Azerbaijan - Vùng đất hội tụ tứ đại nguyên tố

Azerbaijan không chỉ có ngọn lửa vĩnh cửu nổi danh, ở đây còn có những nơi kỳ lạ bởi các kỳ quan được kiến tạo đặc biệt, hội tụ đầy đủ cả đặc tính của Đất - Nước - Khí - Lửa.

Những ai từng biết đến Baku (thủ đô của Azerbaijan) hẳn sẽ hình dung trước tiên tới tòa cao ốc hình ngọn lửa Flames Tower, biểu tượng “I love Baku” tại Trung tâm văn hóa Heydar Aliyev hoặc khu bảo tồn về kiến trúc và lịch sử Ichart Shahar.

Azerbaijan hay được nhắc tới với biệt danh vùng đất lửa vì có những ngọn lửa không tắt, nhưng với tôi, Azerbaijan không chỉ có vậy. Đất nước này còn có những nơi kỳ lạ bởi các kỳ quan được kiến tạo đặc biệt, hội tụ đầy đủ cả đặc tính của Đất - Nước - Khí - Lửa, bốn nguyên tố cơ bản cấu thành nên vũ trụ.

Là quốc gia nằm tại khu vực Tây Á và thuộc vùng Kavkaz của lục địa Á-Âu, Azerbaijan là cái tên khá xa lạ với người Việt và cũng không phải là địa điểm ưu tiên của cộng đồng những người trẻ đam mê du lịch ở Việt Nam.

Vào đầu tháng 10/2023, tôi đã có chuyến đi đến một số quốc gia ở vùng Kavkaz, thăm thú đất nước Azerbaijan mà chủ yếu là dành thời gian xung quanh thủ đô Baku và khu vực lân cận.

Những hoạt động địa chất thú vị của Đất

Kavkaz không chỉ có những ngọn núi lửa phun trào magma nóng chảy, mà còn có khoảng hơn 700 núi lửa trầm tích, hay còn gọi là núi lửa bùn, mà một nửa trong số đó nằm ở Azerbaijan. Đây cũng là quốc gia có số lượng núi lửa bùn nhiều nhất thế giới.

 Azerbaijan có số núi lửa bùn nhiều nhất thế giới. Ảnh: Saru.

Azerbaijan có số núi lửa bùn nhiều nhất thế giới. Ảnh: Saru.

Núi lửa bùn thường được tìm thấy ở các đới hút chìm - nơi mà hai mảng kiến tạo chuyển động theo hướng va hút nhau, gây ra động đất, sóng thần và những đợt phun trào dữ dội.

Do đó, núi lửa bùn chủ yếu xuất hiện trong vành đai của dãy Alpine-Himalayan (vành đai Alpide), Thái Bình Dương và Trung Á, tại hơn 30 quốc gia (Colombia, Đảo Trinidad, Italy, Romania, Ukraine, Georgia, Azerbaijan, Turkmenistan, Iran, Pakistan, Indonesia, Myanmar, Malaysia, v.v...)

Khi có núi lửa bùn là có nguồn tài nguyên carbon hydrogen ở sâu dưới lòng đất, điều đó cũng có nghĩa là có rất nhiều tài nguyên dầu mỏ ở Azerbaijan.

Các nhà khoa học có thể sử dụng chúng để theo dõi các quá trình xảy ra bên dưới lớp vỏ Trái Đất. Hoạt động cổ xưa của núi lửa bùn đã được xác định trong các đơn vị địa tầng có độ tuổi khác nhau sâu thẳm dưới lõi địa cầu.

Những khu vực có núi lửa bùn xuất hiện, mặt đất mềm xốp, nhưng nứt nẻ và đóng vảy. Xung quanh là những ngọn đồi thấp có vẻ yên bình, nhưng khi bạn leo lên đến miệng, sẽ chứng kiến cảnh tượng Trái Đất như đang thở phập phồng trong dòng chảy “dung nham xám”.

Phần bùn trong miệng núi lửa có tên Breccia luôn ở nhiệt độ ôn hòa 22-23 độ C (72 F). Các bong bóng khí bao gồm dầu, nước và khí hóa học, trong đó phần lớn là khí metan. Khi tương tác với oxy trong khí quyển, metan sẽ tạo thành lửa. Trong hóa học, đây được gọi là “hỗn hợp nổ”.

Ở những núi lửa bùn đủ lớn ngoài khơi thường hay xảy ra các phụ nổ khí metan với một cột lửa cao 200-500 m. Chúng tạo thành các hòn đảo nổi lên, sau đó chìm xuống và trở thành một bãi cạn chìm trong nước.

 Khi leo lên miệng núi lửa bùn, bạn sẽ chứng kiến cảnh tượng Trái Đất như đang thở phập phồng trong dòng chảy “dung nham xám”. Ảnh: Saru.

Khi leo lên miệng núi lửa bùn, bạn sẽ chứng kiến cảnh tượng Trái Đất như đang thở phập phồng trong dòng chảy “dung nham xám”. Ảnh: Saru.

Những nghiên cứu của giáo sư Adil Aliyev, tiến sĩ Địa chất và Khoáng vật học kiêm giám đốc phòng thí nghiệm Núi lửa Bùn thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Địa chất, cho thấy các vụ phun trào thường diễn ra sau một trận động đất. Khi tâm chấn của trận động đất và núi lửa bùn nằm trong cùng một vùng đứt gãy và núi lửa đã không hoạt động trong nhiều năm, tích tụ đủ năng lượng, chúng sẽ “nổ tung”.

Các nhà địa chấn và địa chất có thể xác định các quá trình xảy ra trong lòng Trái Đất với sự hỗ trợ của những ngọn núi lửa bùn và khám phá một số điều mới lạ.

Nhờ mang theo nhiều nguyên tố vi lượng của lõi Trái Đất có giá trị, bùn Breccia chứa vanadi, mangan, lithium, boron, v.v, giàu các hợp chất hữu cơ, cũng như bromide, boron và iốt.

Đây là một trong những lý do khiến bùn núi lửa được sử dụng rộng rãi trong ngành thẩm mỹ, cũng như làm nguyên liệu thô để sử dụng trong sản xuất xi măng chất lượng cao, đất sét trương nở, gạch và viên thép. Nó cũng được sử dụng trong việc điều trị các bệnh liên quan đến hệ thần kinh, da và thấp khớp.

Vùng Nước bị cô lập mang lại tài nguyên dầu khí khổng lồ

Phía đông Azerbaijan giáp với Caspi - một vùng nước rộng lớn mang theo câu hỏi lớn: Caspi là biển hay hồ?

Nguồn gốc của vũng nước khổng lồ này thật khác thường. Nó là tàn tích thuộc vịnh phía bắc của một đại dương cổ đại mang tên Thetis, nơi từng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Khoảng 11.000 năm trước, do sự dịch chuyển của lớp vỏ Trái Đất, biển Caspi đã bị tách khỏi Địa Trung Hải và Biển Đen, và trở thành một hồ nước mặn bị cô lập tứ phía bởi các lục địa. Cái tên Caspi hay Caspian đều gắn liền với các bộ lạc Turkic cổ xưa đã sống trong quá khứ xa xôi trên bờ biển của nó.

Caspi không phải là một hồ nước ngọt, nước ở đây khá lợ. Cũng như tất cả hồ nằm trong đất liền, sự cân bằng nước của Caspi phụ thuộc vào lượng mưa, dòng chảy nước sông, mạch nước ngầm và sự bốc hơi. Những yếu tố này có liên quan trực tiếp đến hoàn lưu khí quyển. Con sông lớn nhất chảy vào biển Caspi là sông Volga từ lãnh thổ Liên bang Nga.

Do biến đổi khí hậu, bề mặt của nó thấp hơn các đại dương toàn cầu khoảng 28 m, và Baku của Azerbaijan là thủ đô thấp nhất thế giới, tọa lạc tại nơi có độ cao 28 m (92 ft) dưới mực nước biển.

Biển Caspi có thể được xem là hồ lớn nhất trên thế giới, với diện tích khoảng 386.000 km2, gấp 4,5 lần hồ lớn thứ hai trên thế giới là hồ Superior. Trữ lượng nước hồ của biển Caspi chiếm 40% tổng số hồ trên thế giới.

 Caspi - một vùng nước rộng lớn mang theo câu hỏi lớn: Caspi là biển hay hồ? Ảnh: Saru.

Caspi - một vùng nước rộng lớn mang theo câu hỏi lớn: Caspi là biển hay hồ? Ảnh: Saru.

Đường bờ biển của khu vực Azerbaijan thuộc Caspi là 825 km. Khoảng 40% dân số và các cơ sở công nghiệp của cả nước tập trung ở vùng ven biển.

Bờ biển Caspi và đáy biển của nó có nguồn tài nguyên dầu khí phong phú. Chính vì tranh cãi về nhận dạng của Caspi là "biển" hay "hồ", mà sự phân bố tài nguyên dầu khí của các quốc gia nằm dọc trên bờ biển này là không đồng đều. Nếu là hồ thì tài nguyên của nó sẽ được chia cho năm quốc gia, nếu là biển thì phải phân chia theo quy định của Công ước quốc tế về biển.

Dầu thô và khí đốt tự nhiên đã đóng một vai trò quan trọng trong địa chính trị của khu vực Caspian. Doanh thu từ hydrocarbon đã trở thành nguồn tăng trưởng kinh tế quan trọng cho các quốc gia giáp biển Caspi, trong đó có Azerbaijan.

Theo đánh giá thống kê tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới BP 2020 về năng lượng thế giới, vùng nước bị cô lập của Caspi đã mang về tổng trữ lượng năng lượng cho Azerbaijan đến 700 tỷ thùng dầu và 2.800 tỷ m3 khí đốt.

Các nước châu Âu và châu Á trở thành những người mua dầu chính của Azerbaijan, và Italy (26,2%) với Trung Quốc (14%) trở thành hai các nhà nhập khẩu dầu lớn từ Azerbaijan.

Caspi không phải là một biển hồ đồng nhất. Có ba vùng nước khác nhau được thống nhất trong địa phận biên giới của nó, mỗi vùng có đa dạng sinh học riêng.

Trước đây, nguồn lợi cá tầm của biển Caspi chiếm tới 90% nguồn lợi cá tầm của thế giới. Hiện nay, sản lượng cá tầm và trứng cá đen ở biển Caspian gần như sụt giảm do ô nhiễm và đánh bắt trái phép.

Các vấn đề sinh thái và ô nhiễm của Caspi là kết quả của sự phát triển kinh tế ở các nước trong khu vực. Một phần là do sự thoái hóa đất do đánh bắt quá mức và canh tác không bền vững. Những vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi Caspi đang trải qua sự suy giảm nghiêm trọng về mực nước. Vào cuối thế kỷ này, mực nước biển Caspi sẽ thấp hơn 9-18 m.

Điều đó có nghĩa là nó sẽ mất ít nhất 25% kích thước trước đây, để lộ ra 93.000 km2 đất khô. Con số này có diện tích bằng Bồ Đào Nha.

Những cơn Gió huyền thoại

Dãy núi Kavkaz đóng vai trò là rào cản tự nhiên ngăn ngừa khối khí lạnh từ miền Bắc và biển Caspi che chắn Azerbaijan khỏi không khí khô nóng của Trung Á vào mùa hè. Tuy nhiên, vào mùa đông khối khí lạnh tràn vào lãnh thổ của nước này từ phía bắc có thể gây ra các cơn bão hoặc tuyết rơi dày.

Trước khi trải qua nhiều thế kỷ thay đổi để mang tên gọi Baku ngày nay, thì vào thời cổ đại, thủ đô Baku có tên là Badkube. Trong tiếng Ba Tư, nó có nghĩa là “thành phố nơi gió thổi” bởi hai ngọn gió nổi tiếng Khazri và Gilavar.

Khazri là gió bắc.

Cơn gió mạnh nhất có thể đạt tốc độ 35-40 m/giây, mang lại sự mát mẻ trong mùa hè nóng bức. Gió thổi theo hướng Đông Bắc và Tây Bắc.

Khazri không đạt tốc độ cao trên đại lục, ngoại trừ trên bán đảo Absheron, nơi thường xuyên xuất hiện gió bão mạnh. Tốc độ của gió Khazri đạt đến mức tối đa trên các vùng ven biển. Điển hình vào ngày 29/11/2018, một cơn gió Khazri đã quật ngã khoảng 80 cây xanh, xé toạc hàng loạt các khung cửa sổ và mái nhà.

Gilavar là gió nam, là một cơn gió nóng.

Nó thổi theo hướng Đông Nam và Tây Nam, có tác dụng làm ấm vào mùa đông nhưng gây hại cho các hoạt động nông nghiệp vào mùa hè ở vùng đồng bằng Kur-Araz. Vào mùa hè, tốc độ Gilavar thay đổi từ 6-8 km/h đến 10-12 km/h, tuy nhiên, vào mùa đông và đầu mùa xuân, tốc độ Gilavar thay đổi từ 10-12 km/h và đôi khi lên tới 36-38 km/h.

Hai ngọn gió nổi tiếng này thường xuyên được lấy cảm hứng để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật huyền thoại mang chủ đề “Gilavar & Khazri - Cuộc đấu tranh giữa Thiện và Ác”.

Khazri lạnh lùng và thô bạo gắn liền với sự tiêu cực, còn Gilavar dịu dàng và mềm mại đại diện cho lòng tốt, tạo thành một hình ảnh biểu tượng trong thần thoại và tín ngưỡng của người Azerbaijan.

Ngọn Lửa bất diệt cháy 4.000 năm

Một số tài liệu lịch sử nói rằng vào thời kỳ đầu Trung cổ, trên bờ biển Caspi thường xuyên có những vùng đất bị cháy, thậm chí cả nước cũng bốc cháy.

Có lẽ nguồn lịch sử đầu tiên cung cấp thông tin về “ngọn lửa vĩnh cửu” trong khu vực đang cháy ngày đêm là nhà sử học Hy Lạp Priscus. Khi mô tả vùng Caucasian Albania (ngoại danh thời hiện đại cho một nhà nước nằm ở Kavkaz vào thời cổ đại, tại nơi ngày nay là miền tây Azerbaijan và nam Dagestan) vào đầu thế kỷ V, Priscus đã nói về “ngọn lửa bốc lên từ những tảng đá dưới nước”.

Xung quanh lãnh thổ Baku ngày nay có những địa điểm nổi tiếng được biết đến với hiện tượng tự nhiên độc đáo. Từ độ sâu của lớp vỏ Trái Đất, khí hydrocarbon đi lên bề mặt qua một lớp sa thạch xốp và bùng lên thành ngọn lửa dữ dội, tạo ra một cảnh tượng thú vị.

Được xây dựng trên một địa điểm thờ lửa cổ xưa, ngôi đền Ateshgah giống như một pháo đài nhỏ với hàng rào bằng đá và ánh sáng linh thiêng ở trung tâm.

Ngôi đền là nơi thờ cúng thời Trung cổ đối với người theo đạo Hindu, đạo Sikh và đạo Zoroastrian (Hỏa giáo). Ngọn lửa tự cháy cho đến năm 1969, việc khai thác khí đốt của Liên Xô lúc đó làm cạn kiệt nguồn dự trữ.

Nhiên liệu cho ngọn lửa đang cháy ngày nay phải được cung cấp từ đường ống dẫn khí đốt từ Baku để phục vụ du lịch.

Tuy nhiên, Yanar Dag là nơi duy nhất có ngọn lửa tự cháy cho đến ngày nay. Sườn đồi này rất giàu trữ lượng khí đốt với một vết nứt trên vỏ trái đất khiến khí thoát ra và cháy liên tục suốt 4.000 năm, bất chấp mưa giông, bất kể gió tuyết.

Màn trình diễn đáng kinh ngạc này giống như “cánh cửa địa ngục” ở Turkmenistan bên kia biển Caspi. Vào ban đêm, ánh sáng huyền hoặc của phản ứng cháy ở Yanar Dag thắp sáng rực rỡ một vùng đồi. Trải nghiệm ấn tượng nhất là vào mùa đông, khi tuyết rơi, những bông tuyết tan trong không khí mà chẳng bao giờ chạm đất.

 Vào ban đêm, ánh sáng huyền hoặc của phản ứng cháy ở Yanar Dag thắp sáng rực rỡ một vùng đồi. Ảnh: Saru.

Vào ban đêm, ánh sáng huyền hoặc của phản ứng cháy ở Yanar Dag thắp sáng rực rỡ một vùng đồi. Ảnh: Saru.

Những lưỡi lửa cũng bốc lên từ mặt suối nằm gần ngọn đồi. Vì vậy, những dòng suối này được gọi là Yanar Bulaq, dịch từ tiếng Azerbaijan là "dòng suối cháy".

Nước ở những nơi này đã bão hòa lưu huỳnh nên rất dễ bắt lửa, chỉ cần đánh một que diêm là đủ. Nhưng người dân địa phương không sợ suối, ngược lại, họ tin rằng nước suối có dược tính và tắm trong đó hàng giờ liền.

Ateshgah, Yanar Dag từng là trung tâm hành hương của những người Zoroastrian từ tiểu lục địa Tây Bắc Ấn Độ, những người tham gia giao thương với khu vực Caspian thông qua con đường Tơ Lụa cổ xưa nổi tiếng. Bốn yếu tố thiêng liêng trong niềm tin của họ là: Atoshi (lửa), Badi (không khí), Abi (nước) và Heki (đất).

Họ không tôn thờ lửa mà tôn thờ Đấng Tạo Hóa được biểu tượng bằng lửa - một “vật chất” hay một sự trừu tượng. Họ cho rằng ngọn lửa không thể dập tắt mang ý nghĩa thần bí và đến đó để thờ lạy thánh tích.

Ngày nay, ngọn lửa là biểu tượng bất diệt, đóng vai trò quan trọng của lịch sử và văn hóa Azerbaijan. Tòa tháp hình ngọn lửa Flames Tower trở thành biểu tượng nổi tiếng và ngọn lửa cũng in trên quốc huy của đất nước và được coi là báu vật quốc gia.

Nguyễn Lan Uyên

Nguồn Znews: https://znews.vn/toi-toi-quoc-gia-co-thu-do-thap-nhat-the-gioi-post1454835.html