Ba thập kỷ hợp tác và phát triển quan hệ quốc phòng Việt - Pháp

LTS: Năm 1991, một chương mới đã mở ra trong quan hệ Việt Nam-Pháp khi Pháp là nước phương Tây đầu tiên đặt Cơ quan Tùy viên Quốc phòng (TVQP) tại Việt Nam. Hai năm sau, Việt Nam cũng cử TVQP đầu tiên tại Pháp. Trải qua 30 năm, hợp tác quốc phòng (HTQP) giữa hai nước không ngừng được củng cố và trở thành một trong những trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Pháp.

Bài 1: Những “viên gạch” xây “bức tường” hợp tác

Việt Nam và Pháp có mối quan hệ với sự gắn bó mật thiết về lịch sử, văn hóa, xã hội. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển. Pháp là nước Tây Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (sau khi ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam năm 1973). Pháp cũng là nước phương Tây đầu tiên đặt Cơ quan TVQP tại Việt Nam vào năm 1991, mở ra một chương mới cho HTQP song phương.

Thiếu tướng Daniel Schaeffer, cố vấn của Bộ Quân đội Pháp, nguyên là TVQP Pháp đầu tiên tại Việt Nam. Ông kể với phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) rằng, vào thời điểm đó, cả Việt Nam và Pháp đều mong muốn bình thường hóa một cách toàn diện quan hệ ngoại giao. Chính vì thế hai nước đều ủng hộ việc thiết lập Cơ quan TVQP. “Không hề có tranh chấp giữa hai nước. Dù quan hệ hai nước có những lúc thăng trầm nhưng vẫn có một giai đoạn lịch sử chung. Chính từ giai đoạn lịch sử chung này, chúng ta cần xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa hai nước”, ông Daniel Schaeffer chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery ngày 24-5-2021 nhằm trao đổi thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Ảnh: PHƯƠNG LINH

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery ngày 24-5-2021 nhằm trao đổi thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Ảnh: PHƯƠNG LINH

Tháng 5-1991, ông Daniel Schaeffer đến Hà Nội để làm công tác chuẩn bị mở Cơ quan TVQP Pháp tại Việt Nam. Nhớ lại những ngày “chân ướt chân ráo” tới Hà Nội, Thiếu tướng Daniel Schaeffer cho biết, thuận lợi nhất là cả hai nước đều mong muốn thiết lập mối quan hệ HTQP song phương, vì thế ông được các cấp chính quyền Việt Nam chào đón nồng hậu. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Việt Nam mới bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, đời sống người dân còn khó khăn.

“Việc tìm một chỗ ở phù hợp với vai trò người đại diện quốc phòng của Pháp mất tương đối nhiều thời gian và cuối cùng dẫn tôi đến với Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc. Căn hộ ở đó đã được sửa sang với sự giúp đỡ của Văn phòng trợ giúp các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam. Một khó khăn khác nữa là nguồn cung cấp các nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hằng ngày. Dù đã tìm được tương đối nhiều thứ trên thị trường nhưng chúng tôi cũng vẫn phải tìm thêm nguồn bổ sung từ Bangkok (Thái Lan). Việc tiếp theo là phải thuê được ô tô trước khi tôi được nước Pháp cấp cho xe công vụ. Tài xế, ông Hanh, nói tiếng Pháp rất tốt và đặc biệt rất tỉ mỉ, cẩn thận, không chỉ đối với tôi mà còn cả với gia đình tôi nữa”, ông Daniel Schaeffer nhớ lại.

 Thiếu tướng Daniel Schaeffer. Ảnh: asie21.com

Thiếu tướng Daniel Schaeffer. Ảnh: asie21.com

Ngày 1-8-1991, TVQP Daniel Schaeffer tới chào xã giao lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và ngày này được đề xuất là thời điểm thiết lập quan hệ HTQP song phương Việt-Pháp. Trong nhiệm kỳ 4 năm ở Việt Nam, TVQP Daniel Schaeffer chưa bao giờ phải đối mặt với những lời lẽ thù ghét từ phía Việt Nam về thời kỳ Pháp chiếm đóng đất nước này, như lời ông chia sẻ với phóng viên Báo QĐND. Trong ký ức của vị tướng người Pháp, ông không bao giờ quên những người bạn Việt Nam như: Trung tướng Vũ Xuân Vinh, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng (trước đây là Cục Liên lạc đối ngoại/Bộ Quốc phòng), Thượng tá Vũ Tần (sau là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng), Đại úy Nguyễn Hồng Quân (sau là Thiếu tướng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng)-người nói tiếng Pháp hoàn hảo. Chính họ đã giới thiệu với ông về những nghi thức của Việt Nam, về hệ thống tổ chức của QĐND Việt Nam. Họ sẵn sàng đi cùng và hướng dẫn ông trong mọi chuyến thăm, chia sẻ quan điểm về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng.

Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng.

Năm 1993, Việt Nam thành lập Cơ quan TVQP đầu tiên tại Pháp. Kể từ đó đến nay, các lĩnh vực HTQP Việt-Pháp đã phát triển và tương đối toàn diện. Năm 2013, Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó thúc đẩy nhiều lĩnh vực như: Chính trị, quốc phòng, an ninh... HTQP hai bên đã có những bước tiến đáng kể.

Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng, từng là TVQP Việt Nam tại Pháp nhiệm kỳ 2017-2020, chia sẻ: “Nhiệm vụ của TVQP là cầu nối thúc đẩy quan hệ HTQP giữa hai nước. Chính vì vậy, bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, cũng như sự chỉ đạo sát sao của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Cục Đối ngoại cùng sự phối hợp của các cơ quan chức năng khác... tôi đã góp phần tham mưu về định hướng quan hệ quốc phòng với Pháp, xác định những điểm mạnh, những điểm đồng để hai bên có thể hợp tác và hợp tác hiệu quả; duy trì trao đổi thường xuyên với các cơ quan chức năng của Bộ Quân đội Pháp nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, nền tảng để thúc đẩy hợp tác song phương hiệu quả; phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các chuyến thăm, đặc biệt là chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quân đội Pháp”.

 Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng

Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng

Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng, trong lần trả lời phỏng vấn Báo QĐND trước đây đã nhấn mạnh rằng, cơ sở của mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp là đường lối chính trị đúng đắn, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, hài hòa giữa lợi ích quốc gia-dân tộc với lợi ích chung của khu vực, thế giới; là vị thế địa chiến lược, uy tín quốc tế của Việt Nam; là chính sách hòa bình, chính nghĩa, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết các vấn đề tồn đọng của lịch sử, cũng như trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ. Đẩy mạnh HTQP Việt-Pháp là phương thức có lợi cho cả hai nước về trước mắt và lâu dài. Đó là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Pháp bền vững, nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển của mỗi nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Thiếu tướng Daniel Schaeffer từng tốt nghiệp Trường Quân sự đặc biệt Saint-Cyr (Pháp) năm 1965, chuyên ngành đào tạo sĩ quan cấp cao về quan hệ quốc tế. Ông từng giữ cương vị TVQP Pháp tại Thái Lan (1986-1989), Việt Nam (1991-1995) và Trung Quốc (1997-2000). Tướng Daniel Schaeffer cũng từng đảm nhiệm các vị trí trách nhiệm khác nhau liên quan đến HTQP quốc tế (hậu cần, hợp tác quân sự, quản lý khủng hoảng, tình báo). Hiện ông là một trong những chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông. Ông từng là khách mời tham dự Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” do Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức năm 2014.

(còn nữa)

LINH OANH - BÙI THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/ba-thap-ky-hop-tac-va-phat-trien-quan-he-quoc-phong-viet-phap-667103