số quốc gia vẫn đang trong tình trạng phong tỏa một phần.

“Vinh quang” phải dành cho Chủ tịch ASEAN hiện tại vì đã vượt qua sự bất thường và tổ chức thành công một Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN trực tuyến, lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm của khối này. Điều đó đã chứng minh khả năng điều chỉnh, và khắc phục, bất kỳ diễn biến bất ngờ, khó lường nào ở cả trong khu vực và trên toàn cầu.

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã tăng cường hơn nữa tính trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN. Ở cấp độ toàn cầu, đại dịch này đã nới rộng sự chia rẽ giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc xung đột của hai cường quốc đã vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại và lan sang các lĩnh vực khác, để lại những hậu quả sâu rộng cho phần còn lại của thế giới theo những cách không thể tưởng tượng được. Do đó, ASEAN bắt buộc phải cùng nhau đối mặt với những thách thức do những cú sốc bên ngoài gây ra.

May mắn thay, ASEAN tiếp tục có một sức mạnh tập thể và có thể thu hút các quốc gia cùng nhau làm việc và giảm bớt các cuộc đối đầu. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ASEAN đã có thể lôi kéo các đối tác đối thoại trong việc thúc đẩy hợp tác cần thiết để ngăn ngừa và giảm thiểu dịch bệnh. Khối này đã tổ chức các hội nghị trực tuyến ở trong và ngoài khu vực, với ba nước khác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, ASEAN đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các đối tác của mình ở Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nga. Các Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và Australia cũng đã tổ chức một hội nghị trực tuyến thảo luận về dịch Covid-19.

Tổ chức này hy vọng rằng thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), các đối tác đối thoại sẽ có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực lựa chọn để thúc đẩy sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi thông qua các sáng kiến do ASEAN dẫn dắt.

Do đại dịch Covid-19, những thách thức mới liên quan đến an ninh y tế, con người và lương thực cũng đã xuất hiện. Điều đó giúp giải thích tại sao các nhà lãnh đạo ASEAN ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do và cởi mở và hội nhập kinh tế khu vực. Họ hy vọng sẽ ký một hiệp định đối tác kinh tế khu vực với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand vào tháng 11/2020.

Mặc dù Hội nghị Thượng đỉnh lần này tập trung vào tác động của Covid-19 và làm thế nào để tất cả các thành viên ASEAN có thể làm việc cùng nhau để giảm bớt tác động và sống trong điều kiện “bình thường mới”, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thảo luận các vấn đề tác động đến môi trường chiến lược khu vực như xung đột Biển Đông, cuộc khủng hoảng Rakhine và tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.

Một số vấn đề can thiệp cũng đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận. Ví dụ, các thành viên ASEAN liên quan nhiều nhất đến xung đột Biển Đông - Việt Nam, Malaysia và Philippines - đã thảo luận các diễn biến mới nhất ở những vùng biển tranh chấp và bày tỏ hy vọng nối lại đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC), vốn đã bị gián đoạn bởi đại dịch.

Các cuộc đàm phán trực tiếp là hết sức cần thiết cho lần rà soát thứ hai của dự thảo giữa ASEAN và Trung Quốc. Bắc Kinh hy vọng COC sẽ được hoàn tất vào năm sau khi Brunei làm Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN hiện tại đã không nhắc đến “thời gian ấn định” cho việc kết thúc COC.

Hiện tại Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines đang cung cấp hỗ trợ nhân đạo, bao gồm nông nghiệp và giáo dục. Với việc nới lỏng lệnh phong tỏa và ngăn chặn sư lây lan của dịch bệnh, các hoạt động không ngừng nghỉ của Ban thư ký ASEAN và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho quá trình hồi hương và thúc đẩy phát triển ổn định.

Một vấn đề khác được Việt Nam quan tâm là Quỹ phòng chống Covid-19 của ASEAN, do Thái Lan đề xuất để đảm bảo rằng các thành viên ASEAN sẽ có thể có kinh phí khi cần thiết để chống đại dịch hiện nay và các đại dịch khác trong tương lai. Nhân dịp này, Thái Lan đã đề nghị đóng góp 100.000 USD cho Quỹ.

Một quan chức cấp cao của Thái Lan phụ trách các vấn đề ASEAN nói: "Điều quan trọng là để chứng tỏ rằng ASEAN có quyền sở hữu đối với kế hoạch này". Việc đóng góp là tự nguyện. Hàn Quốc đã cam kết đóng góp 5 triệu USD cho Quỹ phát triển ASEAN-Hàn Quốc hiện tại.

Covid-19 đòi hỏi cả 3 trụ cột của ASEAN - chính trị an ninh, kinh tế và xã hội văn hóa - phải phối hợp chặt chẽ hơn do tính chất xuyên suốt của chúng. Các nhà lãnh đạo đã giao nhiệm vụ cho tất cả các quan chức liên quan theo Hội đồng điều phối ASEAN để theo đuổi một khuôn khổ phục hồi toàn diện mà sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 tới.

Tuyên bố 8.550 từ đã được ban hành sau Hội nghị Thượng đỉnh đã nhấn mạnh rằng ASEAN tôn trọng và ủng hộ một trật tự quốc tế và khu vực dựa trên luật lệ, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế vốn đã được công nhận rộng rãi.

Từ nay về sau, ASEAN sẽ thúc đẩy quan hệ đối ngoại với tất cả các nước, tổ chức quốc tế để tăng cường hồ sơ quốc tế của mình. Hiện tại, cả Indonesia và Việt Nam đều là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Một văn kiện quan trọng khác được thông qua là Tuyên bố Tầm nhìn của lãnh đạo ASEAN về một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt qua thách thức và Duy trì tăng trưởng”. Văn bản dài 3.706 từ này tập trung vào các kế hoạch hành động của khối trong tương lai và hoàn thành một danh sách những việc phải làm cho sự hợp tác ASEAN trên khắp các lĩnh vực.

Thật vậy, tài liệu này nói rằng để ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, tất cả các thành viên phải đóng góp hết sức mình. Từ quan điểm của Việt Nam, khái niệm “gắn kết” và “chủ động thích ứng” có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vì một ASEAN gắn kết có thể đối phó hiệu quả và kịp thời bất kỳ thách thức nào, trong khi một ASEAN chủ động thích ứng sẽ củng cố hơn nữa sự gắn kết này.

(theo Bangkok Post)

Lan Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/asean-doan-ket-trong-thoi-ky-dich-benh-118587.html