Ba Vị Tướng Quân khu 5

Kỷ niệm 75 năm thành lập Quân khu 5 (16-10-1945 – 16-10-2020), nhiều người lại nhớ cuộc hội ngộ 25 năm trước. Ba vị tướng Quân khu 5 thực sự khiến cán bộ chiến sĩ ngưỡng mộ về nhân cách đã cùng hội ngộ trong một khuôn hình cùng với các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng.

Kỷ niệm 75 năm thành lập Quân khu 5 (16-10-1945 – 16-10-2020), nhiều người lại nhớ cuộc hội ngộ 25 năm trước. Ba vị tướng Quân khu 5 thực sự khiến cán bộ chiến sĩ ngưỡng mộ về nhân cách đã cùng hội ngộ trong một khuôn hình cùng với các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng.

Trung tướng Phan Hoan (ngoài cùng bên trái), Trung tướng Nguyễn Huy Chương (thứ ba từ phải sang) và Trung tướng Tiêu Văn Mẫn (ngoài cùng bên phải) ở hàng đầu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Quân khu 5 (10-1995). Ảnh: Tư liệu

Trung tướng Phan Hoan (ngoài cùng bên trái), Trung tướng Nguyễn Huy Chương (thứ ba từ phải sang) và Trung tướng Tiêu Văn Mẫn (ngoài cùng bên phải) ở hàng đầu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Quân khu 5 (10-1995). Ảnh: Tư liệu

Chuyến chuyên cơ đặc biệt

Trung tướng Phan Hoan, Anh hùng LLVTND, quê Điện Bàn (Quảng Nam) nguyên Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 5 có 87 mùa xuân thật vinh quang.

Con cháu của ông kể lại rằng, trong chiến tranh ông có nhiều lần cận kề với tử thần như thế nào thì sau này cũng thế. Còn nhớ tháng 7-2005, khi ông bị tai biến mạch máu não, thập tử nhất sinh, trong hoàn cảnh Bệnh viện Quân y 17 không đủ điều kiện cứu chữa, các giáo sư Bệnh viên Quân đội 108 bảo phải đưa ra, nếu trễ chừng nào thì càng khó cứu chừng nấy. Vào thăm trong bệnh viện, đồng chí Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc bấy giờ đã chỉ đạo thành phố thuê ngay một chuyến chuyên cơ trị giá 150 triệu đồng để chở Trung tướng Phan Hoan ra Hà Nội. Một chuyến bay cứu nạn từ Sài Gòn đã điều khẩn cấp ra Đà Nẵng. Lúc đó đã 9 giờ tối. Trời sắp bão. Không thể chần chừ. Chuyến bay vẫn cất cánh. Phi công phải vòng vèo, chống chọi với cơn bão để đến được sân bay Nội Bài thì đã 1 giờ sáng hôm sau. Được cứu chữa và có thể ngồi xe lăn, thì một trận ốm chí tử lại quật ông. Nhưng một lần nữa ông lại vượt qua đến năm 2014.

Nhờ được tôi luyện trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng, có ý chí học hỏi không ngừng “không chỉ về quân sự, chính trị mà trong mọi lĩnh vực” nên Trung tướng Phan Hoan đã trở thành nhà quân sự có kiến thức khá toàn diện. Học vấn uyên thâm và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc đã giúp ông suốt 10 năm trên cương vị Tư lệnh Quân khu 5 (1987-1997). Đánh nhau từ chống Pháp, người ông đâu thiếu thương tích, nhưng ông không hề khai mình là thương binh, dù ông xác nhận thương binh cho hàng chục đồng chí của mình. Lạ đời nhất là cùng đi tham gia cách mạng tháng 1-1945 cho đến khi tham gia giành chính quyền cách mạng tháng 8 với người em trai, người em được công nhận cán bộ Tiền khởi nghĩa, ông chẳng hề kê khai cho mình. Để trả lại vinh dự cho ông, đồng đội đã nhọc công về H. Điện Bàn truy tìm giấy tờ, để đến khi ông mất được một ngày, Thành ủy Đà Nẵng đã có công văn ký quyết định công nhận ông là cán bộ Tiền khởi nghĩa.

Vị tướng mê hạt ươi

Cố Trung tướng Nguyễn Huy Chương (1926-2004) - nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 5, Bí thư Đảng ủy Quân khu là người mê hạt ươi kỳ lạ. Đến nhà ông lúc nào cũng thấy ông uống nước ngâm hạt ươi thay trà hằng ngày.

Vị tướng già nói rằng, hạt ươi còn gọi là ươi bay có nhiều ở Quảng Nam quê ông. Thời ấy, chưa nhiều người biết công dụng của hạt ươi, nhưng với ông, nước ươi là thần dược, vật bất ly thân. Nghỉ hưu, phải trải qua ca mổ tim hiểm nghèo ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhưng ông không hề nghỉ ngơi. Với uy tín của mình, Trung tướng Nguyễn Huy Chương thường xuyên được mời đi nói chuyện tại các cơ quan, đơn vị, các trường đại học. Có ngày, ông nhận lời đi nói chuyện, tọa đàm từ sáng đến tối không hề biết mệt. Có thể vì tình yêu quê hương sâu đậm nên ông hay “quảng cáo”: “Tôi cao tuổi rồi nhưng giọng nói lúc nào cũng sang sảng, khúc chiết... là nhờ hạt ươi!”. Ông giữ nhiều chức vụ không lương ở thành phố, tâm huyết như ngày nào chỉ huy các trận đánh. Ông đặc biệt dành nhiều thời gian cho công tác khuyến học từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh, thành phố.

Năm 2001, ông ra mắt hồi ký “Chỉ một con đường” thu hút sự quan tâm của công luận. 15 tuổi, ông tham gia cách mạng rồi bị địch bắt, tù đày. 19 tuổi đã là chủ tịch ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời làng Hương Quế (nay là xã Quế Phú, H. Quế Sơn), hai lần làm chính ủy Sư đoàn 2 thời điểm ác liệt nhất, với ông, lúc nào cũng “chỉ một con đường”. Đó là con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Đó là lý tưởng cộng sản cao đẹp, niềm tin không gì lay chuyển nổi vào tương lai của dân tộc.

“Tiểu xảo” ngày đầu binh nghiệp

Trung tướng Tiêu Văn Mẫn - Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 5, Bí thư Đảng ủy Quân khu, sinh năm 1933, ở Quảng Ngãi. Cuộc đời binh nghiệp của chàng trai Tiêu Văn Mẫn bắt đầu từ năm 1953 khi anh tròn 20 tuổi. Hành trang chữ nghĩa mới chỉ là biết đọc, biết viết, làm toán đơn giản qua các lớp bình dân học vụ ban đêm.

Công việc đầu tiên của tân binh Tiêu Văn Mẫn là… anh nuôi. Có lần trong cuộc hành quân, anh cùng người bạn được phân công mang mỗi người một cái nồi quân dụng to bằng cái mâm súng cối 120 ly. Để đỡ xấu hổ, anh nghĩ ra “tiểu xảo” lấy tấm ga bọc vào cái nồi để mọi người tưởng là đeo mâm pháo. Vậy mà đúng thật, ai cũng khen hai anh bộ đội trẻ, nhỏ con mà mang hai cái mâm pháo quá to. Bảy Mẫn và bạn nghe khen vô cùng phấn khởi.

Theo tiểu đoàn 375 tập kết ra Bắc, ông được đi học trường huấn luyện của Sư đoàn tại Nghệ An. Với kết quả xuất sắc, được nhà trường giữ lại làm cán bộ khung. Đi B, vào Tây Nguyên, Tiêu Văn Mẫn được thăng chức làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn và chỉ trong vòng mấy tháng anh đã lên 3 cấp. Tài bắn súng của anh, mọi người đều biết. Anh luôn có khẩu AK túc trực sẵn bên mình, gặp địch chiến đấu luôn. Anh đã được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ”, danh hiệu khá hiếm đối với cán bộ cấp tiểu đoàn bấy giờ.

Cả cuộc đời binh nghiệp gắn bó với các đơn vị chủ lực, về làm Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 5, lúc đầu Trung tướng Tiêu Văn Mẫn không khỏi bỡ ngỡ. Bằng trách nhiệm, ông đi sâu vào xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân vững mạnh. Qua kiểm tra, ông thấy đời sống cán bộ rất khó khăn. Mỗi lần đi phép từ Khu 5 về miền Bắc, lương chỉ đủ đi đường, không giúp gì cho vợ con. Ông đưa ra ý kiến đề xuất trong Bộ Tư lệnh quy hoạch lại các khu vực gia đình cán bộ, CNVQP. Như vậy sau khi tổ chức cấp đất, đã có hơn 1.000 gia đình ổn định nơi ăn ở, an cư lập nghiệp với hàng ngàn niềm vui lúc bấy giờ. Về hưu ông gia nhập “làng lính” Nam Đồng ở Q. Đống Đa, Hà Nội, làm việc không ngơi nghỉ với các cương vị: Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Hà Nội; Trưởng ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên B3 và Quân đoàn 3, Ủy viên BCH Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Ủy viên UBMTTQVN thành phố Hà Nội và chỉ nghỉ ngơi thật sự những năm gần đây. Có điều bận rộn với bao công việc nhưng lúc nào cũng thấy ông giản dị, khoan thai, phong độ, nụ cười luôn trìu mến trên gương mặt phúc hậu, ai gặp ông một lần là nhớ mãi.

Cuộc đời binh nghiệp sôi động và cao đẹp của các vị tướng Quân khu 5 thực sự là tấm gương sáng của các thế hệ trẻ hôm nay.

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_233050_ba-vi-tuong-quan-khu-5.aspx