Bác sĩ chuyên khoa chỉ cách xử lý lông mi quặm

Xử lý lông mi quặm tại nhà chỉ nên thực hiện với lông siêu lông quặm, còn với trường hợp lông mọc ngược hoàn toàn vào trong cọ sát với giác mạc cần được khám chuyên khoa để điều trị chuyên sâu. Cùng bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tìm hiểu phương pháp xử lý lông mi quặm khoa học nhé!

Không tự xử lý khi chưa vệ sinh sạch sẽ

Khoảng vài tháng trở lại đây, Thanh Hương (22 tuổi, Hưng Yên) phát hiện một vài sợi mi dưới mắt trái mọc ngược vào trong. Thời gian đầu, Hương không quá bận tậm vì cô vẫn sử dụng chuốt mi nên mắt không có biểu hiện khó chịu. Hai ngày trước vô tình quên chuốt mi, Hương thường xuyên dụi mắt vì lông mi chạm vào trong mắt.

Sau khi tìm hiểu trên mạng, Hương quyết định tự nhổ các sợi mi mọc ngược vào bên trong. Tuy nhiên, sau khi tự nhổ lông mi tại nhà, mắt Hương không giảm ngứa mà còn sưng tấy, đỏ, chảy nước mắt liên tục, nhìn khó. Dù đã chườm lạnh, nhỏ thuốc nhỏ mắt nhưng tình trạng không đỡ buộc Hương phải đi khám.

Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, tình trạng của Thanh Hương bị quặm mi khiến cho lông mi mọc sai hướng và cuộn vào phía bên trong mi mắt. Nó có thể xuất hiện rải rác một vài sợi hoặc có thể cả hàng mi.

Như bệnh nhân Thanh Hương chỉ bị một vài sợi nên hoàn toàn có thể tự xử lý tại nhà. Trước khi nhổ lông mi quặm, người bệnh nên chú ý vệ sinh tay, vệ sinh mắt và dụng cụ nhổ sạch sẽ, tránh để mắt gặp phải tình trạng nhiễm trùng sau khi nhổ lông mi, từ đó dẫn tới việc điều trị lông quặm khó khăn, phức tạp và tốn kém hơn.

Mắt thường và mắt bị quặm mi

Mắt thường và mắt bị quặm mi

Tuy nhiên, việc tự nhổ lông mi quặm chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời trước mắt để khắc phục tình trạng ngứa, khó chịu. Sau một thời gian, lông mi tiếp tục mọc lại gây khó khăn cho người bệnh, nên về lâu dài việc tự nhổ lông mi quặm không giải quyết được dứt điểm tình trạng này.

Các trường hợp cần thiết phải phẫu thuật

Theo bác sĩ Thiều Hoa, khi lông mi mọc ngược vào trong, không còn chức năng bảo vệ mà ngược lại dễ gây kích thích, ảnh hưởng đến giác mạc và kết mạc do liên tục bị chà sát bởi lông mi, từ đó có thể dẫn đến tổn thương.

Khi gặp tình trạng lông mi quặm có thể khiến mắt người nhìn khó chịu, thường xuyên chảy nước mắt, đỏ mắt, cộm như có dị vật trong mắt, nhạy cảm với ánh sáng, đặc biệt khi nhìn ánh sáng chói, thậm chí có thể khiến cho thị lực giảm.

Lông mi quặm có thể gặp phải ở bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ sơ sinh đến người già. Gần đây nhất, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tiếp nhận một trường hợp là em bé 6 tháng tuổi bị quặm mi bẩm sinh dẫn tới viêm bờ mi. Vì vậy, cần phải tìm ra nguyên nhân gây quặm mi để từ đó có hướng điều trị kịp thời, tránh dẫn tới bệnh lý khác ở mắt. Tốt nhất để xác định chính xác nguyên nhân gây quặm mi là do bẩm sinh, tuổi già, co thắt mi mãn tính hay bệnh lý về kết mạc cần phải có kết luận của bác sĩ chuyên khoa.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra lông quặm mà bác sĩ sẽ lựa chọn các kỹ thuật can thiệp khác nhau. Phương pháp điều trị triệt để và hiệu quả nhất thường được áp dụng là phẫu thuật để chuyển hướng đi của lông mi.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp lông mi quặm đều cần thiết phải can thiệp phẫu thuật. Bác sĩ chuyên khoa cần phải thăm khám, tìm ra nguyên nhân để từ đó chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-chuyen-khoa-chi-cach-xu-ly-long-mi-quam-16923121419544146.htm