Bài 1: 'Cầu nối' giữa ý Đảng và lòng Dân

Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ cả trong tư duy và hành động, Quốc hội đã và đang thực sự trở thành điểm tựa vững chắc, là 'cầu nối' giữa ý Đảng và lòng Dân qua những quyết sách mang tầm chiến lược, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc đưa Đất nước bước vào vận hội, giai đoạn mới, hiện thực hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ của một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.

Quốc hội đã và đang thực sự trở thành điểm tựa vững chắc, là "cầu nối" giữa ý Đảng và lòng Dân qua những quyết sách mang tầm chiến lược.

Quốc hội đã và đang thực sự trở thành điểm tựa vững chắc, là "cầu nối" giữa ý Đảng và lòng Dân qua những quyết sách mang tầm chiến lược.

Đổi mới tư duy trước "vận mệnh" mới

“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” – một lời khẳng định thiêng liêng được nêu trong Hiến pháp, cũng là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, từ đó trở thành nơi gửi gắm ý chí, niềm tin và khát vọng của toàn dân tộc Việt Nam.

Với mục tiêu “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân”, trải qua gần 80 năm xây dựng và phát triển, Quốc hội Việt Nam không ngừng trưởng thành, đổi mới tư duy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh mà Nhân dân giao phó. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Quốc hội luôn "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết" – vì một nước Việt Nam hùng cường, vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn dân.

Ngày 20/10/2024, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XIII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước vận hội chưa từng có để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc”. Những thành tựu to lớn sau gần 80 năm lập nước, thế và lực đã tích lũy, thời cơ đang mở ra – đó không chỉ là điểm tựa, mà là lời hiệu triệu mang theo mệnh lệnh của lịch sử: phải hành động, phải đổi mới tư duy, phải khơi thông mọi điểm nghẽn để tạo đột phá cho tương lai.

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đều thống nhất quan điểm chỉ đạo đổi mới tư duy lập pháp theo hướng vừa đảm bảo quản lý, vừa khơi thông nguồn lực cho phát triển; đổi mới để thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của Đất nước; đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Trước vận mệnh mới, thời cơ mới của quốc gia, dân tộc, quyết tâm chính trị càng được thể hiện: “Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đổi mới tư duy – không phải là một mệnh đề lý luận khô cứng, mà là mệnh lệnh của cuộc sống, là nhu cầu từ chính Nhân dân. Mỗi rào cản thể chế chưa được tháo gỡ, mỗi chính sách còn chậm đi vào cuộc sống... đều là tiếng gọi cấp bách thôi thúc Quốc hội hành động quyết liệt, dũng cảm cải cách, dám nghĩ, dám làm vì sự hưng thịnh của quốc gia, vì niềm tin yêu của Nhân dân theo đúng tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Tinh thần ấy được thể hiện xuyên suốt các kỳ họp của Quốc hội vừa qua, đặc biệt là Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp và tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp luật, tạo đột phá về thể chế để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên của hiện đại hóa, chuyển đối số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Những quyết sách "lịch sử", hợp lòng dân

Giữa khí thế khẩn trương và quyết liệt của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV được diễn ra với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phản ánh rõ nét vai trò trung tâm của Quốc hội trong việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành hành động thực tiễn. Với thời lượng làm việc kéo dài 35 ngày – dài nhất trong lịch sử nghị trường, kỳ họp không chỉ là hoạt động lập pháp thông thường, mà thực sự là một diễn đàn hội tụ trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm và khát vọng phát triển của cả dân tộc.

Không khí làm việc nghiêm túc, khoa học, kỷ cương nhưng đầy sáng tạo đã giúp Quốc hội hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ trên cả ba trụ cột: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề trọng yếu của quốc gia. Đặc biệt, đây là kỳ họp có số lượng nội dung lập pháp nhiều nhất từ trước tới nay. Trong thế “vừa chạy, vừa xếp hàng”, Quốc hội vẫn bảo đảm được tính nền nếp, thận trọng và hiệu quả, thể hiện sự trưởng thành về trình độ, tổ chức và tư duy đổi mới của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Không dừng ở số lượng hay tiến độ, điều khiến Kỳ họp thứ 9 trở thành một dấu ấn lịch sử là chất lượng và tầm vóc các quyết sách. Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 – một quyết định có ý nghĩa hiến định to lớn, mở đường cho cuộc cải cách bộ máy toàn diện theo tinh thần tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hành chính trong bối cảnh mới.

Việc chuẩn bị nội dung sửa đổi Hiến pháp được tiến hành cẩn trọng, kỹ lưỡng, theo đúng quy trình, pháp luật, với quy mô lấy ý kiến rộng khắp và sâu rộng trong Nhân dân. Hơn 280 triệu lượt góp ý từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được tiếp thu, giải trình thấu đáo, thể hiện sự dân chủ thực chất và tinh thần cầu thị của Quốc hội. Sự đồng thuận gần như tuyệt đối – 99,75% ý kiến đồng tình và 100% đại biểu tán thành tại nghị trường – là minh chứng sống động cho tính đúng đắn của chủ trương, và sâu xa hơn là sự hòa hợp trọn vẹn giữa ý Đảng và lòng Dân.

Không chỉ sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội còn thông qua 14 luật, 2 nghị quyết quy phạm pháp luật để cụ thể hóa mô hình chính quyền địa phương hai cấp – một bước đột phá trong tổ chức bộ máy chính quyền, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển của đất nước.

Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tổ chức lại đơn vị hành chính, từ cấp tỉnh đến cấp xã, không chỉ nhằm tinh giản đầu mối mà còn tạo điều kiện để mở rộng không gian phát triển, phân bổ nguồn lực hiệu quả và phát huy tối đa tiềm năng của từng địa phương. Đây chính là khâu then chốt để đất nước chuyển mình mạnh mẽ, là khởi đầu cho vận hội phát triển mới – vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và bền vững.

Không ngẫu nhiên mà nhiều đại biểu gọi đây là kỳ họp của những “ấn nút lịch sử” – khi Quốc hội quyết định những vấn đề mang tầm chiến lược lâu dài, tạo bước ngoặt cải cách thể chế quốc gia. Những quyết sách ấy không chỉ đúng thời điểm mà còn đúng kỳ vọng của Nhân dân, mang hơi thở của thực tiễn và khát vọng của Dân tộc. Sự ủng hộ rất cao từ cử tri cả nước chính là nền tảng vững chắc để Quốc hội vững bước trong hành trình đổi mới toàn diện và sâu sắc.

Thành công của Kỳ họp là minh chứng rõ nét khẳng định ý Đảng hợp với lòng dân và phù hợp với yêu cầu cấp thiết có tính tất yếu khách quan của thực tiễn đất nước. Trong đó nổi bật là việc tham gia tích cực với sự đồng thuận rất cao của cử tri, Nhân dân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh... Sự chủ động, quyết tâm, kiên định, đoàn kết, thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị với tinh thần dân chủ, cầu thị lắng nghe, chuyên nghiệp, thích ứng nhanh với yêu cầu đổi mới...

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai chia sẻ, những chính sách, nội dung trình ra Quốc hội đã giải quyết những vấn đề lâu dài, trở thành những dấu mốc lịch sử dụng hết sức quan trọng. "Như Chủ tịch Quốc hội đã nói, có những ấn nút lịch sử lịch sử như: chúng ta ấn nút sửa đổi một số điều của Hiến pháp, thực hiện chính quyền 2 cấp; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện... Điều quan trọng là được Nhân dân đồng tình, ủng hộ rất cao", đại biểu nói.

Theo Đại biểu, trong bất kỳ cuộc cách mạng nào, điều quan trọng nhất là sự đồng tình, ủng hộ của tuyệt đại đa số Nhân dân. Điều này đã được thể hiện rõ nét ở Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội - Kỳ họp lịch sử. Những nội dung được Quốc hội, Chính phủ thực hiện dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đều vì lợi ích của Nhân dân, của quốc gia, dân tộc. "Đây là một điểm căn bản, cốt lõi nhất xuyên suốt quá trình cách mạng của Việt Nam", đại biểu nhấn mạnh.

Sự đổi mới tư duy và hành động quyết liệt của Quốc hội không chỉ là sự thay đổi về mặt hình thức, mà là một cuộc cách mạng sâu sắc trong nhận thức và trách nhiệm. Quốc hội khóa XV đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc, là "cầu nối" giữa ý Đảng và lòng dân trên con đường đưa Đất nước bước vào vận hội mới, hiện thực hóa khát vọng phát triển thịnh vượng và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-1-cau-noi-giua-y-dang-va-long-dan.html