Bác sĩ Tuấn năng động, yêu nghề

BSCKII Trần Hữu Tuấn thực hiện kỹ thuật chôn chỉ cho bệnh nhân. Ảnh: NGUYỄN THỊ YẾN

Đam mê y học cổ truyền, ông kế thừa y nghiệp của gia đình và trở thành người thừa kế đời thứ 8 của dòng họ Trần. Năng động, sáng tạo, vui vẻ, cởi mở nhưng cũng thẳng thắn, nghiêm khắc, nói đi đôi với làm và dám chịu trách nhiệm, anh vững tay “chèo lái”, cùng tập thể cán bộ, viên chức đưa Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên ngày càng khẳng định uy tín, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân.

Anh là BSCKII Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên.

Theo bác sĩ Trần Hữu Tuấn, để phát huy tinh thần sáng tạo, thực hiện kế hoạch phát triển bệnh viện lâu dài, toàn thể cán bộ viên chức phải nỗ lực hết mình và thay đổi một số phương pháp làm việc. Là người đứng đầu thì phải đặt lợi ích của đơn vị, của tập thể lên trên, tuyệt đối không được bè phái, đánh giá cán bộ theo quy chuẩn chứ không theo cảm tính, lấy chất lượng công việc và đạo đức nghề nghiệp làm thước đo cán bộ. Xây dựng được một tập thể đoàn kết, đồng sức đồng lòng, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên đã có những bước đổi mới căn bản trong hoạt động khám chữa bệnh, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Nghề y là nghề gắn liền với cái tâm, đòi hỏi mình phải đặt y đức lên hàng đầu. Khi mình làm bằng chính cái tâm để chăm sóc, phục vụ bệnh nhân được khỏi bệnh thì sẽ cảm thấy thanh thản và vui lây với niềm vui của người nhà họ. BSCKII Trần Hữu Tuấn

Bác sĩ Tuấn xem đội ngũ cán bộ y, bác sĩ trẻ là tài sản vô giá trong chiến lược xây dựng và phát triển bệnh viện lâu dài. Giám đốc bệnh viện đã tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trẻ và sắp xếp, bố trí công việc theo năng lực, sở trường. Đặc biệt, cùng với việc giáo dục về chính trị, tư tưởng, việc noi gương, học hỏi kinh nghiệm của thế hệ trước là chiến lược đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho từng cán bộ nhân viên trong bệnh viện. Nhiều dịch vụ kỹ thuật mới đã được triển khai tại cơ sở y tế này; nhiều bài thuốc Nam gia truyền đã được Hội đồng Thuốc của bệnh viện nghiên cứu, cung cấp điều trị cho bệnh nhân hiệu quả, đồng thời giảm chi phí cho bệnh nhân đóng viện phí cũng như bệnh nhân cùng chi trả bảo hiểm y tế. Riêng Khoa Dược của bệnh viện đã được trang bị đầy đủ thiết bị bào chế thuốc thành phẩm và sắc thuốc thang cho bệnh nhân uống 2 lần trong ngày theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Bệnh viện đã được trang bị một số thiết bị phục hồi chức năng mới, hiệu quả trong công tác điều trị như: Máy tập cưỡng bức, tập thụ động chi trên và chi dưới, máy siêu âm điều trị, sóng ngắn, laser châm, laser công suất thấp nội mạch, parafin, điện trường cao áp…

Bệnh nhân đến với Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên phần lớn là người cao tuổi và mắc các bệnh mãn tính, phải điều trị dài ngày nên hầu hết đều có thẻ bảo hiểm y tế. Người thầy thuốc không chỉ khám chữa bệnh mà còn phải tự điều chỉnh, cân nhắc hơn trong việc chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, hạn chế sử dụng các loại thuốc đắt tiền đối với những bệnh thông thường, những thuốc hỗ trợ và các dịch vụ cận lâm sàng, vật tư y tế không cần thiết, quản lý tốt hơn công tác chuyển tuyến, tránh ảnh hưởng đến dự toán chi quỹ khám chữa bệnh - bảo hiểm y tế. Đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và kinh tế, người thầy thuốc có rất nhiều áp lực. Bác sĩ sinh năm 1975 nói: “Có lúc tôi thấy thực sự mệt mỏi. Thế nhưng, nhìn bệnh nhân, tôi đặt mình vào vị trí của họ thì mọi vất vả đều tan biến”.

Hàng tuần, ngoài công tác quản lý, bác sĩ Tuấn còn sắp xếp công việc, xuống các khoa phòng thực hiện các kỹ thuật y học cổ truyền như: Chôn chỉ, điện châm, xông thuốc, bó thuốc, ngâm thuốc… cho các bệnh nhân để hướng dẫn cho các bác sĩ trẻ thật tận tình, chu đáo. Nhân viên y tế ở đây cho biết: Ngoại trừ những ngày đi công tác, họp hành, còn lại giám đốc có mặt thường xuyên tại bệnh viện, sau đó tranh thủ thời gian đi thăm hỏi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện để nắm bắt tâm tư của họ và kết quả điều trị, kịp thời chấn chỉnh và rút ra những kinh nghiệm trong công tác điều trị. Ngoài ra, giám đốc có thể đến kiểm tra đột xuất bất cứ khoa, phòng nào. Một cây xanh hay cây thuốc trong khuôn viên bắt đầu úa hay một viên gạch bị vỡ, giám đốc cũng biết để nhắc nhở chăm sóc, thay thế. Giám đốc quản lý “vi mô trong vĩ mô” nên các cán bộ, nhân viên luôn tự nhắc nhở mình phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Và giám đốc làm cho các cán bộ, viên chức nhận thấy rằng ai cũng có tầm quan trọng trong bệnh viện, vì vậy ai cũng nỗ lực cống hiến.

BS NGUYỄN THỊ YẾN

(Bảo hiểm xã hội Phú Yên)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/95/244536/bac-si-tuan-nang-dong-yeu-nghe.html