BÀI 1: Thay đổi để thích ứng

Tiền Giang đã và đang xác định nông nghiệp là một trụ đỡ quan trọng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự trị an trên địa bàn tỉnh. Do đó, Tiền Giang đang tập trung nguồn lực tái cơ cấu gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Đặc biệt, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang còn gắn chặt với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Công cuộc chuyển đổi của ngành Nông nghiệp đã diễn ra rất nhiều năm, theo từng chu kỳ, nhóm ngành khác nhau và mang lại những dấu hiệu tích cực. Nhiều lĩnh vực của ngành Nông nghiệp cũng đã để lại những dấu ấn riêng.

CHUYỂN ĐỘNG

Là tỉnh nông nghiệp nên cây trồng, vật nuôi đã gắn chặt với đời sống của nông dân. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, nông dân không ngừng thay đổi để thích ứng với xu thế chung và nhằm ổn định cuộc sống gia đình. Ông Nguyễn Văn Xuyên (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) chia sẻ, hơn 10 năm trước, khu vực này toàn trồng lúa nhưng nay diện tích sản xuất nông nghiệp đã chuyển đổi khá nhiều. Hiện nay, chỉ số ít diện tích đất người dân còn duy trì trồng cây màu, nhưng đa phần cũng đã chuyển đổi sang đất vườn. Tốc độ chuyển đổi ngày càng nhanh đến mức hiện toàn xã gần như được phủ xanh bởi vườn cây trái, gần đây là dừa uống nước.

“Hơn 10 năm gắn bó, cây dừa Mã Lai đã giúp kinh tế gia đình tương đối ổn định. Với hơn 1 ha trồng dừa đang cho trái, mỗi tháng gia đình thu nhập bình quân hơn 50 triệu đồng. Tháng này, thương lái mới vừa cắt, do dừa đang giai đoạn treo nên chỉ cắt hơn 3.000 trái, bán giá 82.000 đồng/chục”- ông Xuyên cho biết.

Nhiều diện tích rau màu thay dần cây lúa ở các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang.

Nhiều diện tích rau màu thay dần cây lúa ở các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang.

Còn ở các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang, ngoài diện tích cây ăn trái, rau màu gần như cũng dần phủ xanh cánh đồng lúa đối với những diện tích đất cho hiệu quả thấp hoặc khó khăn đối với các vụ sản xuất lúa trong năm. Sở dĩ người dân ưu tiên lựa chọn rau màu nhờ thời gian sản xuất ngắn, thích hợp đối với khu vực gặp khó khăn về nước sản xuất trong mùa khô.

Trao đổi với chúng tôi gần đây, ông Lê Quốc Phong (ấp Trung, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình ông chuyển đổi sang trồng rau màu cũng nhiều năm nay, lợi nhuận tuy khá hơn trồng lúa nhưng nhìn chung thu nhập cũng bấp bênh. “Nông dân tụi tôi rất muốn chuyển đổi sang cây trồng thích hợp với vùng đất này nên rất cần sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn. Bởi giờ đây sản xuất nông nghiệp luôn gặp khó khăn, thời tiết bất thường, hạn, mặn về sớm và kéo dài, thiếu nước ngọt. Từ đó, chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng” - ông Phong cho biết.

Thanh long là một trong những cây trồng được nông dân lựa chọn chuyển đổi trong thời gian qua. Ảnh: LẬP ĐỨC

Thanh long là một trong những cây trồng được nông dân lựa chọn chuyển đổi trong thời gian qua. Ảnh: LẬP ĐỨC

Tất nhiên, việc chuyển đổi của ngành Nông nghiệp, nếu tóm gọn trong lĩnh vực cây ăn trái, cũng đã có sự chuyển dịch đáng kể. Đây cũng là xu hướng chung do lợi ích đáng kể của từng nhóm ngành hàng này mang lại. Nhìn vào thực tiễn gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự chuyển động của cây thanh long, mít, gần đây nhất là “thời vàng son” của cây sầu riêng. Cũng phải chấp nhận thực tế này, giá bán sầu riêng đang rất hấp dẫn nông dân. Có thời điểm giá sầu riêng tăng đến 200.000 đồng/kg, hiện nay dao động cũng khoảng 60.000 đồng/kg. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Quang (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) cho biết, với hơn 5 công đất trồng sầu riêng, thời điểm giá cao, ông có thể thu về 1 tỷ đồng/năm. “Miễn sầu riêng duy trì ở mức giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg thì nông dân có đời sống ổn định”- ông Quang cho biết.

VÀ NHỮNG HIỆU QUẢ

Nhìn vào thực tiễn cho thấy, sự chuyển động của ngành Nông nghiệp nói chung, Tiền Giang nói riêng đã bắt đầu từ mấy mươi năm qua. Cùng với cả nước gầy dựng sau những tàn phá khốc liệt của cuộc chiến tranh, Tiền Giang cũng bắt đầu đi lên từ đó; trong đó, trọng điểm là ngành Nông nghiệp. Cùng với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngành Nông nghiệp Tiền Giang có xuất phát điểm tương đối thấp, cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư lại rất hạn chế do đang trong bối cảnh đất nước còn bộn bề khó khăn.

Sầu riêng trở thành cây ăn trái chủ lực của Tiền Giang.

Sầu riêng trở thành cây ăn trái chủ lực của Tiền Giang.

Thế nhưng, trải qua 48 năm, thời điểm bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã mang lại rất nhiều “kỳ tích” trên nhiều phương diện khác. Dấu son gần đây của ngành Nông nghiệp Tiền Giang được ghi nhận nhiều hơn trên lĩnh vực cây ăn trái. Bởi lẽ, không chỉ do diện tích, năng suất, mà còn do giá trị kinh tế của cây ăn trái mang lại. Con số thống kê cho thấy, nếu như vào giai đoạn những năm 1990, toàn tỉnh Tiền Giang chỉ có hơn 20.000 ha cây ăn trái, bao gồm cả diện tích dừa ở các huyện phía Đông, còn lại là cây ăn trái ở các huyện phía Tây, nhưng đến thời điểm hiện nay, Tiền Giang đã có hơn 82.300 ha cây ăn trái. Giờ đây, Tiền Giang được xem là “vương quốc trái cây”, với tổng sản lượng thu hoạch hằng năm hơn 1,5 triệu tấn, nhiều loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao, điển hình như: Sầu riêng, thanh long, xoài…

Nhiều giai đoạn “tái cơ cấu”

Ngành Nông nghiệp Tiền Giang bắt đầu từ chỗ thiếu ăn, lũ lụt, rầy nâu tàn phá, đến nay không những đảm bảo nhu cầu tiêu thụ, mà còn tham gia xuất khẩu lúa - gạo, trái cây và nhiều loại nông sản khác. Để có thành quả như hôm nay, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã trải qua những chặng đường rất cam go. Đó là thời kỳ khôi phục sản xuất sau chiến tranh, được tính từ năm 1976 đến năm 1985. Đó là thời kỳ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từ năm 1986 đến năm 1995. Đó là thời kỳ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ năm 1996 đến năm 2005.

Chưa kể các chương trình trọng điểm: Chương trình sản xuất vùng lúa năng suất cao 55.000 ha của các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành vào khoảng năm 1980; sau này là các chương trình kinh tế lúa - gạo, kinh tế vườn, chăn nuôi, thủy sản…

Chặng đường của ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Nếu như trên phương diện là người nông dân, ông Võ Văn Chung (Hai Chung, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo) được xem là từ “Hai lúa” trở thành “vua” lúa giống của Tiền Giang và nổi tiếng khắp ĐBSCL mấy mươi năm qua. Nếu nhìn nhận từ các công trình, dự án, Dự án Ngọt hóa Gò Công và Dự án Cải tạo, khai thác Đồng Tháp Mười đã góp sức lớn tạo nên “kỳ tích” của ngành Nông nghiệp Tiền Giang.

Từ vùng đất phía Đông của tỉnh hằng năm bị xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, chỉ sản xuất được 1 - 2 vụ lúa bấp bênh, đời sống người dân rất khó khăn, qua thực hiện các công trình thủy lợi nằm trong Dự án Ngọt hóa Gò Công, toàn khu vực có trên 54.000 ha đã cơ bản được ngăn mặn, giữ ngọt. Đây được xem là dự án ngọt hóa thành công bậc nhất ở ĐBSCL.

Dấu ấn của ngành Nông nghiệp Tiền Giang trong chặng đường đã qua không chỉ trên mặt trận sản xuất, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác, trong đó có cả xuất khẩu. Cùng với cả nước, từ năm 1990, Tiền Giang đã bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo với số lượng tăng dần qua các năm, gần đây trái cây của Tiền Giang cũng đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính.

Theo thông tin của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, trái cây xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Tiền Giang đạt đến 43 triệu USD trong năm 2019, những năm gần đây do tác động nặng nề của dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Tiền Giang cũng đạt xấp xỉ 25 triệu USD; trong đó, có các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Nhiều tỷ phú nhờ làm nông nghiệp cũng đã xuất hiện ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Bức tranh nông thôn Tiền Giang cũng đã thay đổi đáng kể.

Diện mạo ngành Nông nghiệp trong những năm qua đã được thay đổi trên nhiều phương diện, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và được xem là trụ đỡ vững chắc, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua. Ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng đang bắt đầu cho cuộc trường chinh mới theo hướng tái cơ cấu ngành, nâng cao chất lượng, thực hiện các chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Thế nhưng, chặng đường phía trước của ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng được dự báo sẽ còn lắm khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, hạn, mặn, diễn biến bất thường của thời tiết… Vì lẽ đó, công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cứ thế tiếp tục.

ANH PHƯƠNG

(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202306/tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-lay-hieu-qua-lam-thuoc-do-bai-1-thay-doi-de-thich-ung-981866/