Bác sĩ Nguyễn Tri Thức: 'Nhiều bệnh nhân nặng đã chuyển nhẹ'

Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP.HCM), chia sẻ đó là động lực rất lớn cho nhân viên y tế suốt những ngày qua.

" 2.000 máy thở chuyển vào, em nhận được chưa. Bệnh viện hoạt động thế nào, anh sốt ruột quá", TS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, hiện là Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, kể lại cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Chia sẻ với phóng viên, ông nhiều lần nhắc đến sự hỗ trợ của lãnh đạo TP.HCM và Bộ Y tế trong việc giúp Bệnh viện Hồi sức Covid-19 trở thành tuyến cuối cùng điều trị người mắc Covid-19 nặng, nguy kịch.

Tín hiệu khả quan đầu tiên

Chiều 20/7, bác sĩ Nguyễn Tri Thức chủ trì cuộc họp thứ 3 trong ngày. Nét mặt ông không giấu được sự phấn khởi sau khi nghe các đơn vị báo cáo nhiều bệnh nhân nguy kịch đã chuyển nhẹ, hồi phục và có thể được đưa về đơn vị tuyến dưới.

Chia sẻ với Zing, tiến sĩ Thức nói: "Nhiều bệnh nhân nặng đã chuyển nhẹ. Đây là niềm vui lớn nhất trong ngày và cũng là động lực rất lớn cho nhân viên y tế suốt những ngày qua".

Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết từ khi thành lập đến nay, liên tiếp bệnh nhân rất nặng được chuyển tới. Sau 6 ngày, 106 bệnh nhân đã chuyển từ cấp độ nặng sang nhẹ.

Bác sĩ Đỗ Quốc Huy, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết: "Đây là thành tựu vui nhất của bệnh viện trong hôm nay, cũng là điều chưa có tiền lệ. Từ một bệnh viện vừa hoạt động, với khối lượng công việc khổng lồ, công tác điều trị vẫn đảm bảo và gặt hái nhiều tín hiệu khả quan".

Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, mục tiêu ban đầu của cơ sở y tế này là 100 giường hồi sức nguy kịch. Thực tế, số lượng này tăng hơn nhiều, nhân viên y tế phải kê thêm giường.

"Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng các bệnh nhân nguy kịch này sẽ có tín hiệu cải thiện. Hiện tại, nhiều người hồi phục rất khả quan, được cai máy thở hoặc chuyển sang thở oxy. Nhiều trường hợp tưởng chừng rất nguy kịch nhưng hồi phục kỳ diệu", ông nói.

Theo bác sĩ Linh, trong đợt dịch ở TP.HCM, nhiều bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến nặng do biến chủng Delta lây lan nhanh và rộng trong cộng đồng. Hiện tại, số lượng bệnh nhân nặng chủ yếu trong nhóm 50 đến trên 60 tuổi.

 3 nhân viên y tế đang hỗ trợ chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Ảnh: Duy Hiệu.

3 nhân viên y tế đang hỗ trợ chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Ảnh: Duy Hiệu.

Thiết bị hồi sức tương đối đầy đủ

Ngày 17/7, Bộ trưởng Y tế đã thành lập khẩn cấp kho dã chiến phía Nam nhằm huy động toàn bộ trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 toàn quyền điều động trang thiết bị trong kho này mà không cần xin ý kiến của Bộ Y tế.

"Suốt mấy hôm nay, tôi nhận liên tục hàng trăm cuộc điện thoại, có những người không quen biết gọi để tài trợ thiết bị hồi sức, các suất cơm, đồ ăn uống cho nhân viên y tế. Đặc biệt, Bộ trưởng Y tế cũng gọi cho tôi liên tục để hỏi thăm tình hình máy móc, thiết bị từ kho dã chiến", TS Thức kể.

Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết hiện đơn vị này chưa có thống kê cụ thể số lượng thiết bị hồi sức vì số lượng máy thở được chuyển vào liên tục như bơm điện, máy mornitor, ECMO, lọc máu, máy thở...

Ông cho biết trong ngày 20/7, 30 máy thở chức năng cao được chuyển từ kho dã chiến đã cấp cứu kịp thời 30 bệnh nhân nguy kịch. Thiết bị hồi sức hiện tại tương đối đầy đủ, được chuyển về kho liên tục.

Ngoài ra, khi cần bổ sung nhân lực y tế, UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM và Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ hỗ trợ đều phối nhanh nhất có thể.

"Ngày 20/7, tôi đã gửi văn bản Sở Y tế TP.HCM để bổ sung nhân lực từ các tỉnh cho bệnh viện trong giai đoạn 2. Giai đoạn này sẽ có 700 giường hoạt động, nguồn nhân lực hiện tại sẽ không đủ đáp ứng. Trong khi theo dự kiến của Bộ Y tế, khoảng 5-7 ngày nữa, số lượng bệnh nhân sẽ tăng lên nhiều", bác sĩ Thức nói thêm.

"Đánh chặn từ xa"

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được thành lập ngày 15/7 với quy mô 1.000 giường, triển khai nhiều giai đoạn. Giai đoạn hiện tại, bệnh viện xây dựng quy mô 100 giường hồi sức cho bệnh nhân nguy kịch và 300 giường bệnh nhân nặng, 651 nhân viên y tế chăm sóc.

Tiến sĩ Thức cho biết để đảm đương việc chăm sóc, điều trị sát sao tất cả bệnh nhân nặng và nguy kịch tại đây, nhân viên y tế hầu như làm việc xuyên suốt, không phân chia thời gian. Bởi bệnh nhân hồi sức cần nhiều nhân lực để chăm sóc hơn.

"Nhân viên y tế tại đây gần như làm việc gấp 5 lần so với bình thường", ông nói.

Để kịp thời phát hiện bệnh nhân chuyển nặng cần hồi sức, ông Thức cho biết bệnh viện sẽ triển khai chiến lược "đánh chặn từ xa". Bốn bác sĩ chuyên hồi sức sẽ được phân công cắm chốt tại 4 bệnh viện cấp 2 ở cửa ngõ gồm Thủ Đức, Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh.

Trường hợp có F0 chuyển biến nặng, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thiết lập hệ thống hội chẩn online, đồng thời bác sĩ cắm chốt tại đây sẽ đánh giá tình hình để quyết định chuyển viện hay chờ theo dõi thêm.

"Điều này giúp bệnh nhân diễn biến nặng được chuyển đi kịp thời, tăng cơ hội sống. Chúng tôi không thụ động chờ bệnh nhân được chuyển tới mà chủ động đánh giá, chủ động trang thiết bị để cấp cứu người bệnh kịp thời. Bệnh viện sẽ hội chẩn online 24/24. Người trực là chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm như bác sĩ Huy, bác sĩ Linh", TS Thức nói.

 Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, hiện phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Văn Nguyện.

Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, hiện phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Văn Nguyện.

Về khó khăn, theo ông Thức, lực lượng vệ sinh của bệnh viện đang thiếu. Gánh nặng tiếp tục đè lên vai nhân viên y tế, từ điều trị, vệ sinh, tắm rửa..., cho bệnh nhân.

Ngoài ra, về việc quản trị tòa nhà, nguồn điện, phòng chống cháy nổ, xử lý thi hài (nếu có) cũng cần được cân nhắc. Vừa qua, UBND TP hỗ trợ lực lượng thanh niên tình nguyện để hỗ trợ bệnh viện các vấn đề hậu cần.

Bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết khó khăn hiện nay là lực lượng tham gia điều trị của chúng ta đang bị phân tán nhiều tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân không triệu chứng và biểu hiện nhẹ, do đó, lực lượng hồi sức không thể tập trung.

Bác sĩ chạy đua với thời gian cứu bệnh nhân Covid-19 trở nặng "Thời gian tính bằng giây, phải xử lý ngay và đặt nội khí quản kịp thời. Nếu không, nguy cơ tử vong rất lớn", bác sĩ Trần Thành Linh nói về ca mắc Covid-19 bất ngờ diễn biến xấu.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-si-nguyen-tri-thuc-nhieu-benh-nhan-nang-da-chuyen-nhe-post1241236.html