Bài 1: Đảng lãnh đạo, cầm quyền để Nhân dân là chủ và làm chủ đất nước bởi và bằng pháp luật

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lời Tòa soạn: Ngày 17.5.2023, trong phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với chủ đề: 'Phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm đã có; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng', Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: 'Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật'.Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài 'Nắm chắc và thượng tôn pháp luật, Đảng lãnh đạo, cầm quyền dân chủ, kỷ cương và văn hóa' của TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Hơn 93 năm qua, dù qua nhiều thăng trầm, nhưng vị thế chính trị, năng lực lãnh đạo, cầm quyền đối với đất nước và xã hội đã khẳng định, Đảng luôn xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng và uy tín quốc tế của Đảng ngày càng tỏa rộng và nâng cao. Nhưng, hiện nay, tình hình và nhiệm vụ đã khác trước, chúng ta không thể không thay đổi, thậm chí cả những vấn đề tưởng như “nhất thành bất biến” nào đó.

Luôn xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng

Trước sự phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhất là chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong các quan hệ quốc tế, sự chống phá của các thế lực thù địch; đặc biệt, ở những bước ngoặt phức tạp của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, càng đòi hỏi Đảng không ngừng đổi mới toàn diện về tư duy, tầm nhìn và hành động phù hợp những quy luật của một đảng cầm quyền; về nội dung và phương thức lãnh đạo, cầm quyền; về kiến tạo tổ chức và bộ máy bảo đảm công cuộc lãnh đạo, cầm quyền; về nguy cơ đối với một đảng cầm quyền… trên nền tảng pháp luật, nhằm khẳng định và phát triển không ngừng tính chính danh, chính pháp chính tín của sự nghiệp lãnh đạo, cầm quyền.

Để tiếp tục thực sự xứng đáng là một đảng lãnh đạo, cầm quyền duy nhất Nhà nước pháp quyền, trong tầm nhìn tới năm 2030, một trong những vấn đề cấp bách và thách thức là, Đảng không ngừng đổi mới, hoàn thiện phương thức nắm lấy pháp luật và thượng tôn luật pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền một cách dân chủ, kỷ cương và nhân văn mang tầm văn hóa tương dung với tốc độ, quy mô và chiều sâu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế. Đó là một trong những tính quy luật phát triển vị thế, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Chưa bao giờ như hiện nay, sự tiếp tục của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, xét về cả về quy mô, tính chất và chiều sâu, nhất là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… đang đặt ra những thách thức đối với vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của mình, vấn đề tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo theo phương châm nắm chắc luật pháp để cầm quyền, bảo đảm sự thống nhất giữa vai trò, trách nhiệm lãnh đạo với đòi hỏi thượng tôn pháp luật xứng đáng với sự nghiệp đổi mới XHCN, phù hợp với lộ trình và nhịp độ hội nhập quốc tế trở thành vấn đề cấp thiết và mang tầm chiến lược.

Quyền lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta được lịch sử lựa chọn và thừa nhận bởi Nhân dân. Khi trở thành đảng cầm quyền thì vai trò lãnh đạo, cầm quyền đó được chế định trong Hiến pháp và lãnh đạo Nhà nước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Qua 93 năm, dù dưới hình thức lãnh đạo nào, ở bất cứ thời kỳ nào, đặc trưng xuyên suốt của quyền lực lãnh đạo được thực thi, thể hiện Đảng lãnh đạo bằng sự thuyết phục của mục tiêu chính trị - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bởi lý tưởng mà Đảng ta lựa chọn và hy sinh là: “Không có mục đích nào khác, ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân”, kết tinh ở Cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị; bằng tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên; bằng sự vận động, thuyết phục Nhân dân qua hành động của đảng viên; tập trung cao nhất bằng sự ảnh hưởng, hấp dẫn và tỏa sáng một cách tự nhiên của Đảng - một thực thể chính trị xã hội trên nền móng pháp luật trong cuộc cạnh tranh của các đảng phái chính trị và những thực thể chính trị khác.

Trong lịch sử cầm quyền của mình, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, quyền lực chính trị của Đảng được quy định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013: “Đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”, là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”. Đảng thực thi quyền lực chính trị của các giai cấp, tầng lớp, lực lượng xã hội mà mình đại diện bằng cách định hướng và dẫn dắt Nhà nước, thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước, hiện thực hóa quyền, lợi ích và ý chí của lực lượng xã hội bằng và bởi pháp luật mà Đảng là đại diện trung thành, đi đầu tuân thủ luật pháp. Đảng kết tinh, thể hiện vị trí, phẩm giá và danh dự đất nước trên trường quốc tế, trong tư cách là một Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Nói một cách hình ảnh, với tư cách là lãnh đạo, cầm quyền, Đảng mở tầm nhìn chiến lược, bằng óc viễn kiến nắm lấy xu thế thời đại, xuất phát từ đất nước và thực tiễn phát triển của dân tộc, để định vị mình và để hành động một cách chiến lược. Đó là cầm thời.

Theo đó, Đảng xây dựng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách, chủ trương lớn phát triển đất nước và chính bản thân Đảng ngang tầm vị thế dẫn dắt quốc gia, trên nền tảng chính trị tư tưởng cách mạng và khoa học. Đây là con đường phát triển tất yếu và phù hợp của dân tộc mà Đảng dẫn dắt. Đó là cầm đạo.

Mặt khác, Đảng kiến tạo hệ thống Điều lệ, quy chế, quy định trong Đảng, lãnh đạo Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật một cách khoa học và phù hợp bảo đảm vận hành bộ máy, đội ngũ đảng viên và xã hội một cách đồng bộ, thống nhất… nhằm nâng cao năng lực cầm quyền, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác của hệ thống chính trị và toàn dân tộc thực thi đường lối của Đảng thống nhất với pháp luật của Nhà nước. Đó là giềng mối của Đảng, rường cột pháp lý của thể chế. Đó là cầm cương.

Đồng thời, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; tuyển lựa, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan của Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị; lãnh đạo Nhà nước và hệ thống chính trị thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Đây là công việc gốc của Đảng. Đó là cầm tướng.

Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động và bằng hành động gương mẫu của đảng viên và hành động của toàn thể Nhân dân thực thi quyết sách chính trị của Đảng, các đảng chính trị trên thế giới ủng hộ Đảng. Chính là lòng tin và sự tín nhiệm của Nhân dân - nền móng tinh thần, tài sản cơ bản của Đảng, của thể chế. Đó là cầm tâm.

Tất cả được Hiến định và hiện thực hóa bằng hệ thống pháp luật một cách và chính danh và chính pháp.

Dân chủ, pháp quyền và nhân văn - con đường phát triển tất yếu

Hiến pháp năm 2013 quy định: Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình đã đặt Đảng bình đẳng trước pháp luật như mọi đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Đó là sự khẳng định pháp lý vị thế cầm quyền và trách nhiệm lịch sử cầm quyền của Đảng và kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng bằng Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, đó chính là con đường bảo đảm và nâng cao năng lực, sức mạnh lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Về tính tất yếu và mục tiêu lãnh đạo, cầm quyền chính danh, chính pháp và nhân văn, Đảng xứng đáng là đội tiên phong chính trị của giai cấp, của dân tộc về tầm nhìn trí tuệ và đạo đức, về bản lĩnh và văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị, được Nhân dân lựa chọn và được bảo đảm bằng pháp luật. Đảng phải tự mình trưởng thành toàn diện, xứng đáng với dân tộc. Các quyết sách chính trị phải đúng quy luật khách quan và xuất phát từ yêu cầu của lịch sử, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và sự phát triển của thế giới. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trực tiếp và quyết định là cấp chiến lược xứng đáng là rường cột của hệ thống chính trị.

Đảng lãnh đạo xây dựng pháp luật và đi đầu gương mẫu thực thi quyền lực chính trị của mình và tự kiểm soát quyền lực chính trị theo Hiến pháp, pháp luật và sự giám sát của Nhân dân; không dung thứ bất cứ ai và tổ chức đảng nào đứng ngoài hoặc đứng trên kỷ luật của Đảng và pháp luật, tổ chức chính trị, xã hội nào đứng trên hay đứng ngoài pháp luật. Nắm giữ hai tư cách quyền lực như thế, việc kiểm chứng và xác tín quyền lực chính trị của Đảng trước hết, dù với tư cách nào, đều được quy định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013. Khi “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, thì Đảng là một chủ thể lãnh đạo, thực thi quyền lực chính trị của giai cấp mà Đảng đại diện, chứ không phải là một chủ thể thực thi quyền lực nhà nước, dù trên thực tế, là Đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, có vai trò quyết định trong quá trình tổ chức ra Nhà nước.

Mặt khác, quyền lực của Đảng khi là “lực lượng lãnh đạo”, thì được giới hạn bởi quyền lực của Nhà nước. Đảng không được làm thay công việc của Nhà nước. Cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Đảng được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và việc xây dựng, tổ chức thực thi và bảo vệ pháp luật là công việc của Nhà nước, mà Đảng với tất cả các tổ chức và các đảng viên của Đảng đều phải gương mẫu chấp hành, không có ngoại lệ. Đảng lãnh đạo, cầm quyền để Nhân dân là chủ và làm chủ đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì đất nước hùng cường, bởi và bằng pháp luật.

Về nguyên tắc chính trị và nội dung lãnh đạo, cầm quyền, Đảng giữ vị thế, vai trò lãnh đạo trực tiếp hệ thống chính trị và toàn xã hội, không chia sẻ quyền lãnh đạo chính trị tất yếu đó cho bất cứ một lực lượng chính trị nào. Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân trên nền tảng pháp lý và đạo lý về sự phát triển toàn diện của đất nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, an ninh quốc phòng và dẫn dắt dân tộc nhịp bước cùng thời đại trong ba tư cách: vừa là người lãnh đạo đất nước, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân, vừa là “đứa con nòi” của dân tộc. Đảng kiên định, phát triển độc lập, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên thực tế Việt Nam, phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Với tư cách là lực lượng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền, “Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo mọi mặt phát triển của đất nước và chịu trách nhiệm trước toàn xã hội” (1) Trên phương diện này, “Đảng phải chăm lo xây dựng Nhà nước để Nhà nước luôn giữ vững bản chất Nhà nước XHCN Việt Nam, là Nhà nước thực sự của Dân, do Dân, vì Dân”(2) thực thi trọng trách trước hết của Nhà nước là xây dựng hệ thống pháp luật hoàn bị, thống nhất, hiện đại và tiến bộ nhằm giữ vững và bảo đảm toàn bộ quyền lực của thể chế chính trị và quốc gia thuộc về Nhân dân, thống nhất với và cương lĩnh và đường lối Đảng. Đây là cái gốc, là mục tiêu bất biến của công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Đảng là một thành viên của MTTQ Việt Nam, với trọng trách lịch sử lãnh đạo Mặt trận thực hiện mục tiêu đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế theo Hiến định, Đảng lãnh đạo Mặt trận và các tổ chức thành viên; bảo đảm các điều kiện tổ chức Nhân dân tham gia xây dựng, phản biện dân chủ đường lối chính trị, giám sát đội ngũ đảng viên; cổ vũ trách nhiệm của Nhân dân tham gia xây dựng, thực thi, tuân thủ pháp luật; tham gia thực thi, giám sát và phản biện hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức; đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Đảng chịu trách nhiệm về quyền lãnh đạo chính trị của mình trước Nhà nước, MTTQ và Nhân dân, theo pháp luật.

Về nghệ thuật chính trị lãnh đạo, cầm quyền bằng và bởi pháp luật, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng một cách dân chủ và nhân văn đối với Nhà nước và MTTQ Việt Nam. Là “Đảng cầm quyền, Đảng phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của bộ máy nhà nước”(3). Do đó, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và xây dựng Nhà nước có mối quan hệ thống nhất với nhau. Thực tiễn xác tín: Đảng lãnh đạo Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội một cách dân chủ tập trung, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật. Ở đây, khi Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thì việc pháp luật hóa công cuộc lãnh đạo, cầm quyền và tổ chức thực thi quyền lực chính trị của Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội là công việc tự nhiên và tất yếu.

Đảng lãnh đạo, cầm quyền để Nhân dân là chủ và làm chủ trực tiếp và bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội của Nhân dân, bằng và bởi luật pháp. Đó là mục tiêu tối thượng. Vì vậy, Đảng lãnh đạo, cầm quyền phải thể hiện đúng đắn và nghiêm khắc rằng, bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào dù của Đảng hay Nhà nước, tuyệt đối không được đứng trên Nhân dân, đứng trên pháp luật và đứng ngoài Nhà nước, chính là mục tiêu cầm quyền duy nhất và tối cao của Đảng và Đảng chịu trách nhiệm lịch sử trước Nhà nước và Nhân dân về quyền lãnh đạo chính trị của mình đối với Nhà nước và xã hội được pháp luật thừa nhận và xác quyết.

Vì thế, Đảng nắm lấy pháp luật để lãnh đạo, cầm quyền, với tinh thần thượng tôn pháp luật, một cách tất yếu và là nhu cầu tự nhiên, không ngừng tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm pháp chế XHCN, thể hiện ý chí của Nhân dân, theo đường lối chính trị của Đảng, bảo đảm và bảo vệ cho quyền lực nhà nước được thực thi nghiêm bằng cách kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ một cách dân chủ theo pháp luật. Đến lượt nó, pháp luật của Nhà nước phải là bản khế ước của đường lối chính trị của Đảng, một cách tiến bộ, văn minh và hiện đại, theo tinh thần dân chủ và pháp quyền tối cao một cách văn hóa.

Về các điều kiện căn bản và chủ yếu bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền bằng và bởi pháp luật của Đảng, Đảng xây dựng tổ chức bộ máy và lựa chọn, bố trí cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của các thành viên hệ thống chính trị. Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo công việc này cho bất cứ tổ chức chính trị nào, đó là nguyên tắc. Đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược, phải xứng đáng là chính trị gia của Đảng cầm quyền: trung thành với lý tưởng và lợi ích quốc gia dân tộc; tầm nhìn chính trị viễn kiến, giỏi về quản lý và chuyên môn, có óc phản biện; danh dự, dũng cảm, liêm sỉ, trách nhiệm, trong sạch và đạo đức… Bằng mọi cách, thu hút, nuôi dưỡng, bảo vệ, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ tinh hoa của hệ thống chính trị, một cách bình đẳng, công bằng và xứng đáng, không kể họ là ai, chưa là hay không là đảng viên của Đảng thông qua cơ chế tuyển chọn nhân tài một cách khoa học, dân chủ và minh bạch.

Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ của mình và hệ thống chính trị trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình luôn bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công việc thực tế và sự tín nhiệm của Nhân dân làm thước đo; bằng những quy định của Đảng thống nhất với pháp luật. Đội ngũ cán bộ, trước hết là những người lãnh đạo và quản lý mang tầm chiến lược, bảo đảm hài hòa về các độ tuổi, về giới, giữ vững tính liên tục, phát triển ngang tầm công việc cầm quyền của Đảng và đủ sức dẫn dắt quốc gia phát triển. Định kỳ và không định kỳ kiểm tra, “khảo hạch”, chỉnh đốn, tái cấu trúc đội ngũ này bằng pháp luật theo hướng dân chủ hóa, tinh nhuệ hóa và văn hóa hóa.

Mỗi cán bộ, đảng viên trong bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị là một nhà chính trị, đồng thời là một tấm gương mẫu mực về văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị và văn hóa pháp luật. Lãnh đạo việc xây dựng bộ máy của các tổ chức thành viên bảo đảm tinh gọn, đa chức năng, liên thông, trực tiếp, hiệu lực từ Trung ương đến cơ sở. Bảo đảm nghiêm chế độ lãnh đạo tập thể dân chủ đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo gắn chặt với kiểm soát quyền năng và quyền lực theo trách nhiệm cụ thể, duy nhất và đối với từng cá nhân bằng kỷ luật và thượng tôn pháp luật, trước hết là của người đứng đầu theo chức năng và thẩm quyền.

Đó chính là tầm nhìn chính trị, là nội dung và phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trên nền tảng pháp luật một cách dân chủ, kỷ cương và nhân văn. Đồng thời, đó chính thước đo tính đúng đắn, tính khả thi, sức mạnh, uy tín, hấp lực và sự tín nhiệm của Đảng được pháp luật hóa, với ba tính chất: chính danh, chính pháp và chính tín của người lãnh đạo, cầm quyền dẫn dắt Dân tộc.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật Hà Nội, 2018, t. 68, tr. 5.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2015, t. 56, tr. 48.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd , 2015, t. 56, tr. 112.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-dang/bai-1-dang-lanh-dao-cam-quyen-de-nhan-dan-la-chu-va-lam-chu-dat-nuoc-boi-va-bang-phap-luat-i333856/