Bác Hồ với ngoại giao: Những quyết sách trong thời điểm sinh tử của dân tộc (Kỳ II)
Hội nghị Geneva và Hội nghị Paris, không trực tiếp tham gia nhưng Bác là tổng công trình sư, trực tiếp chỉ đạo từ việc lựa chọn nhân sự cho đoàn đàm phán, đến xác định mục tiêu, nguyên tắc, hoạch định các chiến dịch tấn công ngoại giao… dẫn đến thắng lợi cuối cùng.

Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneva 1954. (Ảnh tư liệu)
Hội nghị Geneva
Năm 1953, 1954, cả Liên Xô và Trung Quốc đều điều chỉnh chính sách đối ngoại, thúc đẩy hòa dịu Đông - Tây. Pháp tuyên bố ý muốn thương lượng để giải quyết vấn đề Đông Dương. Bác nói: “Triều Tiên cho ta thấy kinh nghiệm là phải đánh bao giờ cho đế quốc nó quỵ,… nó mới đàm phán… Đừng ảo tưởng” [1]. Bên cạnh nỗ lực trên chiến trường, Pháp chủ trương một hội nghị quốc tế gồm Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô và cả Trung Quốc để giải quyết vấn đề Đông Dương.
Tháng 11/1953, trả lời phỏng vấn của báo Expressen (Thụy Điển) về tình hình chiến tranh Đông Dương và cuộc thảo luận Quốc hội Pháp muốn dàn xếp hòa bình với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ lập trường của Chính phủ ta: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó... Cơ sở của đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam” [2].
Bác cũng nói rõ nguyên tắc: “…Nếu có nước trung lập nào muốn cố gắng xúc tiến việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam thì sẽ được hoan nghênh, nhưng việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Pháp” [3].
Ngày 18/2/1954, ngoại trưởng bốn nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp nhất trí triệu tập Hội nghị Geneva từ ngày 26/4/1954 để bàn về vấn đề ngừng bắn ở Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương với sự tham gia của Trung Quốc và một số nước liên quan. Khi thỏa thuận họp về Đông Dương, một số nước lớn đã tính đến giải pháp chia cắt Việt Nam. Pháp và Mỹ vẫn hy vọng sẽ giành thắng lợi quân sự trên chiến trường.
Ngày 8/5/1954, một ngày sau chiến thắng của ta ở Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva về Đông Dương mới chính thức khai mạc. Mỹ buộc phải tham gia nhưng vẫn đe dọa can thiệp quân sự. Anh, Pháp đồng ý đi vào giải pháp nhưng vẫn muốn dùng Mỹ để ép các nước Liên Xô, Trung Quốc nhân nhượng. Anh, Pháp đã tiếp xúc riêng với Liên Xô và Trung Quốc. Riêng Anh và Mỹ, trong chuyến thăm Mỹ 24-29/6/1954, hai bên đã đồng ý gửi thông điệp 7 điểm cho Pháp: đồng ý chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 17, Mỹ tuyên bố sẽ không ký và không bị ràng buộc bởi hiệp định. Trong bối cảnh đó, 3/7/1954, Bác đã thân hành sang Liễu Châu (Trung Quốc) trao đổi với Thủ tướng Chu Ân Lai về tình hình và phương án đấu tranh tại Hội nghị Geneva. Bác tán thành vận dụng 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình vào quan hệ giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Ngày 15/7/1954, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (Khóa II), Bác nêu rõ: “Trước kia, khẩu hiệu của ta là: “Kháng chiến đến cùng”. Nay vì tình hình mới ta cần có khẩu hiệu mới là: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”. Để chống đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương, ta phải nắm vững lá cờ hòa bình…Dùng lối nói chuyện thì phải nhân nhượng nhau đúng mức” [4]. Bác cũng chỉ ra nguyên tắc nhân nhượng, các định hướng điều chỉnh khu vực tập trung quân đội…và nhấn mạnh: “Hiện nay đề quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương…” [5] Những điều này chính là kim chỉ nam cho đoàn ta đàm phán tại Geneva.
Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva được ký kết; Pháp phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân, phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Việt Nam tạm thời bị chia cắt; tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức để thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số thành viên của đội “Con Nai” của Mỹ, tháng 4/1945. (Nguồn: Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố quốc gia, Mỹ)
Hội nghị Paris
Tháng 11/1966, Bộ chính trị ra Nghị quyết về đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam, trong đó có định hướng: “Đi đôi với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị trong nước, chúng ta cần tiến công địch về mặt trận ngoại giao bằng cách đẩy mạnh đấu tranh chính trị quốc tế và ngoại giao….vận dụng sách lược vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh..”.
Tháng 1/1967, Hội nghị Trung ương 13 chuyên bàn về đấu tranh ngoại giao ra nghi quyết chỉ rõ: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường và làm cơ sở cho thắng lợi ở mặt trận ngoại giao”. Chủ trì hội nghị, Bác nói: “Ngoại giao ở Geneva thắng lợi vì Điện Biên Phủ thắng lợi. Bây giờ cũng thế, đánh thắng lớn thì ngoại giao thắng nhiều. Không cứ gì ở ta mà ở nước nào cũng vậy. Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng nhưng cái vốn chính là mình phải đánh thắng và mình phải có sức mạnh thì ngoại giao sẽ thắng”.
Ngày 8/2/1967, Tổng thống Mỹ, Lyndon B. Johnson gửi thư cho Bác nói: “…Tôi sẵn sàng ra lệnh chấm dứt ném bom nước Ngài và ngừng đưa thêm quân đội Mỹ vào miền nam Việt Nam ngay khi tôi được bảo đảm là việc thâm nhập vào miền nam Việt Nam bằng đường bộ và đường thủy đã chấm dứt…”. Ngày 15/2/1967, trong thư trả lời, Bác đã bác bỏ dứt khoát: “… Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đi đến hòa bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược”.

Bác Hồ gặp mặt các trí thức Mỹ phản chiến tại Hà Nội, ngày 17/1/1967. (Ảnh tư liệu)
Mùa thu năm 1967, ta và Mỹ bắt đầu các cuộc tiếp xúc bí mật, nhưng không có tiến triển do phía Mỹ đàm phán trên thế mạnh, ép ta chấp nhận các điều kiện của họ. Ta giữ vững lập trường: Mỹ phải chấm dứt ném bom thì mới có thể nói chuyện. Tết Mậu thân 1968, ta tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, làm thay đổi cục diện trên chiến trường, đánh gục ý chí xâm lược của Mỹ. Ngày 31/3/1968, Lyndon B. Johnson phải tuyên bố ngừng ném bom miền bắc từ vĩ tuyến 20, chấp nhận cử đại diện Mỹ thương lượng với ta và không ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Trước đề nghị thương lượng của phía Mỹ, Bác và Trung ương Đảng ta đã xem xét kỹ 3 phương án: bác bỏ hoàn toàn, chấp nhận hoàn toàn, chấp nhận một phần. Cuối cùng, ta chọn phương án ba.
Ngày 7/5/1968 ta cử đoàn đi Paris. Ngày 13/5/1968, Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức họp phiên đầu tiên. Về thành phần đoàn ta, Bác đã đề nghị cử đồng chí Lê Đức Thọ làm cố vấn và đã ký sắc lệnh cử đồng chí Xuân Thủy làm Bộ trưởng Chính phủ để làm Trưởng đoàn đoàn phán. Bác tự tay viết thư cho Bộ Chính trị báo cho đồng chí Lê Đức Thọ bàn giao công việc cho đồng chí Phạm Hùng, rồi ra Hà Nội để đi Paris đàm phán với Mỹ [6]. Bác dặn phải cử cố vấn quân sự tham gia Đoàn để giúp Đoàn theo dõi tình hình chiến sự và để phối hợp đấu tranh trên bàn hội nghị; dặn đàm phán với Mỹ phải thận trọng và kiên trì, vững vàng nhưng khôn khéo, phải theo dõi sát tình hình trong nước, nhất là tình hình chiến sự, tranh thủ dư luận nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ, nhân dân Pháp và Việt kiều.
Hằng ngày, theo dõi tình hình diễn biến của hội nghị, Bác nhắc phải vạch trần luận điệu bịp bợm của Mỹ và tay sai, phải tuyên truyền nhiều về Đoàn của Mặt trận. Bác tiếp các đoàn khách quốc tế, trả lời phỏng vấn, viết thư, viết báo, ra lời kêu gọi đồng bào trong nước và nhân dân thế giới. Trong những lần họp với Bộ Chính trị để bàn về cuộc đấu tranh với Mỹ trên bàn đàm phán Paris, Bác thường chỉ đạo rất cụ thể, từ việc phải cân nhắc vấn đề đối nội và đối ngoại của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam, đến việc phải nói rõ chủ trương cho anh em ở miền Nam và ở Paris rõ.
Ngày 1/10/1968, Mỹ đã phải chấm dứt ném bom và bắn phá miền Bắc. Bác họp Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris và ngày 3/11/1968, Bác đã ra lời kêu gọi gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.

Bức thư của Bác Hồ gửi Tổng thống Mỹ Richard Nixon ngày 25/8/1969. (Ảnh tư liệu)
Tết Dương lịch năm 1969, trong bài thơ chúc Tết, Bác chỉ rõ chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “…Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Tết Âm lịch Kỷ Dậu 1969, trong điện chúc Tết anh chị em đang công tác ở Paris, Bác hỏi thăm, động viên tất cả mọi người trong hai đoàn và cả các bạn Pháp. Đầu tháng 8/1969, đồng chí Lê Đức Thọ và Đoàn ta ở Paris về chưa kịp đến báo cáo với Bác như mọi lần thì Bác đã lên Nhà nghỉ Hồ Tây thăm đồng chí Lê Đức Thọ. Các đồng chí phục vụ Bác kể lại rằng hôm đó Bác yếu, trời lại mưa, các đồng chí không muốn để Bác biết Đoàn ở Paris về, nhưng khi Bác biết, Bác nhất quyết đi gặp [7].
Một tuần lễ trước khi mất, ngày 25/8/1969, Bác vẫn gửi thư trả lời bức thư ngày 15/7/1969 của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Trong thư, Bác nói rõ: nếu Mỹ muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng thì: “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự cân thiệp của nước ngoài” [8].
Thay lời kết
Trong những giai đoạn quan trọng, trong những sự kiện lớn của Ngoại giao Việt Nam giai đoạn 1945 - 1973, Chủ tịch Hồ Chí Minh có vị trí vô cùng đặc biệt. Là lãnh tụ có nhất của Đảng, Bác trực tiếp thực hiện các hoạt động ngoại giao cấp cao, vừa lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động đối ngoại.
Giai đoạn 1945-1946, trực tiếp thực hiện các tuyệt kỹ ngoại giao với Tưởng và Pháp, Bác đã đuổi được 20 vạn quân Tưởng, đã trì hoãn cuộc tấn công của quân Pháp ở miền nam và đổ bộ ra miền bắc, giữ vững chính quyền cách mạng và giành thời gian quý giá để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Hội nghị Geneva và Hội nghị Paris, không trực tiếp tham gia nhưng Bác là tổng công trình sư, trực tiếp chỉ đạo từ việc lựa chọn nhân sự cho đoàn đàm phán, đến xác định mục tiêu, nguyên tắc, hoạch định các chiến dịch tấn công ngoại giao… dẫn đến thắng lợi cuối cùng.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB ST, 1985, tập 6 tr. 438-439.
[2] https://baochinhphu.vn/bac-ho-voi-hiep-dinh-geneva-102167289.htm
[3] Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp, NXB ST, 1988, tập II, tr. 320-321
[4] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn kiện lịch sử Đảng, tập 8, tr.177
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB ST, 1988, tập 6, tr. 589
[6] https://baoquocte.vn/bac-ho-tong-cong-trinh-su-hoi-nghi-paris-213711.html#google_vignette
[7] https://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/996-ch-t-ch-h-chi-minh-v-i-h-i-ngh-paris-v-vi-t-nam.html
[8] Hồ Chí Minh biên niên sử, NXB ST, 2016, tập 10, tr.332