Bác sĩ cảnh báo dấu hiệu trẻ mắc Covid-19 nhập viện cần cấp cứu

Bộ Y tế lưu ý các gia đình có trẻ em mắc Covid-19 chăm sóc tại nhà cần có điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế để liên lạc, xử trí khi có tình trạng cấp cứu.

GD&TĐ - Bộ Y tế lưu ý các gia đình có trẻ em mắc Covid-19 chăm sóc tại nhà cần có điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế để liên lạc, xử trí khi có tình trạng cấp cứu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trẻ mắc Covid-19 điều trị tại nhà khi xuất hiện những triệu chứng này, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến khám tại các cơ sở y tế.

Trong “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19”, Bộ Y tế lưu ý các bậc phụ huynh cần tạo không gian cách ly riêng cho trẻ nhất là khi trẻ có khả năng tự chăm sóc. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; luôn mở cửa sổ…

Về theo dõi sức khỏe trẻ mắc Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn như sau:

Đối với trẻ dưới 5 tuổi, các bậc phụ huynh cần theo dõi các dấu hiệu về tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần theo dõi các triệu chứng bất thường. Khi thấy trẻ có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau, phụ huynh cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh:

- Trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.

- Sốt cao liên tục >39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48h.

- Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:

- Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút;

- Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; - Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.

- Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...

- Dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít...

- Tím tái

- SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)

- Nôn mọi thứ

- Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được

- Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng...

- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.

Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên, các bậc phụ huynh theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, đau ngực, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác, thính giác.

Phụ huynh cũng cần theo dõi các triệu chứng bất thường. Khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh:

- Cảm giác khó thở.

- Ho thành cơn không dứt

- Không ăn/uống được

- Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ

- Nôn mọi thứ

- Đau tức ngực

- Tiêu chảy

- Trẻ mệt, không chịu chơi

- SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2 )

- Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút

- Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn...

- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.

Bộ Y tế cũng lưu ý các gia đình có trẻ em mắc Covid-19 chăm sóc tại nhà cần có điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sỹ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh...) để liên lạc, xử trí khi có tình trạng cấp cứu.

Các vật dụng cần thiết gia đình cần chuẩn bị để chăm sóc trẻ em mắc Covid-19 tại nhà gồm nhiệt kế; máy đo SpO2 cá nhân (nếu có); khẩu trang y tế; phương tiện vệ sinh tay; vật dụng cá nhân cần thiết; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

Chuyên gia y tế cảnh báo: Trong gia đình có người bị F0, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ thực hiện tốt 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Nếu trẻ sốt, có thể cho uống hạ sốt, khi con ho thì dùng các chế phẩm ho thông thường và chăm sóc trẻ đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Tuyệt đối không xông cho trẻ em mắc Covid-19, không dùng thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định.

Vì sao tình trạng mắc Covid-19 ở trẻ ngày càng gia tăng?

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỉ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm: Những trường hợp trẻ mắc Covid-19 viêm đa hệ tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Chia sẻ thông tin tại hội nghị trực tuyến hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết tình trạng mắc Covid-19 ở trẻ ngày càng gia tăng. Lý do là vì trẻ được đi học, một số lượng lớn các em chưa được tiêm vắc xin cộng thêm tốc độ lây lan nhanh của virus.

Theo chuyên gia, thông thường trẻ khi mắc Covid-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỷ lệ rất nhỏ vào viện khám. Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số bão hòa oxy giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà.

Thể nặng và nguy kịch là khi bão hòa oxy tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy…

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa được bệnh viện giao cho 80 giường điều trị trẻ mắc Covid-19, tuy nhiên hiện nay đã có khoảng hơn 100 bệnh nhi. Số lượng trẻ nhập viện rất đông, tăng đột biến từ trước đến nay.

Bác sĩ cho biết, đa phần trẻ nhập viện có triệu chứng sốt cao liên tục, kèm theo dấu hiệu li bì, bỏ ăn, bỏ bú, co giật, một số trẻ suy hô hấp. Các bệnh nhi đều được phân ở tầng 2, cần sự can thiệp của y tế.

Mặc dù tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 diễn biến nặng thấp hơn so với người lớn, tuy nhiên, số lượng tăng nhanh nên số trẻ em diễn biến nặng cũng sẽ tăng. Các trẻ diến tiến nặng thường xảy ra ở nhóm có bệnh nền như thận, bệnh về huyết học, cơ địa béo phì.

“Hầu hết trẻ mắc Covid-19 những ngày đầu là sốt. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo cha mẹ hãy bình tĩnh, không nhất thiết phải đưa con đến cơ sở y tế ngay lập tức mà hãy làm theo các cách hướng dẫn của Bộ Y tế như sốt thì dùng hạ sốt. Theo dõi nếu trẻ có những dấu hiệu nặng thì cần đến ngay cơ sở y tế”, bác sĩ đưa ra khuyến cáo.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/bac-si-canh-bao-dau-hieu-tre-mac-covid-19-nhap-vien-can-cap-cuu-axeoD5L7R.html