Bắc Giang: Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông

Ngày 3/7, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh chủ trì.

Đồng chí Lê Ô Pích phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Lê Ô Pích phát biểu tại hội nghị.

Theo Ban ATGT tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, việc bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có sự tập trung quyết liệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới và Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.

Các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Ban ATGT tỉnh và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT. Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về TTATGT của các tầng lớp nhân dân.

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều dự án đầu tư trọng điểm, quy mô lớn về giao thông đang được triển khai. Công tác duy tu, bảo trì đường bộ, xử lý các điểm giao cắt tiềm ẩn mất ATGT được thực hiện thường xuyên, giao thông trên các tuyến cơ bản thông suốt.

Hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT được tăng cường, nhất là xử lý vi phạm nồng độ cồn, xử lý phạt nguội bằng camera giám sát. Lực lượng cảnh sát giao thông xử lý gần 24 nghìn trường hợp, thu nộp ngân sách 59,3 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe có thời hạn hơn 7.200 trường hợp. Thanh tra giao thông vận tải kiểm tra, xử lý 196 trường hợp vi phạm, xử phạt là 463 triệu đồng.

Tai nạn giao thông (TNGT) 6 tháng đầu năm 2023 giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 113 vụ tai nạn, làm chết 56 người, bị thương 73 người. So sánh với cùng kỳ năm 2022 giảm 7 vụ ( giảm 5,8%); giảm 9 người chết (giảm 13,8%); giảm 10 người bị thương (giảm 12%). Đường sắt và đường thủy không xảy ra TNGT.

Một số địa phương giảm TNGT như huyện Hiệp Hòa, Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Dũng...

Tuy nhiên, tình hình còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp; một số địa phương tăng số người chết do TNGT (huyện Tân Yên, Việt Yên, Lục Nam).

Công tác bảo đảm TTATGT trên một số tuyến đường khu vực khu, cụm công nghiệp tiếp tục diễn biến phức tạp tiềm ẩn xảy ra tai nạn (đường gom cao tốc khu vực các KCN Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu, Song Khê-Nội Hoàng...).

Hoạt động vận tải tiềm ẩn nhiều bất ổn, “xe dù, bến cóc” tiếp tục tái diễn, chưa được xử lý triệt để.

Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh nêu ý kiến.

Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh nêu ý kiến.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 3 người, bị thương 2 người, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước.

Để có được kết quả này, huyện tập trung phòng ngừa, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân. Chỉ đạo Công an huyện tăng cường tuần tra, xử lý các đối tượng vi phạm, nhất là thanh thiếu niên, các lỗi vi phạm về nồng độ cồn, giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển...

Thượng tá Ngô Quang Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh khẳng định, xử lý về TTATGT không có vùng cấm, không có ngoại lệ, là một trong những biện pháp quan trọng, hiệu quả nhất để hạn chế, ngăn ngừa vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng cảnh sát giao thông còn mỏng, phương tiện, thiết bị chưa bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ. Công tác phối hợp giữa cảnh sát giao thông với thanh tra giao thông và các lực lượng khác có lúc chưa chặt chẽ, cần tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về TTATGT; công khai các trường hợp vi phạm để tăng cường tính răn đe, hiệu quả tuyên truyền...

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ô Pích nêu rõ: Tình hình TTATGT những tháng cuối năm dự báo phức tạp hơn do nhu cầu đi lại của người dân lớn, các doanh nghiệp thu hút thêm nhiều lao động nên lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng lên.

Do đó cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhưng phải thay đổi phương pháp, hình thức để nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí, thiếu trọng tâm. Gắn xử lý vi phạm với tuyên truyền, tác động trực tiếp vào ý thức người tham gia giao thông.

Các địa phương và ngành chức năng rà soát lại toàn bộ các điểm đen, khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn để có biện pháp giải quyết dứt điểm, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu nếu không quyết liệt xử lý. Xem xét bố trí nguồn đầu tư các hệ thống kiểm soát tốc độ tự động trên các tuyến đường.

Các địa phương quan tâm giải tỏa hành lang giao thông, chú ý đến hệ thống giao thông nông thôn vì từ đầu năm đến nay có đến 19 vụ TNGT xảy ra trên tuyến đường liên thôn, liên xã.

Có thái độ kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ; không can thiệp, xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhất là đối với cán bộ, đảng viên. Kiên quyết xử lý các đối tượng thanh thiếu niên vi phạm tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, đi xe quá tốc độ...

Tin, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/an-toan-giao-thong/407670/bac-giang-kien-quyet-xu-ly-cac-truong-hop-vi-pham-trat-tu-an-toan-giao-thong.html