ASEAN và các nước đối tác đẩy mạnh hợp tác quản lý dòng di cư

Trong nỗ lực chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hợp tác tích cực với các nước đối tác thực hiện các dự án và sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Các đại biểu tại Hội nghị về Chính sách quản lý di dân ASEAN+ vừa diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu tại Hội nghị về Chính sách quản lý di dân ASEAN+ vừa diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Việt Nam hợp tác tích cực, hiệu quả

Điều này được Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định tại Hội nghị về Chính sách quản lý di dân ASEAN+ vừa diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc do ông Hứa Cam Lộ, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc chủ trì.

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, hoạt động di cư quốc tế ngày càng có vai trò quan trọng, tác động đến sự phát triển của các quốc gia. Các nỗ lực của ASEAN và các nước đối tác sẽ thành công tốt đẹp, tiếp tục góp phần tăng cường, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước trên lĩnh vực quản lý di dân và xuất nhập cảnh ngày càng tốt đẹp, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Đánh giá về hợp tác quốc tế để quản lý dòng di cư, Thượng tướng Lương Tam Quang khẳng định, đây là chủ đề được các quốc gia đặc biệt quan tâm, ưu tiên tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác. Điều này có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết, góp phần vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, giao lưu nhân dân giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các quốc gia trong khu vực, đồng thời giải quyết có hiệu quả các thách thức trong phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép và các loại tội phạm xuyên quốc gia.

Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các đối tác ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để thực hiện các dự án và các sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Nổi bật trong đó, Việt Nam đã ký kết Hiệp định với Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người; Bản ghi nhớ về hợp tác quản lý xuất nhập cảnh giữa Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan quản lý di dân quốc gia Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm, các bên cũng vừa thống nhất và ký kết Kế hoạch triển khai cao điểm phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép để làm cơ sở triển khai hoạt động quản lý xuất nhập cảnh và phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vượt biên.

Cùng với đó, Việt Nam đã chủ trì hai dự án tổ chức Hội thảo ASEAN - Nhật Bản về ứng dụng công nghệ trong đấu tranh với tội phạm mua bán trẻ em và Hội thảo ASEAN - Trung Quốc về tăng cường hợp tác quốc tế truy bắt tội phạm truy nã. Các hội thảo này đã tiếp tục khẳng định cam kết hợp tác của Việt Nam với các nước trong đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động mua bán người và các loại tội phạm khác liên quan.

Mặt khác, Việt Nam cũng tham gia Diễn đàn xuất nhập cảnh Tokyo lần thứ hai cùng đại diện 18 cơ quan quản lý xuất nhập cảnh các quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về những khó khăn, thách thức mà các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên thế giới phải đối mặt và cùng nhau thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó và nâng cao hiệu quả hợp tác. Việt Nam cũng đã tích cực phối hợp trao đổi thông tin một cách có hiệu quả với cơ quan chức năng các nước thông qua hội đàm, công hàm, cuộc gặp nhằm xác định các đối tượng nghi vấn, tổ chức môi giới hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, xử lý các vụ việc trao trả, tiếp nhận công dân hai nước vi phạm pháp luật.

Thượng tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh, với tư cách là một thành viên tích cực của ASEAN, cùng vai trò và trách nhiệm của mình, Việt Nam luôn tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác, diễn đàn khu vực về vấn đề quản lý dòng di cư. “Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao cơ chế hợp tác mở rộng của Những người đứng đầu ASEAN về lãnh sự và xuất nhập cảnh (DGICM) với các nước đối tác, đối thoại để cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, quan điểm về quản lý di cư, góp phần quan trọng thúc đẩy di cư hợp pháp, nâng cao hiệu quả quản lý biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn người và đưa người di cư trái phép của các nước thành viên ASEAN cũng như của toàn khu vực” - Thượng tướng Lương Tam Quang khẳng định.

Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư

Các nước thành viên ASEAN không ngừng nỗ lực xây dựng một khuôn khổ hợp tác về lao động di cư trong khu vực và đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Điển hình trong đó là Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư được tất cả thành viên ASEAN ký kết từ năm 2017.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị về Chính sách quản lý di dân ASEAN+. Ảnh: TTXVN

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị về Chính sách quản lý di dân ASEAN+. Ảnh: TTXVN

Tất cả thành viên ASEAN chung ý chí theo đuổi tầm nhìn về một Cộng đồng ASEAN đùm bọc và chia sẻ, hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm, dựa trên luật pháp và có trách nhiệm xã hội, và trong đó thúc đẩy sinh kế và hạnh phúc của các dân tộc. Đồng thời tái khẳng định sự tuân thủ đối với các mục đích và nguyên tắc của ASEAN được đề cập trong Hiến chương ASEAN, đặc biệt tôn trọng và thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản cũng như các nguyên tắc dân chủ, pháp trị và quản trị tốt.

Thực tế trong những năm qua, các nước ASEAN đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di cư, cũng như tầm quan trọng và lợi ích của các hiệp định song phương và đa phương trong lĩnh vực này, cũng như khẳng định các trách nhiệm mang tính chia sẻ và cân bằng của các nước thành viên ASEAN để bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di cư và các thành viên của gia đình họ trong toàn bộ quá trình di cư.

Trên thực tế, tất cả thành viên ASEAN đều công nhận sự đóng góp của lao động di cư đối với xã hội và nền kinh tế của cả quốc gia phái cử và tiếp nhận của ASEAN; công nhận chủ quyền của các nước thành viên ASEAN trong việc xác định chính sách di cư của mình liên quan đến lao động di cư, bao gồm cả việc quyết định việc nhập cảnh vào và xuất cảnh từ lãnh thổ của họ và các điều kiện để lao động di cư có thể ở lại.

Mặt khác, ASEAN công nhận trách nhiệm của các bên liên quan trong toàn bộ quá trình di cư trong việc tuân thủ pháp luật, quy định và chính sách của quốc gia phái cử và tiếp nhận. Đồng thời nhận thức những quan ngại chính đáng của quốc gia tiếp nhận và phái cử đối với người lao động di cư, cũng như sự cần thiết phải có chính sách di cư phù hợp và toàn diện về lao động di cư trong phạm vi quyền tài phán của họ, bao gồm cả những người môi giới lao động; công việc cần phải giải quyết các trường hợp lạm dụng và bạo lực đối với người lao động di cư bất cứ khi nào có những vụ việc như vậy xảy ra.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/asean-va-cac-nuoc-doi-tac-day-manh-hop-tac-quan-ly-dong-di-cu-post463331.html